Thoát nghèo nhờ làm du lịch cộng đồng
Sáng cuối tuần, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Xuyến, một nhà vườn trồng cam, tất bật lâu dọn bàn ghế, nhà cửa, chuẩn bị những trái cam, ly nước ngon nhất để sẵn sàng đón du khách ghé thăm vườn. Ngày trước, từ sáng tinh mơ, bà đã phải lên đò, mang trái cây sang chợ bên kia bờ sông để bán, từ ngày làm du lịch, bà chỉ ở nhà, chăm chút vườn tược, đón những đoàn khách ghé thăm.
Bà Xuyến thừa nhận trước kia cuộc sống của gia đình khá bấp bênh, giờ làm du lịch cộng đồng cho thu nhập khá hơn rất nhiều. Căn nhà của gia đình bà cũng được xây dựng khang trang, đẹp xinh giữa một vườn thơm tho hoa trái.
Bà Nguyễn Thị Xuyến chuẩn bị hái cam phục vụ du khách.
Dẫn chúng tôi vào vườn cam của gia đình, bà Xuyến cho biết, vườn có khoảng 700 gốc, một năm thu 10 tấn cam. Số cam này đa số bán cho khách du lịch với giá trung bình 30.000 đồng/kg, cao hơn giá bán cho thương lái.
“Đó là chưa kể, mỗi ngày tôi còn thu khoảng vài trăm ngàn đồng tiền vé của khách du lịch vào tham quan vườn”, bà Xuyến khoe.
Bà Xuyến chỉ là 1 trong số 70 hộ dân ở Cồn Sơn tham gia làm du lịch cộng đồng. Chỉ mới phát triển từ vài năm nay nhưng nghề mới đã mang lại cho người dân cuộc sống mới.
Dẫn đoàn đi từ bến đò vào Cồn Sơn, Nguyệt - một hướng dẫn viên du lịch "tay ngang" giới thiệu, Cồn Sơn là dải đất được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, rộng gần 70ha, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền.“Cồn Sơn chỉ có khoảng hơn 70 hộ dân. Có hộ trồng cam, hộ trồng nhãn, ổi, nuôi cá lóc bay, làm bánh đặc sản…”- Nguyệt nói, mỗi hộ đều có một nét riêng, khách có thể vào tham quan bất cứ nhà vườn nào nếu muốn.
Rời vườn trồng trái cây đặc sản của bà Xuyến, chúng tôi quyết định trải nghiệm dịch vụ làm bánh ở Cồn Sơn. Đây là một căn nhà mái lá khang trang, sạch sẽ, phía trước kê vài chiếc bàn tròn cho khách ngồi. Bà Phan Kim Ngân (còn gọi là Bảy Muôn) - chủ nhà và cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ Liên Thế Hệ mỉm cười chào khách rồi vào bếp bê ra một mẹt có đến 6-7 loại bánh đặc sản mờimọi người thưởng thức.
Bà Bảy Muôn trình diễn làm bánh dân gian cho du khách trải nghiệm.
Chia sẻ về câu chuyện làm du lịch của người dân trên cồn, bà Bảy Muôn cho biết, các hộ dân làm du lịch cộng đồng đều là thành viên của câu lạc bộ Liên Thế Hệ. Mới đầu chỉ có 13 thành viên tham gia, nay đã là 50 thành viên.
“Ở đâylàm du lịch có sự liên kết, không có sự cạnh tranh, chồng chéo. Mỗi nhà làm một món, một sản phẩm là thế mạnh của mình” -bà Bảy Muôn dẫn chứng.
Như gia đìnhbàcó nghề làm bánh gia truyền, bà là nghệ nhân nên mở dịch vụ dạy khách làm bánh và làm bánh cho khách thưởng thức.Những hộ có vườn cây, bè cá kết hợp vào tour tham quan trải nghiệm. Hộ nào không có vườn rau, ao cá vẫn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm bằng cách góp sức lao động, phục vụ…
Đơn giản như “mâm cơm cộng đồng”, mỗi món ăn trên mâm cơm được chuẩn bị từ một hộ trên cồn, mỗi gia đình đóng góp một món ăn tùy theo điều kiện. Nhà góp món lẩu cá, nhà có món rau luộc chấm kho quẹt, món cá lóc nướng trui; nhà khác lại góp bánh xèo Tám Điền, gà xé bưởi Sáu Cảnh, lẩu cua đồng Năm Phước,…
Du khách thích thú ngắm đàn cá lóc bay ở nhà vườn Thành Tâm.
Bà Bảy Muôn cho hay, lượng khách tới đây rất đông vì câu lạc bộ đã ký hợp đồng với các hãng lữ hành. Song, vì sức người dân có hạn và để phục vụ khách một cách chu đáo, môi trường được đảm bảo nên một ngày Cồn Sơn chỉ nhận tối đa khoảng 350 khách, không nhận nhiều hơn.
Khách vào các nhà vườn tham quan sẽ mất vé khoảng 15.000-30.000 đồng tùy vào dịch vụ. Đổi lại, du khách cũng sẽ được thưởng thức một số đặc sản, trái cây miễn phí.
Tiền vé này, bên lữ hành sẽ thu rồi ký sổ, mỗi tuần tổng kết 1 lần để thanh toán tiền cho các hộ là thành viên của câu lạc bộ.
Bà Bảy Mun tâm sự, trước đây, đời sống của người dân trên Cồn Sơn rất vất vả, thường phải sang bên kia bờ sông làm mướn. Còn từ khi làm du lịch, cuộc sống khấm khá hơn vì có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoátnghèo.
Bản thân gia đình bà, nhà có người ốm đau bệnh tật phải vay tiền chữa bệnh nên suốt 7 năm trời sống trong cảnh nghèo đói, làm thuê làm mướn đủ nghề vẫn không trả hết nợ nần.Vậy mà, sau 2 năm làm du lịch, gia đình đã thoát nghèo.
“Giờ thu nhập của gia đình tôi đều đặn khoảng trên 60 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí còn dư khoảng 30 triệu đồng”. Bà Bảy Muôn tiết lộ.
Mâm bánh dân gian vùng Nam Bộ do nghệ nhân Bảy Muôn làm, được du khách ưa thích.
Chị Mỹ Phương, người làm ở nhà vườn Thành Tâm cho biết, nhà vườn chị có dịch vụ xem cá lóc bay, tham quan vườn ổi, trung bình mỗi ngày đón khoảng 50 lượt khách. Vé mỗi khách vào vườn tham quan là 20.000 đồng, tính ra mỗi ngày thu được khoảng 1 triệu đồng. Mùa du lịch tháng 5 và 6, lượng khách trung bình khoảng 100 người/ngày thì thu nhập cao hơn.
Nói không với rác, vắng tiếng xe máy
Rảo bước trên con đường mòn, bước qua cây cầu khỉ ngang con rạch nhỏ, ngắm nhìn cây cỏ, chim chóc, những hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng,chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước cảnh đường làng, ngõ xóm trên cồn đều sạch sẽ. Ở đây, trung bình cứ 100m là có 1 thùng rác, biển nhắc nhở giữ vệ sinh môi trường cũng được treo khắp các thân cây dừa.
Những khẩu hiệu tuyên truyền nói không với rác thải nhựa treo khắp Cồn Sơn.
Nhắc chuyện làm du lịch “nói không với rác thải nhựa”, bà Bảy Muôn tâm sự, khi dân làng ở đây làm du lịch cộng đồng được khoảng 3 tháng, khách tới khá đông, hết đoàn này đến đoàn khác. Kéo theo đó, rác thải nhựa, túi nilon xuất hiện khắp nơi, tràn ngập đường làng, kênh rạch. Người dân không biết xử lý như thế nào và bắt đầu cảm thấy hoảng sợ. Bởi, cứ đà này thì Cồn Sơn sẽ chẳng còn gì ngoài rác.
"Rảnh rỗi, tôi hay nghe đài, đặc biệt là các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tình cờ, tôi nghe trên VOV1 giới thiệu mô hình“nói không với rác thải nhựa” của một số làng quê ở phía Bắc, hạn chế sử dụng túi nilon, thay đồ nhựa dùng một lần bằng những vật liệu thân thiện môi trường.
Bà Bảy Muôn giới thiệu sản phẩm túi nilon, ống hút làm từ bột gạo.
Tôi nghĩ, họ làm được sao mình không làm được? Phải làm thôi. Chứ rác nhiều thì chẳng ai muốn tới nơi này nữa”, bà Bảy Muôn nói. Thế là bà vận động các thành viên trong câu lạc bộ du lịch cùng làm, cùng bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.
Cầm túi ống hút màu trắng trên tay, bà khoe đây là ống hút làm bằng gạo, rất an toàn, thân thiện với môi trường, thậm chí có thể ăn được nếu thích. Không chỉ vậy, các hộ làm du lịch trên Cồn Sơn còn dùng túi giấy, túi làm bằng bột gạo, rau trái được buộc bằng dây chuối…
Khi tôi tỏ ra băn khoăn giá của các loại ống hút, túi làm bằng bột gạo này đắt hơn làm bằng nhựa nhiều, khó có thể vận động các hộ mua về dùng, bà Bảy Muôn cười nói: "Khi phải mua đắt, người ta sẽ biết sử dụng hợp lý và tiết kiệm.
Đến Cồn Sơn, du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon từ chính hoa trái của vùng đất này.
Sau 2 năm vận động người dân làm du lịch “nói không với rác thải nhựa”, Cồn Sơn vắng dần bóng dáng củarác nhựa. Khách lên Cồn Sơn trải nghiệm được khuyến cáo không mang túi nilon, nếu trót mang thì có thể gửi lại, hạn chế tối đa xả rác ra môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, đặc biệt là không xả rác xuống dòng sông Hậu.
Một điều ấn tượng nữa ở Cồn Sơn là, hầu như vắng tiếng xe máy, các hộ sang nhà nhau chủ yếu đi bộ, xe đạp, chính vì thế đến Cồn Sơn bạn luôn cảm thấy sự thanh bình.Nhờ cách làm du lịch gần gũi với thiên nhiên, giữ được môi trường xanh sạch đẹp nên Cồn Sơn ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Kết thúc chuyến hành trình, bà Bảy Muôn nhiều khách đến đây lưu luyến chẳng muốn về một phần vì con người Cồn Sơn thân thiện mến khách, một phần vì khung cảnh, môi trường nơi đây vẫn giữ như nét xưa mà hiếm nơi nào có được.