Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer trong lễ cúng trăng

Thứ bảy, 16 Tháng 11 2019 09:25 (GMT+7)
Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, tối ngày 10-11, tại Công viên 30-4 (TP. Sóc Trăng) đã diễn ra lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam bộ. Đến dự có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh cùng đông đảo người dân.
 
 
Đút cốm dẹp cho các cháu học sinh theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: H.Như

 

Được biết, trong quan niệm của người Khmer, mặt trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của con người. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, họ cũng làm lễ cúng trăng để nhớ công ơn này. Mâm cúng bắt đầu được trang hoàng và bày biện khi chiều xuống.
 
Lễ vật của mâm cúng là những sản vật của nhà nông như: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, các loại củ, cây trái trong vườn, đặc biệt là không thể thiếu dĩa cốm dẹp. Nghi thức lễ được tiến hành khi mặt trăng lên, mọi người tập trung lại ngồi chắp tay quay mặt về hướng mặt trăng để làm lễ. Khi trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn và người chủ lễ sẽ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt.
Các vị sư và Achar tiến hành lễ thức cúng trăng. Ảnh: H.Như
Lãnh đạo tỉnh thắp hương tại buổi lễ. Ảnh: H.Như
Mở màn buổi lễ là tiếng nhạc rộn ràng từ dàn ngũ âm, tại buổi lễ, các vị sư và Achar tiến hành lễ thức cúng trăng. Sau lời khấn tạ ơn và đọc một đoạn kinh cầu phúc, các em nhỏ sẽ lần lượt được gọi lên để đút cốm dẹp, các em vừa nuốt cốm dẹp, vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng. Mâm cúng xong, mọi người quây quần cùng thu lộc các đồ cúng để hưởng phước, các em nhỏ thì vui chơi, múa hát cộng đồng.
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Lễ cúng trăng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, thể hiện sự khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với thiên nhiên.
 
Việc tổ chức lễ hàng năm không chỉ là bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của tỉnh Sóc Trăng để thu hút du khách đến với tỉnh”.
Theo Báo Sóc Trăng
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch