Miếu Bà Chúa xứ núi Sam luôn thu hút đông du khách trong và ngoài nước.
Phát triển du lịch và bảo tồn nghiêm ngặt di tích, thắng cảnh
Có núi Sam cao 284 m cùng quần thể di tích kiến trúc, văn hóa nổi tiếng như miếu Bà Chúa xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… KDLQG Núi Sam là điểm đến tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đông khách du lịch, người hành hương viếng thăm hằng năm, nhất là vào dịp tháng tư âm lịch với lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, một lễ hội lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Tại một hội thảo gần đây, các nhà nghiên cứu của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã nhận xét: Châu Ðốc là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện để hình thành và phát triển hoạt động du lịch văn hóa tâm linh bởi có một không gian như quần thể di tích núi Sam cùng nhiều hoạt động tín ngưỡng, trong đó có các lễ hội mang sức lan tỏa rộng như lễ hội vía Bà Chúa xứ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Ðốc Trần Quốc Tuấn, một trong những yếu tố để KDLQG Núi Sam và lễ hội vía Bà Chúa xứ trở nên linh thiêng, được khách thập phương biết đến là pho tượng Bà Chúa xứ cổ xưa trên đỉnh núi Sam được phát hiện thời nhà Nguyễn, sau đó được chính quyền và nhân dân thỉnh đưa tượng xuống chân núi lập miếu thờ. Năm 1938, nhà khảo cổ học người Pháp Lu-ít Man-lơ-rê đã khảo sát tượng Bà Chúa xứ và kết luận tượng có từ thời trung cổ, mang tính chất tượng thần Xi-va. Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia và đến năm 2014 được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2008, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập tượng Bà Chúa xứ là tượng đá bằng sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam. Cùng với miếu và tượng Bà Chúa xứ gắn lễ hội vía Bà còn có các hoạt động đi kèm mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước như đua thuyền rồng, thả đèn hoa trên ngã ba sông Châu Ðốc, tái dựng lễ rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống chân núi…
Ngày 27-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận KDLQG Núi Sam với quy hoạch rộng khoảng 1.500 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, việc Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Núi Sam có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng với địa phương, là tiền đề để tỉnh tiếp tục quy hoạch chi tiết tám phân khu du lịch nhằm khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng để trở thành một điểm đến du lịch có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch thời gian qua. Ðồng thời, đặt nhiệm vụ An Giang vừa phát triển du lịch nhưng phải bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy giá trị hệ thống di tích, thắng cảnh; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế và an sinh…
Ðể xứng tầm khu du lịch quốc gia
Trước kia, KDLQG Núi Sam là vùng xa xôi, cách trở sông nước, cho nên lượng khách tương đối giới hạn, chỉ đón khoảng vài chục nghìn lượt khách mỗi năm. Nhưng từ sau năm 2000, lượng người hành hương, khách du lịch trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao; đến năm 2013, KDLQG Núi Sam đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, lượng du khách tăng cũng kéo theo các tiêu cực xã hội như bán hàng rong, đeo bám, chặt chém du khách, lừa đảo, móc túi, tệ nạn ăn xin, xả rác bừa bãi, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường… tác động tiêu cực đến bộ mặt văn hóa, văn minh du lịch núi Sam. Ðây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng tỉnh An Giang và các cấp chính quyền thành phố Châu Ðốc đã có những bước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ để bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo nên hình ảnh một Châu Ðốc văn minh, hiện đại. Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố đã kiên quyết chấn chỉnh, dẹp bỏ các tệ nạn ở khu vực núi Sam, lắp các ca-mê-ra theo dõi hoạt động vi phạm lấn chiếm lề đường, móc túi, chèo kéo du khách...
KDLQG Núi Sam hấp dẫn bởi tài nguyên du lịch, nổi bật là địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo; giá trị tâm linh tín ngưỡng gắn lễ hội vía Bà Chúa xứ và giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia,… Thời gian qua, hoạt động du lịch tại KDLQG Núi Sam đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của tỉnh. Lượng khách đến núi Sam từ năm 2015 trở về sau ngày càng tăng; tổng thu từ khách du lịch cũng tăng mạnh, cụ thể: năm 2008 chỉ đạt 95 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 đạt khoảng 500 tỷ đồng. KDLQG Núi Sam đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người, tăng thu nhập và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương. Bộ mặt đô thị khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Ðổi thay nhất là đường Tân lộ Kiều Lương dẫn vào núi Sam ngày xưa nhỏ hẹp nay đã thành đại lộ thênh thang, phố xá mọc lên sầm uất.
Mới đây, tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thời gian tới thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong thu hút đầu tư cho KDLQG Núi Sam, phấn đấu đến trước năm 2025, phát triển khu du lịch Núi Sam đáp ứng các tiêu chí của KDLQG và đến năm 2030, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đưa du lịch Châu Ðốc trở thành thương hiệu lớn về du lịch văn hóa tâm linh, một điểm đến quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng sáu triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 2.600 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động trực tiếp. Ngành du lịch An Giang và Châu Ðốc sẽ đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước, thúc đẩy phát triển các mô hình liên doanh, liên kết phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, có chính sách ưu tiên những dự án đầu tư có quy mô và dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường, góp phần tạo thương hiệu cho KDLQG Núi Sam. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, resort, chợ đặc sản, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại tại Châu Ðốc để du khách đến tham quan có nơi mua sắm, giải trí.
Ngành du lịch An Giang sẽ tăng cường chính sách kích cầu thị trường khách du lịch trong nước vào mùa thấp điểm nhằm khắc phục tính thời vụ của du lịch núi Sam, tập trung thu hút khách trong từng phân đoạn thị trường du lịch, gắn du lịch lễ hội kết hợp với hành hương; chú ý thị trường khách trẻ tuổi yêu thích khám phá, trải nghiệm thể thao, sinh thái nông nghiệp, tham quan vườn ươm, trang trại.
Với khách quốc tế, sẽ chú trọng phát triển thị trường du lịch theo đường bộ từ Thái-lan và Cam-pu-chia qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, trong đó mục đích chính là việc hành hương, lễ tại Bà Chúa xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu và các điểm di tích khác. Ðồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh; liên kết và mở rộng thị trường khai thác du lịch các tỉnh Ðông Nam Bộ - Tây Nguyên cùng các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế.