Làng chài Hàm Ninh nằm ở phía Đông, cách thị trấn Dương Đông trung tâm Phú Quốc chừng 20km. Hằng ngày, Hàm Ninh là nơi ghe thuyền từ các nơi cập bến, mang theo hàng hóa từ đất liền và vận chuyển hải sản đi nhiều nơi. Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến Hàm Ninh là cảnh trời mây non nước hữu tình, nhất là lúc bình minh và hoàng hôn trên biển.
Cầu cảng Hàm Ninh, Phú Quốc.
Giờ đây, Phú Quốc đã được khoác chiếc áo lộng lẫy hơn xưa với hệ thống nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mới lạ, sang trọng; thế nhưng, làng chài Hàm Ninh vẫn giữ nét đơn sơ, bình dị với nhiều hình ảnh mộc mạc, chân quê như những chiếc thuyền nhỏ cặp bờ, những em bé đầu trần, chân đất đi bắt cua, bắt ốc, xa xa là những mái nhà đơn sơ với những con người hồn hậu và hiền hòa.
Thiên nhiên nơi đây còn hoang sơ, một bên là dãy núi Hàm Ninh, rừng cây điệp trùng, đỉnh cao trên 300m; một bên là trời nước mênh mông, bốn mùa lộng gió, ghe tàu đánh bắt neo đậu suốt ngày đêm. Đa số dân cư nơi đây đều tập trung bên bờ Rạch Hàm, nhà cửa san sát. Ngoại trừ khu đô thị mới với nhiều dãy nhà khang trang, đẹp đẽ, còn lại phần lớn là những ngôi nhà đúng chất làng chài xưa.
Ông Dương Văn Thiện, ngư dân cố cựu nơi đây cho biết từ xa xưa bà con đã quy tụ về đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản rồi lập làng. Đặc biệt bãi biển Hàm Ninh rất yên tĩnh, ít sóng to gió lớn, tàu bè từ đất liền ra đây cập bến, khách bộ hành muốn vào bờ phải đi qua cầu cảng Bãi Vòng, một chiếc cầu dài thật xinh và vô cùng thơ mộng.
Du khách đến Hàm Ninh còn có dịp trải nghiệm và khám phá nghề lặn ngọc trai, săn tìm hải sâm, hải mã, bắt sò ốc và đánh ghẹ. Ở đây gần 80% ngư dân chuyên nghề lưới ghẹ. Nghề nào cũng phải đổi bằng mồ hôi chảy theo năm tháng. Ngư dân Hồ Thanh Vũ cho biết mỗi ngày phải ra khơi làm việc cật lực dưới nước mới có thu nhập khoảng 200.000 đồng. Nhiều người cho biết những năm gần đây, ngọc trai, ốc và hải sâm (đồn đột) không còn nhiều, muốn săn được nhiều phải có tàu lớn và đi thật xa, do đó nhiều người đã chuyển sang lưới ghẹ.
Ngày nay, không khí bến tàu ở Hàm Ninh náo nhiệt không thua ở Dương Đông. Nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm bách hóa và các cửa hàng phục vụ du lịch mọc lên. Du khách đến đây ngoài vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành, mua hàng lưu niệm còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bốn mùa, trên bờ cảnh sắc lung linh, cầu cảng tấp nập ghe xuồng. Thú vị nhất là những hàng hải sản. Có thể nói hải sản Hàm Ninh đa dạng và phong phú vào bậc nhất ở các hòn đảo Tây Nam: cá nhồng, cá rìa, cá ngựa, cá thiều, cá hường bạc, tôm tít, ghẹ, mực, cá mang ếch… Ngoài ra, còn có nhiều loại sò, ốc, bào ngư và nhiều loại quý hiếm khác như hải mã, hải long, hải sâm.
Nét đặc trưng của làng cổ Hàm Ninh là trên rừng có nhiều loại thuốc Nam như mỏ quạ, mật nhân, hà thủ ô, đặc biệt là nấm tràm, một loại nấm nổi tiếng thơm ngon và bổ dưỡng. Vì vậy mà ai đến Hàm Ninh lúc quay về cũng mua nấm tràm khô, hải mã và thuốc Nam, rượu bổ về làm quà cho gia đình và người thân.
Suốt hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà con ngư dân đã làm thay đổi bộ mặt Hàm Ninh, biến vùng biển đảo hoang sơ trở thành một làng chài sung túc và ngày càng thu hút đông đảo khách đến để hiểu rõ hơn về một ngư trường rộng lớn đã từng cưu mang nhiều thế hệ ngư dân đến đây lập nghiệp. Đến đây, du khách mới có dịp trải nghiệm cuộc sống của những con người đầu sóng ngọn gió, suốt đời đương đầu với “mặt biển chân mây” nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, chân chất, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách.