Anh Nguyễn Ngọc Chiến (ảnh, trái) cho cá ăn cơm bằng muỗng.
Chúng tôi gắn bó với cồn Sơn từ những ngày bà con nơi đây manh nha xây dựng mô hình du lịch. Thiên nhiên ưu ái cồn Sơn khi vẫn giữ được vẻ đẹp hồn hậu với cảnh vườn cây, ao cá, bến sông... giữa đô thị hiện đại. Cồn Sơn có vài chục hộ dân sinh sống, chủ yếu gắn bó với nghề làm vườn. Với người dân nơi đây, thời điểm đó, du lịch vẫn còn lạ lẫm và học cũng có lúc không biết phải bắt tay từ đâu. Rất may, họ đã chọn đúng mô hình: du lịch cộng đồng, hướng đến việc gìn giữ văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường.
Chị Năm Phước (Phan Thị Kim Phước) - chủ vườn Song Khánh, một trong những hộ gia đình gắn bó du lịch cộng đồng từ thuở ban sơ, chia sẻ rằng: “Từ đầu, bà con ở đây xác định làm du lịch nhưng vẫn phải giữ nếp sinh hoạt, văn hóa bản địa. Sống trên đất cồn, chúng tôi dùng nghĩa tình đối đãi với nhau thì cũng muốn dành điều đó với du khách”.
Lần đầu chúng tôi viết về du lịch cộng đồng cồn Sơn, nơi đây chỉ có 3-4 hộ làm du lịch. Khi đó, chị Năm Phước, anh Thành Tâm - chủ vườn Thành Tâm, chú Sáu Cảnh - chủ vườn Sáu Cảnh, vẫn còn lóng ngóng, chưa biết làm dịch vụ và tiếp khách ra sao. Lúc đó cũng chỉ có vài trải nghiệm đơn sơ: tham quan vườn hái trái, làm bánh dân gian, chèo ghe, tát mương bắt cá. Sau này có thêm chị Bảy Muôn - chủ vườn Công Minh, chú Bảy Bon - chủ bè cá Bảy Bon, vườn vú sữa Sáu Cứng, vườn bưởi Phương My, vườn nhãn Năm Minh...
Chú Bảy Bon nhớ lại: “Là nông dân chính hiệu, nên khi làm du lịch nhiều cái còn bỡ ngỡ, cũng không nghĩ sẽ làm được tới giờ. Có mấy bận, mô hình du lịch cộng đồng cồn Sơn cũng gặp chuyện này chuyện kia, nhưng bà con kiên trì giữ và không ngừng làm mới với nhiều sản phẩm, trải nghiệm độc đáo”. Chính vì thế mà cồn Sơn không ngừng có những sản phẩm mới, đặc sản độc lạ, nhất là về cá, như: cá lóc bay, cá ăn cơm bằng muỗng, cá săn mồi bằng tia bắn nước bọt, cá Koi ngũ sắc mát-xa chân… hấp dẫn du khách.
Thời điểm năm 2015, khi cồn Sơn mới hình thành du lịch cộng đồng bài bản, có khoảng 14 hộ tham gia, nhưng đến nay con số đã vượt lên gấp mấy lần. Chỉ tính riêng Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau - một trong những mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả ở cồn Sơn, đã có 53 người. Lượng khách đổ về cũng ngày càng đông. Năm 2019, chỉ riêng CLB đã đón khoảng 4.000 đoàn khách, hơn 30.000 lượt khách trong nước và quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2018.
Tổng thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng của CLB trong năm 2019 đạt gần 6 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho 5 hộ gia đình khó khăn. Đời sống của người dân cồn Sơn cũng vì thế mà thay đổi. Chị Bùi Thúy Liễu, hộ dân tham gia du lịch với các sản phẩm về ẩm thực, cho biết: “Từ lúc tham gia làm du lịch, cuộc sống của gia đình cũng đỡ hơn. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục duy trì mô hình này”.
Người dân cồn Sơn ngày nay đã biết làm du lịch hơn xưa, biết đầu tư và xây dựng sản phẩm; biết cách gắn kết những câu chuyện văn hóa, thổi hồn vào các món ăn và đặc biệt hóa sản phẩm của cồn. Đó là câu chuyện về cá ăn cơm bằng muỗng của anh Nguyễn Ngọc Chiến, hay những câu chuyện giữ nghề bánh dân gian của chị Bảy Muôn, chuyện mâm cơm cộng đồng trên những chiếc xe bay được truyền tai nhau của người dân làm du lịch…
Người dân cồn Sơn làm du lịch không chỉ gìn giữ những nét văn hóa truyền thống mà còn gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Họ đang đồng hành cùng dự án “Người dân cồn Sơn hạn chế sử dụng túi nylon”, hướng tới việc sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Hành trình 5 năm qua cho thấy những nỗ lực, sự sáng tạo của người dân xứ cồn trong cách làm du lịch. Họ vẫn giữ được những nét văn hóa bản địa truyền thống, kết hợp hài hòa với xu hướng hiện đại, đã tạo ra những sản phẩm du lịch đột phá, mới mẻ, hấp dẫn cho cồn Sơn.
Ái Lam - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)