Mở hướng ra cho du lịch đường sông

Chủ nhật, 15 Tháng 12 2019 16:15 (GMT+7)
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, giai đoạn đến năm 2030, xác định thế mạnh của Cần Thơ là sông nước đô thị, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”. Với lợi thế về đường sông dài gần 1.157km, Cần Thơ đang tận dụng điều kiện tự nhiên để xây dựng các sản phẩm đặc thù, đó là phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch sông nước. Trên cơ sở này, sự ra đời của hai tuyến đường sông mới: Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia) góp phần thúc đẩy phát tiển tiềm năng du lịch Cần Thơ.
Du thuyền Victoria Mekong trên sông Hậu. Ảnh: Victoria Mekong
 
Theo Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ đến năm 2020, du lịch Cần Thơ phấn đấu thu hút khoảng 3,48 triệu khách lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố. Trong đó, khách quốc tế lưu trú ước đạt khoảng 480.000 lượt, khách nội địa lưu trú ước đạt khoảng 3 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 5.400 tỉ đồng. Cần Thơ phấn đấu đến giai đoạn 2021-2025, tổng lượt khách du lịch lưu trú trên địa bàn thành phố tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%/năm. Tổng thu từ du lịch tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm.
 
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa; củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tập trung phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có lợi thế về tự nhiên và văn hóa gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch… Một trong những yếu tố được ngành du lịch Cần Thơ tập trung chính là đầu tư phát triển du lịch đường sông. Ngoài những tuyến tour nội vùng, kết nối các quận huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng thì những tuyến mới kết nối với các vùng trọng điểm về du lịch như từ Cần Thơ đến Côn Đảo, Phnom Penh thực sự mở ra nhiều cơ hội mới tích cực cho du lịch Cần Thơ.
 
Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại, do Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc vận hành đã khai trương vào ngày 5-12, thỏa kỳ vọng của ngành du lịch Cần Thơ, sau nhiều năm tìm hướng mở cho du lịch đường sông. Tàu cao tốc Express 36, hai thân, được chứng nhận kỷ lục lớn nhất Việt Nam, có sức chứa 600 hành khách, hành trình đi dọc sông Hậu đến Côn Đảo.
 
Một sản phẩm mang tính trải nghiệm khác là du thuyền Victoria Mekong cũng chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11-12. Đây là du thuyền cao cấp chuẩn 4 sao đầu tiên xuất phát từ Cần Thơ đến Phnom Penh, Campuchia, được xem là sản phẩm mới độc đáo và hoàn toàn khác biệt ở tuyến tour đường sông nội vùng và quốc tế của Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Bà Wendy Wu, Chủ tịch Wendy Wu Tours - Tập đoàn du lịch lữ hành hàng đầu tại Anh Quốc chuyên khai thác các điểm đến châu Á, một trong những nhà liên doanh đầu tư du thuyền Victoria Mekong, cho biết: “Lý do chúng tôi đầu tư du thuyền này là vùng ĐBSCL vẫn còn giữ được nét đẹp tự nhiên, sông Mekong rất lớn và thích hợp cho các hành trình khám phá thú vị. Chúng tôi tin rằng lộ trình khởi phát từ Cần Thơ là rất khác biệt so với những tuyến hành trình khám phá trước. Thị trường mà chúng tôi hướng đến chính là các du khách đến từ Úc, Anh, New Zealand… Chúng tôi muốn họ có những trải nghiệm những giá trị văn hóa khác biệt theo dọc tuyến sông Mekong”.
 
Du thuyền Victoria Mekong cao 4 tầng, có 33 cabin loại Deluxe rộng 25 mét vuông và 2 phòng VIP Suites rộng 45 mét vuông với nội thất hiện đại. Ngoài ra còn có nhà hàng với góc nhìn 360 độ, ngắm toàn cảnh trên sông, cửa hàng mua sắm, spa, thư viện, phòng chiếu phim…Trong hành trình 4-5 ngày trên du thuyền Victoria Mekong, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú: thử thách pha chế cocktail, lớp học văn hóa, hay các màn trình diễn như biểu diễn xiếc múa lân, các điệu múa truyền thống Campuchia, biểu diễn nhạc dân gian khu vực ĐBSCL... Du thuyền sẽ cập bến ở một số điểm đến của Cần Thơ, An Giang và Campuchia. Du khách không chỉ được khám phá chợ nổi Cái Răng mà còn được trải nghiệm xe lôi đi thăm các làng nghề địa phương, đan lưới và làm hương ở cù lao Ông Hổ; hay tìm hiểu về sự giao thoa văn hóa Việt, Hoa, Khmer và Chăm ở vùng đất Long Xuyên. Tại ngôi làng giáp biên giới Tân Châu, du khách có thể thong dong di chuyển bằng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường và tìm hiểu quy trình dệt lụa nổi tiếng của làng nghề; hay chèo ghe len lỏi ở rừng tràm Trà Sư, trước khi cập bến Phnom Penh và khám phá Campuchia.
Những du khách đầu tiên trên du thuyền Victoria Mekong. Ảnh: Kiều Mai
 
Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam, một trong những du khách có mặt trong hành trình khám phá đầu tiên của du thuyền Victoria Mekong, cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến ĐBSCL, theo tôi đây sẽ là hành trình thú vị với du thuyền Victoria Mekong. Anh Quốc đứng thứ 10 về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay, với khoảng 315.000 lượt khách, nhưng điểm đến chủ yếu là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng rất kỳ vọng trong tương lai khách du lịch Anh sẽ đến Cần Thơ nhiều hơn. ĐBSCL là khu vực có hệ sinh thái rất đa dạng, cá nhân tôi rất yêu thích khám phá điều đó và sẽ giới thiệu nó một cách rộng rãi hơn”.
 
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Thiên Minh Group - đơn vị chủ quản và đầu tư du thuyền Victoria Mekong, cho biết: “Với tiềm năng của Cần Thơ, chúng tôi tin rằng địa phương có nhiều cơ hội trở thành trung tâm về các du thuyền tại ĐBSCL trong vài năm tới. Chúng tôi rất tự hào là người tiên phong để khai thác hướng đi còn mới mẻ này tại Cần Thơ. Việc du thuyền Victoria Mekong đi vào hoạt động được xem là bước khởi đầu tích cực dần đưa Cần Thơ trở thành điểm đến trung tâm ở vùng ĐBSCL, thu hút được nhiều du khách quốc tế”.
Biểu diễn đờn ca tài tử trên du thuyền Victoria Mekong. Ảnh: Kiều Mai
 
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Cần Thơ có hệ thống sông ngòi rất đẹp, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông. Trong tháng 12, tuyến Cần Thơ - Côn Đảo, du thuyền Victoria Mekong đi từ Cần Thơ đến Phnom Penh đều chính thức khai trương, qua đó sẽ giới thiệu được nhiều cảnh đẹp sông nước, văn hóa bản địa của vùng đất này. Tôi tin rằng việc khai thác hiệu quả hai sản phẩm du lịch này sẽ thúc đẩy sự phát triển của du lịch Cần Thơ và ĐBSCL”. Ông Dương Tấn Hiển cũng bày tỏ sự kỳ vọng, thời gian tới Cần Thơ sẽ có thêm nhiều du thuyền hiện đại, khai thác hiệu quả các tuyến du lịch đường sông. Thực tế, ngành du lịch Cần Thơ cũng đang khuyến khích và luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận và xây dựng các sản phẩm khác biệt, độc đáo, đậm bản sắc sông nước.
 
Trong tất cả các quy hoạch, đề án về du lịch Cần Thơ, địa phương luôn định vị sản phẩm du lịch là du lịch văn hóa, sông nước, sinh thái, ẩm thực và MICE. Đặc biệt, du lịch sông nước và du lịch MICE là hai loại hình du lịch định vị tối ưu, đồng thời là điều kiện thuận lợi để kết nối tour tuyến với các chương trình du lịch hấp dẫn từ chương trình du lịch đại trà đến chương trình du lịch chuyên đề. Vì vậy, với sự xuất hiện của tuyến cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - An Giang - Phnom Penh đã mở ra nhiều cơ hội và định hướng mới cho du lịch đường sông Cần Thơ phát triển. 
 
Ái Lam - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch