Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, TP. Châu Đốc tập trung xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Theo đó, địa phương tiến hành khảo sát, đầu tư, cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng và xây mới các hạng mục hạ tầng du lịch. Chú trọng kết nối các điểm du lịch, khai thác du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương... Bên cạnh nhiều quần thể di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang…
một trong những khu, điểm góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Châu Đốc nói riêng, của tỉnh nói chung là Khu du lịch quốc gia núi Sam. Với địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh, rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo cho vùng đất này. Mỗi năm, có hàng triệu du khách đến Khu du lịch quốc gia núi Sam, bởi nơi đây nổi tiếng về giá trị tâm linh tín ngưỡng của Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, du khách đến Châu Đốc quanh năm nhưng tập trung đông nhất vào dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, tháng 7, 10 và nhất là tháng 4 (âm lịch), thời gian diễn ra Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam. Từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến thành phố ước đạt trên 5,5 triệu lượt. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ sôi động, hoạt động của ngành du lịch, nhất là số lượng và tổng doanh thu từ du khách đến tham quan du lịch theo dạng tín ngưỡng tại Khu du lịch quốc gia núi Sam năm sau cao hơn năm trước. Từ đó, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố và sự phát triển chung của tỉnh.
Để thu hút du khách, ngoài việc quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng, địa phương tập trung nâng chất, phát triển các sản phẩm du lịch. Theo đó, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội thường niên, với nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, như: đua thuyền rồng, thả diều, thả đèn hoa đăng trên ngã ba sông Châu Đốc; nâng chất, tái dựng lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống chân núi... Bên cạnh đó, các điểm di tích lịch sử - văn hóa từng bước được trùng tu tôn tạo.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Chị Nguyễn Thị Cẩm Lai (du khách đến từ tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “So với 5 năm trước đây, Châu Đốc phát triển khá nhiều. Nhà mọc san sát, đường xá rộng thênh thang, nhất là đường vào núi Sam. Điều đáng ghi nhận là dù lượng du khách thập phương khá đông nhưng “cảnh” chèo kéo, cò mồi, “dụ” khách bán lộc Bà, chim phóng sinh… đã giảm nhiều”. “Đạt được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc siết chặt công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự trong Khu du lịch quốc gia núi Sam nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung. Chúng tôi mong muốn đem lại sự an tâm, hài lòng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách” - Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Một góc chùa Hang
Có thể nói, những kết quả đạt được chỉ là thành quả bước đầu của ngành du lịch Châu Đốc nói riêng và của tỉnh nói chung. Để du lịch Châu Đốc phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, TP. Châu Đốc tập trung khai thác thế mạnh về du lịch tâm linh; cảnh quan sông núi, thiên nhiên, hoạt động lễ hội; du lịch trải nghiệm, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề thủ công truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian để hấp dẫn du khách. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, kêu gọi, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành và nhân dân cùng “chung tay” với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng hình ảnh “Thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp - văn minh”.
Theo link (tintucmientay.com.vn)
Dẫn: T.Uyên - (dongbang.vn)