Đánh giá về việc mở cửa ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19, VinaCapital cho hay ngành du lịch Việt Nam chưa thể phục hồi trong 2 năm tới, ảnh hưởng tới khả năng sinh tồn của toàn ngành cũng như tăng trưởng GDP của Việt Nam trong ngắn hạn.
Dự đoán này dựa trên khả năng phục hồi du lịch của Mỹ sau vụ khủng bố 11/9 và thời gian cần thiết để các quốc gia điều chế thành công vaccine là khoảng 2 năm.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) mới đây cho biết, trong vòng 4 tháng sau sự kiện 11/9, lượng hành khách đi máy bay giảm còn 35%. Ngay cả khi tâm lý của hành khách về an toàn bay đã ổn định hơn, nước Mỹ vẫn mất 3 năm để đạt lại lượng hành khách như trước thảm họa.
Vì thế, giải pháp khả thi hơn cả, theo VinaCapital, là Việt Nam nên tạo vùng du lịch an toàn để đón khách quốc tế, đặc biệt là hướng tới nhóm khách Đông Bắc Á.
Việt Nam xem xét mở cửa đón khách quốc tế trở lại
Đây là một trong số các phương án để ngành du lịch Việt Nam tối đa hóa doanh thu cũng như tối thiểu hóa khả năng lây nhiễm dịch bệnh trở lại trong cộng đồng khi mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại.
Việc lựa chọn khách Đông Bắc Á bởi thị trường này đang tìm kiếm một điểm đến du lịch nước ngoài "sạch dịch", có thời gian di chuyển hợp lý và có thiên nhiên hấp dẫn để tham quan sau thời gian cách ly. Việt Nam trở thành lựa chọn hoàn hảo.
Tuy nhiên, Việt Nam không thể mở rộng cửa cho du lịch quốc tế để kiểm soát dịch Covid-19. Do đó, VinaCapital khuyến nghị giải pháp thiết lập "vùng du lịch an toàn" bằng việc phối hợp các khu nghỉ dưỡng, các hãng hàng không. Đây sẽ là những khu nghỉ dưỡng lớn, có những điểm tham quan, vui chơi giải trí đa dạng và biệt lập để tạo cảm giác an toàn cho du khách.
"Thậm chí Chính phủ có thể dành nguyên một hòn đảo như Phú Quốc hay Côn Đảo để làm 'khu du lịch an toàn'", VinaCapital đề xuất.
Quỹ này cũng khuyến nghị sau Covid-19, Việt Nam nên tập trung vào nhóm khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 cũng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai thị trường này chiếm một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, thời gian lưu trú trung bình tới cả tuần.
Ước tính lượng lớn khách trung lưu Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đủ để lấp đầy khoảng 466 khách sạn và resort 4-5 sao của Việt Nam.
Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết đang nghiên cứu thí điểm mở cửa đón khách quốc tế đến một số khu du lịch chuyên biệt, an toàn như Phú Quốc, Côn Đảo.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, để trở lại hoạt động du lịch bình thường phải qua 4 giai đoạn: kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, khô phụ hoạt động du lịch nội địa; xem xét mở cửa một số thị trường du lịch quốc tế nhưng đi kèm điều kiện an toàn dịch bệnh. Để thực hiện bước này, Bộ VH-TT&DL cần nghiên cứu và thí điểm cho phép một số địa phương đảm bảo điều kiện đón khách quốc tế như Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Việc này cần sự phối hợp của các Bộ, ngành khác như: Bộ GTVT cấp phép lại các chuyến bay quốc tế, Bộ Công an cấp lại thị thực cho khách quốc tế.
Bộ VH-TT&DL cũng đang đề xuất tái khởi động lại thị trường khách quốc tế từ Đông Nam Á và Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc thị trường chi tiêu cao như Australia, New Zealand,...
Trước đó, tại hội nghị về giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Tổng cục Du lịch tổ chức cuối tháng 5, ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch TAB, đề xuất khi mở cửa đón khách quốc tế, nên lưu ý những thị trường quan trọng như Úc, New Zealand và cần có những khu du lịch riêng biệt, độc lập, để đón khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Ngọc Hà - (vietnamnet.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)