Hạ tầng giao thông cho du lịch là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại diễn đàn. Trong ảnh: Một góc hệ thống đường thủy và đường bộ ĐBSCL nhìn từ trên cao.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lê Quang Tùng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, DL Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách DL quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhận thức về DL của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực.
Vị thế của ngành DL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được định hình. Cụ thể, DL Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng DL cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển DL, 2 năm liền (2018, 2019) được vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách DL quốc tế đến Việt Nam xấp xỉ đạt 20%/năm. Nhiều dự án DL, khu DL có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tại các địa phương hình thành và đi vào hoạt động.
Sự tăng trưởng của ngành DL đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn làm chậm tốc độ phát triển, đó là: sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển DL nhưng vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển; ngược lại, có địa phương không đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội DL Việt Nam, đánh giá: “Sự phát triển DL của Việt Nam không đồng đều, vẫn còn có những vùng trũng như ĐBSCL - nơi chưa tạo ra nhiều đột phá.
ĐBSCL là vùng đất rất giàu tài nguyên DL, nhưng DL ĐBSCL phát triển khá chậm, cả về lượng khách, về sản phẩm, nguồn nhân lực và công tác xúc tiến”.
Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khu vực ĐBSCL Tập đoàn Thiên Minh, Giám đốc Victoria Resort Cần Thơ, cho rằng, các tỉnh miền Tây chưa thu hút được nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, bởi những nguyên nhân: giao thông chưa thuận tiện, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng và chưa được nhiều người biết đến.
“Thực tế, tỷ lệ khách quốc tế lưu trú so với lượng khách đến còn thấp. Trong 3,4 triệu lượt khách quốc tế đến ĐBSCL năm 2018, chỉ có 1,6 triệu lượt khách lưu trú, tương đương 46%; phần lớn ở Phú Quốc, Kiên Giang - hơn 500.000 lượt. Bên cạnh các sản phẩm đặc trưng, vấn đề về nhân lực cũng là điều rất cần quan tâm”- bà Võ Xuân Thư nói.
Các đại biểu bàn thảo và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để giúp du lịch ĐBSCL phát triển tại diễn đàn.
Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất DL là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy DL phát triển. ĐBSCL hiện có 4 sân bay: Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá và Cà Mau; trong đó, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã được khai thác hiệu quả, kết nối nhiều tỉnh thành trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho giao thương và DL phát triển.
Tuy nhiên, vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu về thị trường. DL ĐBSCL có phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể phù hợp. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng chưa hiệu quả; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển DL. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực DL chưa được quan tâm đúng mức.
Qua đó, Cần Thơ kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; có chương trình quảng bá DL ĐBSCL; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực DL... Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, cho rằng, cần có quy hoạch mới cho DL ĐBSCL để phù hợp hơn với thị trường...
♦ Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DL: Ngành DL đã triển khai xây dựng đề án “Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, xác định ĐBSCL là vùng trọng điểm mới cần được quan tâm đầu tư với những chiến lược phù hợp.
♦ Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Diễn đàn đã tạo được sự kết nối để các bộ, ngành Trung ương có thể lắng nghe và bàn giải pháp giúp DL ĐBSCL tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước thay đổi diện mạo, đưa ĐBSCL trở thành vùng DL trọng điểm.
|
Bài, ảnh: Ái Lam - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)