Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt

Thứ sáu, 11 Tháng 10 2019 17:52 (GMT+7)
Những hàng thốt nốt ở An Giang hay chợ nổi ở Cần Thơ là địa điểm du lịch gợi ý cho bạn cuối tuần này
Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 1.
Hàng thốt nốt, An Giang

Mùa nước nổi từ tháng 7 đến 10 âm lịch hàng năm là thời gian lý tưởng để ghé thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về tạo thành một biển nước tràn đồng. Ở An Giang, du khách yêu khám phá có thể tìm đến những hàng thốt nốt soi bóng dưới dòng nước đỏ nặng phù sa để thăm thú, chụp ảnh. Ảnh: Phạm Huy Trung.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 2.
Thốt nốt là loại cây đặc trưng của tỉnh An Giang, có nhiều công dụng như làm cây phong cảnh, ăn quả, nguyên liệu sản xuất đường. Tên gọi "thốt nốt" do người địa phương đọc chệch từ tiếng Khmer là "th'not". Thời gian gần đây, những hàng thốt nốt được dân yêu du lịch "lăng xê", trở thành một trong những cảnh đẹp không thể thiếu khi check-in An Giang.
Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 3.
Chợ nổi Long Xuyên, An Giang

Chợ nổi Long Xuyên cách trung tâm thành phố khoảng 2 km, nằm dọc một bên của sông Hậu. Những ngày này, dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa càng khiến chợ nổi thêm phần sinh động. Chợ không lớn như những khu chợ nổi khác ở miền Tây nhưng nếu ở An Giang, bạn không nên bỏ qua. Đây là nơi thích hợp để tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt, nét bình dị và chân chất của người dân ở vùng sông nước.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 4.

Điểm dễ nhận ra ở chợ nổi là người bán không nói thách đố, khách không phải trả giá. Nơi đây có nhiều loại trái cây, nông sản và không thể thiếu các món ăn vặt nổi tiếng của An Giang như bún cá, bánh tầm bì... Các hoạt động du lịch ở chợ chưa phát triển nhưng bạn vẫn có thể tìm thuê thuyền. Thời gian khởi hành lý tưởng là khoảng 5h, bạn có thể ngắm bình minh trên chợ nổi.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 5.

 

Búng Bình Thiên, An Giang

Tỉnh An Giang nằm đầu nguồn sông Mekong, giáp biên giới nước láng giềng Campuchia nên vừa mang vẻ đặc trưng của miền Tây khi con nước về, vừa có nét văn hoá bản địa đặc sắc. Đến Búng Bình Thiên ở huyện An Phú, bạn sẽ được dịp ngồi thuyền, lênh đênh trên một hồ nước lớn. Búng theo tiếng địa phương nghĩa là hồ. Búng Bình Thiên còn được ví là "Hồ gương trời" vì những ngày trời trong, bạn sẽ thấy khung cảnh phản chiếu dưới nước.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 6.

Búng Bình Thiên được ghi nhận vào danh sách những hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Du khách đến đây có thể thuê thuyền của người địa phương, giá từ 300.000 đồng đi trong khoảng một giờ. Bạn đừng quên tìm thử món bún cá là đặc sản của người An Giang.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 7.
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Chợ cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, phương tiện di chuyển chủ yếu đến đây là ghe, thuyền. Thời điểm thăm lý tưởng là khi trời chưa sáng.

Tuy không còn đông đúc như trước, buổi sáng ở chợ nổi Cái Răng ngày nay vẫn còn âm thanh sôi động của ghe máy, tiếng người dân mời khách mua đồ ăn, trái cây.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 8.

Du khách có thể hỏi thuê thuyền tại bến Ninh Kiều hoặc điểm lưu trú. Giá trung bình 100.000 đồng một người. Đến chợ nổi, bạn đừng quên ăn sáng trên ghe. Các món phổ biến là hủ tiếu, bún riêu, cháo lòng, bún thịt nướng.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 9.

 

Gia đình làm hủ tiếu truyền thống, Cần Thơ

Từ bao đời nay, nghề làm hủ tiếu được nhiều gia đình ở quận Cái Răng, Cần Thơ duy trì như nét truyền thống của địa phương. Cách chợ nổi không xa là khu An Bình, nơi bạn có thể tìm đến để tìm hiểu nghề truyền thống này.

Cuối tuần check-in chợ nổi, hàng thốt nốt - Ảnh 10.

Không những có thể trải nghiệm đổ bột, cắt bánh, du khách có thể mua hủ tiếu về làm quà cho người thân, bạn bè. Hủ tiếu ở đây mang về có thể nấu theo nhiều cách, trụng và ăn cùng nước lèo hầm xương hoặc xào cũng rất ngon.

thitruong.nld.com.vn

Bài viết mới nhất của Du Lịch