Ảnh minh họa
Thốt nốt hiện hữu khắp mọi nơi, từ những con đường uốn cong rợp mát đến những cánh đồng lúa trải dài hay những ngọn núi hùng vĩ giữa đồng bằng cũng có bóng dáng loài cây ấy. Cây thốt nốt thân cao, lá đơn mọc chụm lại thành tán phía trên ngọn cây. Trái thốt nốt mọc thành buồng, khi non có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu nâu thẫm. Phía trong là phần ruột có màu trắng đục, được chia thành các múi, ăn ngọt thanh và giòn. Cây và lá thốt nốt có rất nhiều công dụng như dùng để lợp nhà, làm củi, đan nón lá, đan rổ… Trái thốt nốt cũng được người dân nơi đây chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như: nước thốt nốt với đá viên giải nhiệt ngày nắng, cơm thốt nốt nấu chè, phần vỏ xơ màu vàng của trái thốt nốt chín mài nhuyễn rồi hòa vào bột tạo nên món bánh bò thốt nốt màu vàng ươm rất ngon với vị ngọt thanh và đặc biệt rất mềm xốp…
Đặc biệt khi về An Giang mùa nước nổi, du khách sẽ say lòng trước cảnh vật nơi đây cũng như những sản vật mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng. Mùa nước nổi với lượng nước dồi dào là điều kiện sinh trưởng tốt của rất nhiều loại cây, rau ngọt lành vùng châu thổ như bông súng, lục bình, rau nhút…, và không thể không kể đến bông điên điển. Từ bông điên điển, người dân nơi đây đã chế biến ra nhiều món ăn đặc sắc như: gỏi bông điên điển với tép còn giữ nguyên hương vị nồng nàn, bông điên điển xào tép là một sự hòa quyện thật tuyệt vời…
Một đặc sản nữa mà mùa nước nổi mang về là cá linh. Loài cá lớn lên trong môi trường tự nhiên không cần ai chăm sóc vậy mà lại thơm ngon đến nao lòng. Cá linh non đầu mùa dường như đã trở thành món đặc sản được nhiều người biết đến. Không cần kỳ công làm sạch, món cá linh nướng vỉ tre trên than hồng cũng làm khách phương xa lưu luyến. Vị cá ngọt thơm, xương mềm, béo nhẹ gói với ít rau đồng chấm vào chén nước mắm chua ngọt cũng đủ làm người thưởng thức phải xuýt xoa. Về món kho thì có cá linh kho me non, kho khô nước dừa tươi, kho mía… Mỗi loại có một phong vị khác nhau nhưng đều giữ được sự ngọt tự nhiên của thịt cá.
Có một món ăn gồm cả hai đặc sản nức tiếng mùa nước nổi đó là lẩu cá linh bông điên điển. Cá linh được làm sạch, thả vào nổi lẩu nghi ngút khói, cạnh bên là đĩa rau với nhiều loại như bông súng, bông điên điển, rau nhút, rau muống, bắp chuối bào sợi… Một chút cay nồng của ớt xắt lát, một chút chua nhẹ của me, khóm hòa với vị ngọt cá linh tạo nên một nồi lẩu thơm ngon, hấp dẫn.
Nếu có thời gian, du khách có thể chọn ghé thăm rừng tràm Trà Sư để tận hưởng không khí mát lành dưới những tán tràm rợp bóng. Với tổng diện tích gần 850ha, rừng Trà Sư có hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đây là nơi trú ngụ của hàng trăm loài chim, thú, bò sát, ếch, nhái… cùng với các loại cây gỗ, cây bụi, dây leo, các loài thủy sinh, cây cảnh… Chặng đầu tiên trong hành trình tham quan Trà Sư, du khách sẽ được di chuyển bằng xuồng máy. Chiếc xuồng tung bọt trắng xóa vẽ những đường nét điệu nghệ giữa xanh ngát rừng tràm đưa du khách tiến sâu vào trong. Mênh mông là tràm, trên những ngọn cây, những tàng cây, cơ man nào là các loài chim và cò. Càng đi sâu vào trong, chiếc xuồng len lỏi giữa mênh mông những mảng xanh của bèo. Chặng thứ hai du khách đi bằng xuồng do các cô chú ở đây chèo bằng tay. Mùa nước nổi, hàng ngàn những cánh bèo dệt nên tấm thảm xanh mướt trải rộng khắp bao la mặt nước.
Đến với An Giang, du khách hãy thử một lần chinh phục những ngọn núi hùng vĩ giữa vùng châu thổ. Đó là Thiên Cấm Sơn uy nghi với hồ Thủy Liêm xanh mát, là núi Sam gắn với lễ hội Vía bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch hàng năm, là Cô Tô với sân Tiên tương truyền là dấu chân của Phật… Đứng từ trên những ngọn núi cao, du khách sẽ được ngắm khung cảnh mênh mông bát ngát của những cánh đồng lúa xanh rì chạy dài dưới chân núi. Thấp thoáng xa xa là những hàng thốt nốt lặng lẽ vươn mình trước gió. Thưởng ngoạn khung cảnh núi cao rồi xuống đồng bằng tìm về làng bè Châu Đốc ngắm hoàng hôn thơ mộng buông xuống vùng sông nước. Sang bên kia sông là làng Chăm, những ngôi thánh đường rộng lớn ghi dấu ấn văn hóa của đồng bào Chăm qua bao thế hệ.
Về miền thốt nốt ngày nắng đẹp, du khách có thể thả hồn mình vào những ngọn gió mát rượi đồng bằng, thưởng lãm những cảnh sắc hùng vĩ vùng biên viễn phía Tây Nam tổ quốc và thưởng thức những sản vật đồng quê ngọt lành mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng châu thổ.
Phong Dương - (phunu.nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)