Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây me chua cổ thụ được công nhận "Cây di sản Việt Nam" không chỉ là tài sản diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ.
Cây me chua Di sản Việt Nam có tuổi đời trên 600 tuổi ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang) được trao bằng công nhận ngày 13/8/2014.
Cây me cổ thụ năm nào cũng ra hoa, kết trái. “Lão me” có dáng độc lạ, với chu vi 6,2m, cao trên 30m, từ thân chính, hàng chục “cánh tay” vạm vỡ, cuồn cuộn vươn ra xa khoảng 20m, tán rất rộng có thể che mát cho hàng trăm người.
Đến địa bàn xã Núi Tô hỏi ai, hầu như người nào từ trẻ, đến già ai ai cũng biết “Lão me” trên 600 năm tuổi của đồng bào Khmer. Cây me chua có thế đứng oai vệ, hùng vĩ như trụ chống trời, gợi biết bao hoài niệm. Nhớ về câu ca “cây me che bóng mát mỗi chiều ta đứng chờ nhau, dư âm xưa như ngỡ sống lại bên giây phút đầu…”.
Cây me đã sống qua 7 đời và là Cây me chua lớn nhất vùng thất sơn Bảy Núi hiện nay.
Từ xưa đến nay, hình ảnh cây cổ thụ đã đi vào tâm thức của người quê như hình ảnh “cây đa, giếng nước, mái đình”, dù đi đâu họ vẫn nhớ về nơi “bóng mát quê hương”. Cổ thụ như một biểu tượng của đất mẹ, của tình làng nghĩa xóm.
Bóng me rợp bóng mát khiến nhiều người xao xuyến nhớ về quê hương, nguồn cội và dưới gốc cây me cổ thụ có 1 hốc vừa 1 người chui lọt giữa gốc cây
Cây me chua có chu vi 6,2m, cao trên 30m, từ thân chính, hàng chục “cánh tay” vạm vỡ, cuồn cuộn vươn ra xa khoảng 20m, tán rất rộng có thể che mát cho hàng trăm người. Cây có nhiều nhánh rất to một người vòng tay ôm không giáp, mỗi nhánh được thiên nhiên tạo như những hình rồng uốn lượn rất độc đáo.
“Lão me” được xem là báu vật của đồng bào Khmer nơi đây. Đặc biệt, bộ rễ của “lão me” này, từng nhánh rễ to đùng, nổi lên mặt đất, uốn lượn như những con rồng.
Cây me chua trên 600 năm tuổi có nhiều nhánh rất to một người vòng tay ôm không giáp, mỗi nhánh được thiên nhiên tạo như những hình rồng uốn lượn rất độc đáo và có nhiều khối u mụt nhìn rất đẹp mắt.
Ông Chau Phy (chủ nhân cây me chua 600 tuổi) cho biết, chẳng biết cây me có tự bao giờ, ngay cả ông cố nội của ông cũng còn chưa nắm rõ lai lịch của cây me từ đâu mà mọc giữa đồng như thế.
“Nếu nhẩm tính thì sự tồn tại của cây me chua nhà tui đã sống qua ít nhất cũng bảy thế hệ cha ông. Nó có thể là một cây me mọc tự nhiên giữa rừng, bởi khi tui còn thơ ấu thì chung quanh sóc Bà Đen bao bọc toàn là rừng cây chằng chịt. Cứ nghe tổ tiên, ông bà truyền rằng không được đốn cây me, nên hết đời này sang đời khác nó vẫn phơi mình cùng nắng gió trên vùng cát sỏi Thất Sơn (Bảy Núi) này” - ông Phy kể.