Theo đó, An Giang đã thu hút 62 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15.531 tỷ đồng trên diện tích sử dụng đất hơn 307ha trong năm 2019. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để triển khai những dự án đã thống nhất về mặt chủ trương. Đồng thời, ký biên bản ghi nhớ, cam kết cho doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ để thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh, như: nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng du lịch, giao thông, khu đô thị… Đây là thành quả cho những nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2677/QĐ-UBND về Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2020, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Trong đó, xác định nông nghiệp - du lịch là mũi nhọn, công nghiệp - thương mại - dịch vụ là bệ phóng, hạ tầng giao thông là căn bản. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
An Giang tập trung mời gọi đầu tư phát triển du lịch
Mục tiêu của An Giang trong năm 2020 là thu hút tối thiểu 5 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD và trên 60 dự án từ các nhà đầu tư trong nước, với tổng vốn tối thiểu là 15.000 tỷ đồng. Triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động ít nhất 50% trên tổng số dự án được cấp phép. Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phải mời gọi thành công và cấp chủ trương đầu tư cho ít nhất 5 dự án có quy mô lớn, với diện tích sử dụng đất trên 200ha/dự án; vốn đầu tư vào lĩnh vực này tối thiểu đạt 2.000 tỷ đồng và mức giải ngân trên 50%. Trong lĩnh vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng, thương mại - dịch vụ, phải mời gọi thành công và cấp chủ trương đầu tư tối thiểu cho 10 dự án, với tổng vốn tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%...
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng và xu hướng đầu tư vào An Giang của các đối tác truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Úc. Đồng thời, đánh giá tiềm năng hợp tác và xu hướng đầu tư của các đối tác mới, như: Singapore, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan… để có biện pháp tiếp cận, mời gọi đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cấp cổng thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư với chức năng cung cấp thông tin về chính sách, thủ tục đầu tư, các tiềm năng và cơ hội hợp tác cho đối tác.
Xây dựng danh mục 55 dự án trọng điểm, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chi tiết về quy mô, địa điểm, họa đồ vị trí; thông tin về quy hoạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư… của từng dự án.
Hiện nay, An Giang đang đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian và giảm tối đa số thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực, duy trì và phát triển chuỗi liên kết, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các website để tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, tỉnh tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tổ chức xúc tiến các nước, như: EUROCHAM, AMCHAM, KOTRA, JETRO, các Tham tán đầu tư và thương mại tại các nước... để tranh thủ sự hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào An Giang. Đặc biệt, UBND tỉnh đang có hướng nghiên cứu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào An Giang, nhằm đánh giá hoạt động đầu tư kinh doanh và chính sách hỗ trợ được thực thi, để từ đó có định hướng thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, UBND tỉnh triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư năm 2020, là: phấn đấu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh An Giang để hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư; tập trung nguồn lực, tăng chi ngân sách, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch và tạo vùng nguyên liệu cho nhà đầu tư; phát huy lợi thế của tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL để tranh thủ cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực đầu tư từ Trung ương; xây dựng và cung cấp phần mềm về xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang có khả năng tương tác trên điện thoại di động để cung cấp miễn phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, cán bộ quản lý, công chức để dễ truy cập, tìm hiểu, tư vấn và quảng bá….
Với những kết quả đạt được, UBND tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020. Qua đó, từng bước đánh thức tiềm năng, lợi thế của vùng đất non nước hữu tình với giao thương biên mậu sầm uất và có vị trí đầu nguồn của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
MINH QUÂN (tintucmientay.com.vn)
T/h: M.Phúc - (dongbang.vn)