Đình Đồng Thạnh.
Với lối kiến trúc độc đáo, năm 2009 đình Đồng Thạnh được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, đến năm 2010 được Bộ VH-TT&DL cấp kinh phí trùng tu. Tuy nhiên, qua thời gian, một số hạng mục đã xuống cấp. Mới đây, UBND huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ kinh phí và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp thêm để tu sửa những chỗ hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo điều kiện để người dân đến tham quan, lễ chùa.
NGÔI ĐÌNH HƠN 100 TUỔI
Di tích đình Đồng Thạnh tọa lạc ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, cách trung tâm tỉnh Tiền Giang khoảng 25 km về hướng Đông Bắc. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX, là một minh chứng cho quá trình khẩn hoang lập ấp của cư dân vùng Gò Công.
Theo tư liệu của Bảo tàng Tiền Giang, đình Đồng Thạnh khi mới xây dựng có quy mô nhỏ, bằng tranh và tre lá; về sau, do cuộc sống của nhân dân trong vùng khá giả nhờ ruộng đất phì nhiêu và liên tục trúng mùa đã góp tiền xây dựng lại đình bằng gỗ, lợp mái ngói. Đến đầu thế kỷ thứ XX, 2 ông Huỳnh Chung và Huỳnh Đình Khiêm là những điền chủ giàu có trong vùng, đã đóng góp 60 ha ruộng và huy động tiền của nhân dân trong vùng xây dựng lại ngôi đình to lớn bằng cột căm xe, bao gồm vỏ ca, chánh điện và nhà khách, kéo dài từ năm 1900 đến 1914 mới hoàn thành.
Khoảng thời gian 1960 - 1963, phong trào Đồng khởi ở miền Nam diễn ra rất mạnh, đình Đồng Thạnh cũng là nơi diễn ra phong trào Đồng khởi. Tuy nhiên, trong phong trào này, đình Đồng Thạnh đã bị đốt cháy phần chánh điện, vách gỗ và mái ngói. Đến năm 1970, nhân dân địa phương và Hội đình lúc bấy giờ đứng ra quyên góp tiền của xây lại chánh điện như ngày nay.
Đình Đồng Thạnh là công trình kiến trúc đặc sắc của quê hương Gò Công Tây. Bên cạnh việc tôn tạo ngôi đình, thì việc phát huy di sản văn hóa của đình bằng cách xây dựng thành cụm tour du lịch của tỉnh là nguyện vọng của Ban Quản lý di tích đình cũng như nhân dân huyện Gò Công Tây, nhằm gìn giữ, bảo tồn tồn các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc.
Theo các vị cao niên trong vùng, đình Đồng Thạnh thờ Đại Càn tứ vị Nương vương (thờ bốn vị thần phù hộ người đi biển) và thờ Thần Nông. Ngoài ra, nhân dân còn thờ những người có nhiều công đức trong làng, xã. Theo ông Phạm Văn Huệ (người bảo vệ đình), lúc đình chưa trùng tu thì bị dột nặng nề. Sau đó, đình được sửa lại bằng gỗ lim, hoa văn được trang trí khắp đình... Mỗi lệ cúng đình vào ngày 16, 17-3 và 16-11 âm lịch, dân đến cúng đông đúc, nhộn nhịp.
KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO
Về giá trị nghệ thuật - kiến trúc, đình Đồng Thạnh đã trải qua hơn 1 thế kỷ với nhiều biến cố chiến tranh và thiên tai tàn phá, nhưng vẫn tồn tại và để lại nhiều dấu ấn về kiến trúc xây dựng đình chùa Nam bộ. Đây là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời và quy mô xây dựng lớn tại Nam bộ. Đình có diện tích xây dựng 787 m2, theo lối kiến trúc chữ Tam, bao gồm: Vỏ ca (nơi hát bội vào dịp Kỳ Yên), chánh tẩm (nơi thờ thần) và nhà khách (nơi dân làng đến bàn việc) nối liền nhau.
Nét đặc sắc của ngôi đình này là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn, tranh đắp nổi trên tường và tượng gốm trang trí cả trong và bên ngoài đình. Đặc biệt là những hoa văn chạm trổ công phu, họa tiết trang trí ở đình được hình tượng hóa qua tứ linh, tứ quý, bát tiên, cá hóa long, các loại trái cây, sản vật ở địa phương; các biểu tượng hàm ý sự giàu sang, phú quý, mong cho hạnh phúc tràn đầy, mưa thuận, gió hòa... Trong đó, nhà vỏ ca là một công trình kiến trúc gỗ khá lớn, được kết cấu theo kiểu nhà rường. Trên con lươn bờ nóc vỏ ca có trang trí rồng được tạo hình bằng những mảnh sứ, mảnh gốm ghép lại.
Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đồng Thạnh Trần Văn Ngọc cho biết: Trước đây, không rõ nguyên nhân vì sao khi trùng tu đình Đồng Thạnh mà không đầu tư xây dựng nhà vệ sinh nên rất bất tiện khi đến dịp lễ, cúng đông người. Khi tôi về tiếp quản, đã xin lãnh đạo huyện cho chủ trương và đã được UBND huyện hỗ trợ kinh phí làm nhà vệ sinh cách nay mấy tháng. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích đình còn vận động kinh phí làm lại dàn máng xối và đang đề nghị UBND huyện cấp kinh phí thay mới mấy bộ cửa vì đã cũ, không đảm bảo an toàn.
GIA TUỆ - (baoapbac.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)