Núi Cấm. Ảnh: Ngọc Minh
Được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây Nam Bộ với độ cao 716m, là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng không khác gì “bồng lai tiên cảnh”, Núi Cấm - An Giang được ví như Đà Lạt của đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ trung bình trong ngày từ 20 - 250C, luôn mang đến cho du khách một không khí mát mẻ, trong lành. Với những tài nguyên hiện có, Núi Cấm hướng tới mục tiêu phát triển thành Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trọng điểm không chỉ của tỉnh, mà còn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng và hấp dẫn.
Ảnh: Phương Ngoan
Đến với Núi Cấm, du khách sẽ được hòa mình vào hệ thống sinh thái đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với nhiều công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, kỷ lục Guinness Việt Nam tượng phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á, hồ Thủy Liêm, suối Thanh Long và các hoạt động khám phá thiên nhiên…
Suối Thanh Long hay còn gọi là suối An Hảo dài 4,25km, theo sách kỷ lục An Giang 2009 thì đây chính là dòng suối dài nhất của tỉnh An Giang và là điểm thu hút khách du lịch trong mùa mưa. Nằm ở độ cao hơn 200m, các mạch nước nhỏ chảy ra từ lòng núi hòa quyện vào nhau tạo nên dòng suối len lỏi qua từng vách đá rồi bất ngờ đổ ầm ầm xuống chân thác tung bọt trắng xóa, dưới chân thác những tảng đá chồng chất lên nhau tạo nên những hồ tắm thiên nhiên với dòng nước trong xanh mát lạnh. Suối Thanh Long còn có những tảng đá rất lớn, thích hợp cho du khách thích khám phá, trổ tài câu cua núi...
Hồ Thủy Liêm trước chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh trên đỉnh Núi Cấm có sức chứa nước khoảng 250.000 khối nước, chiều dài quanh hồ là 1.000m được xây dựng nhằm mục đích vừa tạo cảnh quan để thu hút du khách vừa sử dụng để cung cấp nước cho toàn khu vực quanh hồ. Do nhu cầu tâm linh, hồ Thủy Liêm ngày nay đã trở thành địa điểm thả cá phóng sinh lý tưởng của du khách. Điều đặc biệt là đàn cá dưới hồ rất dạn, mỗi lần du khách đi ngang chiếc cầu, đàn cá bu lại chờ người cho ăn.
Chùa Vạn Linh còn có tên gọi là chùa Lá. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông. Trước tiền đường là ba ngọn tháp uy nghi, làm tăng thêm vẻ cổ kính linh thiêng của ngôi chùa. Bên trái là tháp chuông thờ phật Di Đà, và Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn phía dưới đặt đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Bên phải là bảo tháp linh cốt hòa thượng khai sơn Thích Thiên Hạ Quang ba tầng. Ngay chính giữa là Bảo các Quan Âm cao 40m với chín tầng kể cả tầng nóc và tầng trệt đặt thờ nhiều vị phật. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có một số công trình khác. Vào ngày 23 và 24/11 hàng năm, nơi đây Lễ An vị các tượng phật được tổ chức vào ngày lễ giỗ hòa thượng khai sơn rất long trọng.
Chùa Phật Lớn (Thiền viện chùa Phật Lớn) tọa lạc trên diện tích 13,6ha gồm các hạng mục công trình: chánh điện, hữu điện, tả điện, trai đường, độ đường, dịch vụ - phục vụ, hộ pháp, tổng thể sân - đường nội bộ,... Nơi đây góp phần không nhỏ để Núi Cấm xứng đáng trở thành khu du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa.
Nếu có dịp nghỉ đêm trên đỉnh núi cao nhất miền Tây này, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng. Các quán cà phê từ bình dân đến sang trọng đều được xây dựng quanh bờ hồ Thủy Liêm, hướng mặt ra hồ và đón từng làn gió mát dịu. Du khách có dịp trò chuyện với người dân bản địa, tìm hiểu về cuộc sống ẩn dật của các vị đạo sĩ trên đỉnh non thiêng và nghe những câu chuyện thú vị, hấp dẫn về một vùng đất đã làm nên Thất Sơn huyền bí.
Toàn cảnh Thiên Cấm Sơn. Ảnh: Ngọc Minh
Tuy nhiên, du lịch ở Núi Cấm vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia hoạt động du lịch chưa có chuyển biến sâu sắc. Sự trải nghiệm, khám phá văn hóa của du khách vẫn mờ nhạt. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Khu du lịch Núi Cấm nằm xen lẫn khu dân cư nên đã phát sinh nhiều bất cập trong quản lý, khai thác du lịch...
Theo quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh An Giang, thời gian tới, sẽ phát triển Khu du lịch Núi Cấm thành khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, tổ chức bảo vệ cảnh quan rừng nhiệt đới nhằm thu hút khách tham quan du lịch. Xung quanh khu trung tâm hành hương gồm Thiền viện - chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc sẽ xây dựng và phát triển thêm các khu thương mại, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm và các dịch vụ; đồng thời, cải tạo cảnh quan chung quanh hồ Thủy Liêm, khu vực phía trước tượng phật Di Lặc để tạo mỹ quan và không gian du lịch phù hợp với tổng thể của khu vực. Ngoài ra, còn cho xây dựng và phát triển thêm các khu làng nghề truyền thống, khu ẩm thực đặc trưng của Núi Cấm và khu văn hóa Phật giáo.