Trong Hội quán cùng nhau làm du lịch, Homestay “Ngôi nhà Hoa Ếch” của anh Trần Thanh Hùng được phân chia với phân khúc khách trong nước lưu trú
Cùng nhau thành lập hội quán
Những ngày qua, có dịp trở lại làng hoa Sa Đéc. Khung cảnh những ngày mưa dầm cũng không ngăn được bước chân của du khách đến tham quan, ngắm cảnh tại thành phố hoa Sa Đéc với tấp nập xe, người đi nườm nượp... Loanh quanh thành phố hoa, chúng tôi dừng chân tại điểm Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch của anh Trần Thanh Hùng (phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc) và tình cờ biết được câu chuyện cùng nhau làm du lịch của người dân nơi đây...
Bên tách trà thơm, anh Hùng kể về chuyện làm du lịch của anh và Hội quán cùng nhau làm du lịch. Anh Hùng chia sẻ, gia đình anh có 3 đời trồng hoa kiểng tại Sa Đéc. Thế nhưng, với bản tính ham học hỏi và thích khám phá những điều mới lạ, vài năm trước anh lại bắt nhịp theo chủ trương của tỉnh chuyển đổi sang hướng kinh doanh du lịch từ những lợi thế sẵn có của gia đình. Theo đó, anh tận dụng nghề trồng hoa truyền thống của gia đình và nuôi ếch để xây dựng homestay “Ngôi nhà Hoa và Ếch”, mục tiêu là mang đến cho du khách sự trải nghiệm từ những món ăn, khung cảnh bình dị của thành phố hoa...
Ý tưởng và định hướng kinh doanh ban đầu là vậy, tuy nhiên khi “dấn thân” vào nghề, được gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng như được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác, anh mới ngộ ra một điều: Du lịch không thể phát triển lên được nếu cứ làm ăn riêng lẻ, mạnh ai nấy làm. Nghĩ vậy, anh đã động viên những anh em cùng chung ý tưởng kết nối những điểm du lịch với nhau để cùng quảng bá hình ảnh TP.Sa Đéc.
Vậy là bên cạnh việc tự làm du lịch, trồng hoa kiểng, anh Trần Thanh Hùng đã cùng 37 hộ dân trồng hoa, làm du lịch gắn kết lại với nhau thành lập Hội quán cùng nhau làm du lịch. Mục đích là tạo sự kết nối, cùng hỗ trợ nhau và phân chia lượng khách đều tại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, đảm bảo sự công bằng, đoàn kết và không có sự cạnh tranh giữa các điểm du lịch với nhau... Nhờ ý tưởng độc đáo này mà thời gian gần đây, du lịch Sa Đéc đã có sự đổi khác, tạo nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách tham quan hơn nhờ cách làm ăn bài bản, kết nối...
Theo anh Trần Thanh Hùng, Hội quán cùng nhau làm du lịch cũng đang lên kế hoạch xây dựng một tour kết nối giữa các điểm du lịch với nhau. Cụ thể như, trước nay du khách đến làng hoa Sa Đéc sẽ ghé tham quan từng điểm và mua vé riêng, nhưng khi hợp tác làm tour kết nối này, du khách chỉ cần mua 1 vé từ cổng làng hoa Sa Đéc thì sẽ có thể tham quan, trải nghiệm hết tất cả các điểm tham quan trong tour kết nối. Điều này vừa giúp du khách có thể khám phá hết các điểm du lịch tại làng hoa, vừa giúp mọi thành viên Hội quán đều tăng thêm lượng khách tham quan.
Sự đồng lòng tạo nên sự khác biệt
Anh Nguyễn Ngọc Hùng - chủ Khu du lịch Happy land Hùng Thy (phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc), đồng thời cũng là thành viên của Hội quán cùng nhau làm du lịch chia sẻ: “Tuy Hội quán mới đi vào hoạt động từ tháng 3 năm nay nhưng điểm du lịch của tôi đã tiếp nhận khá nhiều đoàn khách từ “Homstay Ngôi nhà Hoa Ếch” của anh Trần Thanh Hùng cũng như các điểm kết nối trong Hội quán. Theo anh Ngọc Hùng, điểm khác biệt lớn nhất khi kết nối cùng làm du lịch là không còn nghe phản ánh về giá cả chênh lệch giữa các điểm tham quan và luôn nhận được sự phản hồi hài lòng về dịch vụ phục vụ du khách.
Cũng như anh Ngọc Hùng, điểm nghỉ dưỡng Homestay Ngôi nhà tre của thầy Huỳnh Trịnh Quốc Phong cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các hội viên thông qua việc chia sẻ lượng khách du lịch đến làng hoa. Thầy Phong cho biết: “Mỗi tháng có vài đoàn khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng tại Homestay Ngôi nhà tre của mình. Khách xa đến làng hoa không thể biết được hết những điểm vui chơi, nghỉ dưỡng tại Sa Đéc, vì vậy khi khách đến đây mình hướng dẫn những địa điểm tham quan theo nhu cầu du khách cũng là cách hỗ trợ nhau phát triển du lịch”.
Trên Đài ngắm hoa, du khách có thể ngắm toàn cảnh làng hoa Sa Đéc
Bên cạnh việc kết nối với những điểm du lịch, thầy Phong cũng kết nối với những hộ trồng hoa xung quanh để làm du lịch. Theo thầy Phong, mục đích của việc này là tạo ra được lợi ích chung cho họ, từ đó họ thấy yêu thích và tự động làm du lịch, kết nối cùng làm du lịch nhiều hơn. Ông Lâm Văn Học - một hộ dân trồng hoa màu gần khu homestay của thầy Phong phấn khởi nói: “Hồi trước, khi chưa có khu homestay này khách du lịch ít đến vườn hoa của tôi. Nhưng từ khi thầy Phong giới thiệu, du khách đến tham quan vườn hoa của chúng tôi nhiều hơn, bà con ở đây ai cũng vui và phấn khởi vì có thêm một khoản thu nhập từ vườn hoa”.
“Trước đây, chúng ta cứ nghĩ nếu nhiều người làm thì lợi ích sẽ bị chia nhỏ ra, mỗi người sẽ không hưởng lợi được bao nhiêu. Thế nhưng, qua thực tế chúng ta thấy rõ một điều là khi biết khai thác du lịch và cùng nhau làm du lịch thì “cái bánh” lợi ích sẽ càng phình to ra chứ không phải càng teo tóp lại. Chẳng hạn, đối với dịch vụ đài ngắm hoa của tôi, ngoài việc kết nối với những điểm tham quan trong Hội quán cùng hỗ trợ, chia lợi ích, thì đối với cộng đồng xung quanh những dịch vụ khác cũng được hưởng lợi ví dụ như dịch vụ giữ xe, ăn uống... cũng phát triển theo một chuỗi. Đây chính là cách phân chia lợi ích cho cộng đồng hiệu quả và ổn định” - chú Trần Hữu Tài ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, chủ của điểm vui chơi ngắm đài hoa Sa Đéc tâm sự.
Cũng theo chú Tài, có thể cách làm du lịch này khá mới ở Đồng Tháp nhưng những nơi khác người ta đã làm và làm rất hiệu quả. “Tôi tin rằng, với cách làm này và có sự đồng lòng của người dân Sa Đéc, có thể 10 năm nữa du lịch Sa Đéc sẽ phát triển bằng với du lịch của Hội An (Quảng Nam) và những nơi khác nữa, vấn đề là sự đồng lòng và “truyền lửa” kịp thời của địa phương thì người dân sẽ tự khắc làm và kết nối cùng nhau làm...”- chú Tài chia sẻ thêm.
Có thể nói, phát triển du lịch bền vững còn là một chặng đường dài với sự chung tay của nhiều phía, tuy nhiên bằng sự nhiệt tâm, nhiệt tình của những người con TP.Sa Đéc, chúng ta có thể tin tưởng rằng, du lịch Sa Đéc sẽ có sự phát triển mới và tạo được nét riêng từ cách làm du lịch chuyên nghiệp. Cùng với đó, cách làm du lịch chia sẻ này cũng được xem là bước tập dợt để người dân thay đổi nhận thức từ làm ăn cá thể sang tập thể, tiến tới xây dựng một nền kinh tế hợp tác bền vững trong tương lai...