Ấn tượng Ngũ động Bản Ôn

Chủ nhật, 19 Tháng 4 2020 07:38 (GMT+7)
Ngũ động Bản Ôn ở thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu còn khá nguyên sơ, kỳ diệu và lôi cuốn. Nơi đây vì thế vẫn là điểm đến khá mới lạ với nhiều khách du lịch mặc dù Sơn La đã xếp địa danh này vào danh sách những điểm tham quan ấn tượng và hấp dẫn của tỉnh.
Ấn tượng Ngũ động Bản Ôn
Đường lên Ngũ động Bản Ôn.
 
Chốn bồng lai trong lòng đồi
 
Mộc Châu được thiên nhiên ưu ái với nhiều điểm du lịch khiến mọi người phải trầm trồ khi đặt chân tới và bịn rịn khi rời chân đi. Điều ngạc nhiên là, nếu như du khách đã quá quen với những cái tên như: rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, hang Dơi (hay còn gọi là Động Sơn Mộc Hương), đỉnh Pha Luông, đồi chè Trái tim hay bản Pa Phách, bản Nà Ka... thì Ngũ động Bản Ôn lại là một cái tên lạ với khá nhiều người. Được hay, có du khách đã ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “Chẳng uổng công khi tới nơi này, giá như biết sớm hơn, đây sẽ là lựa chọn đầu tiên của tôi khi tới Mộc Châu”.
 
Được biết, Ngũ động Bản Ôn được phát hiện vào năm 2006. Chính cơn lũ lịch sử năm đó đã giúp người dân tộc thiểu số sinh sống ở đây khám phá ra một thắng cảnh tuyệt vời được kiến tạo từ hàng nghìn năm trước. Nếu như các hang động thường nằm sâu trong các đỉnh núi lớn thì Ngũ động Bản Ôn lại nằm trong lòng một quả đồi của Bản Ôn, trên cung đường đến với đồi chè Trái tim và cách khu vực này chỉ khoảng 5 km. Cũng vì thế mà dễ hiểu tại sao du khách vừa chìm đắm trong vẻ đẹp thơ mộng của những đồi chè xếp tầng lớp giống như những con sóng xanh dịu dàng thì sẽ ngỡ ngàng, hụt hẫng, thậm chí sốc với đường đi hiểm trở, khó chinh phục khi tới với hệ thống hang động này.
 
Để đến đó, du khách sẽ phải gửi xe ở dưới chân đồi và đi bộ khoảng 1 km. Khoảng cách có lẽ là không xa song điều đáng nói đây là quãng đường khá gian nan và vất vả. Lối lên động hẹp, chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua và càng lên cao thì càng dốc. Nếu không đi nhiều người, ta dễ rơi vào cảm giác đang bị lạc giữa nơi rừng núi nào đó. Suốt con đường dài tới động hoàn toàn không có một mái nhà, ngoại trừ một cái chòi lơ lửng trên đồi, nơi người dân bản địa dùng để nghỉ chân mỗi khi tới đây canh tác. Lên cao đường lại ngoằn ngoèo hơn, nhiều dốc đá và đất, cây cỏ mọc san sát hai bên xòa vào mặt vào người, khiến người đi không ít lần phải rùng mình. Bù lại, có những đoạn đường, du khách sẽ cảm thấy ngây ngất vì hương hoa bưởi được người dân trồng ở hai bên sườn đồi tỏa ra ngào ngạt. Và rồi, sau những vất vả suốt hành trình, khi tới Ngũ động Bản Ôn, bao mệt mỏi sẽ lập tức tan biến nếu tất cả tận mắt nhìn thấy những kiệt tác của tạo hóa ở nơi đây. Dù không hùng vĩ như động Thiên Đường của Quảng Bình, hay rộng lớn như động Ngườm Ngao của Cao Bằng và Thiên Cung của Quảng Ninh, nhưng Ngũ động Bản Ôn của Sơn La cũng có sức cuốn hút riêng và mang đến đam mê với du khách khi tới chốn này.
 
Thông thường, các hang động có một hướng vào nhưng Ngũ động lại đi theo hai hướng, động 3 nằm bên phải và động 4 nằm bên trái, ba động còn lại rất đẹp nhưng lối vào lại nguy hiểm cho nên tỉnh Sơn La chưa đưa vào khai thác. Được biết, năm động này tương ứng với ngũ hành của trời đất là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Chị Hồng, chủ nhà xe Vương Hồng dưới chân đồi kể rằng, động này là nơi người cổ xưa thường thờ cúng tổ tiên, vì vậy trong động có ban thờ mẹ Âu Cơ là lẽ vậy. Vào sâu bên trong nữa, người ta sẽ không ngừng kinh ngạc với những tạo hình rất thú vị của mẹ thiên nhiên. Có thể nói, mỗi nhũ đá đều là tác phẩm điêu khắc tài hoa của tạo hóa mà không một bàn tay nào của con người có thể thay thế được. Đường nét của những nhũ đá là nét trạm trổ vừa phóng khoáng, vừa tỉa tót tinh xảo, vừa sống động, vừa mềm mại khiến bất kỳ ai tới đây cũng phải ngất ngây, chiêm ngưỡng và thỏa sức tưởng tượng. Chẳng hạn như ngay cửa động 3 là tạo hình đầu của một chú lợn lớn được tạo nên từ thạch nhũ, tiếp đến là hình dáng thửa ruộng bậc thang đặc trưng của vùng miền núi hiện lên trong lòng động. Phía xa xa, các thạch nhũ cũng tạo thành một quả phật thủ khổng lồ treo lơ lửng trên hang. Càng đi sâu vào trong thì lại càng nhiều hình dáng thạch nhũ kết tạo thành hình các con vật hết sức sống động như: rồng, sư tử, hải cẩu... Độc đáo hơn nữa là sau khi vượt qua rất nhiều lối đi ẩm ướt và trơn trượt, du khách sẽ bắt gặp một tạo hình rất thú vị, đó là chú rùa cõng trên lưng một chiếc nôi có em bé. Anh Nguyễn Văn Tít, người quản lý các động này cho biết, vào mùa mưa khoảng tháng 7, khi nước chảy vào trong hang, thạch nhũ này thật sự giống hình ảnh chú rùa cõng nôi em bé vượt sông rất sinh động. Điều đặc biệt nữa của động 3 này chính là chiếc đàn đá làm từ thạch nhũ giống như động Thiên Đường ở Quảng Bình. Chỉ cần lấy dùi đá gõ vào thạch nhũ đó, những âm thanh du dương sẽ vang vọng khắp hang động.
“Ruộng bậc thang” trong động.
 
Không thua kém động 3, động 4 của hệ thống hang động Bản Ôn cũng rất hấp dẫn. Khi ánh đèn điện bật lên, một cây tùng khổng lồ bằng thạch nhũ hiện lên sừng sững. Dưới chân cây tùng là hình ảnh hai người đứng cạnh nhau rất sống động. Vào sâu bên trong là hệ thống cột trụ, mành rèm bằng thạch nhũ rủ dài từ đỉnh hang xuống trông rất ấn tượng. Phía sau tấm rèm đó lại là vô số các hình thù sinh vật được kết nên từ thạch nhũ như: tắc kè, lạc đà, cóc, ốc sên, hai con sư tử chầu, trái đào tiên… Thực tế là hệ thống thạch nhũ của Ngũ động Bản Ôn có phần kỳ vĩ hơn Hang Dơi cùng thị trấn Mộc Châu nhưng địa thế của Hang Dơi rất thuận lợi cho du khách, trái ngược hoàn toàn với sự hiểm trở của Ngũ động. Nếu không trang bị cho mình một sức khỏe dẻo dai, du khách khó có thể chinh phục hệ thống hang động này.
 
“Nàng công chúa ngủ trong rừng”
 
Đẹp là thế, kỳ vĩ là vậy, thế nhưng, Ngũ động Bản Ôn chưa được khai thác du lịch tương xứng với tiềm năng. Bằng chứng là việc đầu tư ở đây còn sơ sài, đơn giản. Cả chặng đường dài đến với Ngũ động, chỉ có một biển báo giới thiệu nằm khiêm tốn mà nếu không để ý du khách sẽ không thấy được. Ngoài ra, từ chân đồi lên động hoàn toàn chỉ là đường dân sinh, do người địa phương tự khai phá thành lối đi. Ngay như trong lòng động, hệ thống đèn điện cũng rất hạn chế cho nên du khách rất khó chiêm ngưỡng các thắng cảnh. Nếu như động 4 được chiếu sáng bằng hệ thống điện thì động 3 chỉ được thắp sáng bằng máy nổ. Do hạn chế về ánh sáng, vì thế nếu không có hướng dẫn viên, du khách sẽ khó cảm nhận hết cái đẹp của động mặc dù động 3 rộng hơn động 4.
 
Ngoài ra, cơ sở vật chất đầu tư cho Ngũ động còn rất thô sơ, chỉ đơn giản là những chiếc thang gỗ mốc nấm khiến du khách ngại ngần, lo lắng khi khám phá động. Do nằm sâu trong rừng già hoang vu cho nên động khá ẩm ướt. Anh Tít cho biết, anh đang có kế hoạch đưa điện vào động 3 và lắp thêm quạt gió để giảm bớt sự ẩm ướt cũng như sự tối tăm của động. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, việc đầu tư này vẫn chưa thể tiến hành.
 
Cũng theo anh Tít, tỉnh Sơn La đã có kế hoạch đầu tư cho Ngũ động, thậm chí có thể lắp cầu kính để di chuyển giữa các động. Còn hiện tại, cơ sở vật chất ở đây vẫn đơn sơ như ban đầu, chính vì thế, Ngũ động rất vắng vẻ và lạ lẫm với nhiều du khách. Hoặc một số người đến được thì lại tỏ ra thất vọng vì thiếu hướng dẫn viên giới thiệu, cộng với hệ thống chiếu sáng trong động kém khiến họ khó nhìn rõ cảnh đẹp.
 
Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Mộc Châu Lê Đô Luân cho biết, thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung đầu tư, quảng bá cho du lịch Ngũ động. Dù sao thì cũng có thể xem đây là một viên ngọc sáng của thị trấn Mộc Châu nói riêng và tỉnh nói chung khi địa danh hội tụ đầy đủ các yếu tố để thu hút du khách tham quan và khám phá, nhất là với những phượt thủ thích trải nghiệm cảm giác phiêu lưu. Thêm nữa, thị trấn Mộc Châu chỉ cách Hà Nội hơn 200 km và khoảng ba tới bốn giờ di chuyển là du khách hoàn toàn có thể thưởng ngoạn bầu không khí trong lành, mát mẻ, cảm giác được trải nghiệm thời khắc bốn mùa trong một ngày của vùng cao nguyên. Vì thế, nếu Ngũ động Bản Ôn được đầu tư hơn nữa, chắc chắn Mộc Châu sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách và phượt thủ muốn có một kỳ nghỉ ngắn ngày phù hợp.
 
BÀI VÀ ẢNH: ĐINH HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch