Du lịch sinh thái, nông nghiệp đang là xu hướng được ưa chuộng tại Cần Thơ và ĐBSCL. Trong ảnh: Trải nghiệm làm nông dân tại Bảo Gia Farm.
Cần Thơ đã sẵn sàng
Du lịch hoạt động trở lại nhưng hồi phục chậm. Theo các đơn vị lữ hành tại Cần Thơ, khách đoàn rất ít, phần nhiều là khách lẻ, nhóm khách gia đình. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và Tây Nam bộ, cho biết: “Từ thực tế này, đơn vị nắm bắt xu hướng và giới thiệu hình thức Free & Easy (tự do khám phá và các trải nghiệm với dịch vụ tự chọn) được du khách ưa chuộng, sau đó phối hợp với các đơn vị dịch vụ khác xây dựng các gói combo kích cầu”. Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cũng thông tin: “Lượng khách hiện tại chỉ khoảng 1/5 so với trước dịch bệnh, trong đó hầu như là khách lẻ. Khách đoàn từ các đơn vị lữ hành kết nối vẫn chưa phục hồi. Chúng tôi xây dựng nhiều chương trình khuyến mãi, các dịch vụ và sản phẩm mới để tăng sức hút với khách”. Làng du lịch Mỹ Khánh chuẩn bị tái hiện chợ nổi, nhà văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ dự báo 6 tháng đầu năm, lượng khách lưu trú và doanh thu du lịch giảm trên 80% và có kế hoạch, chương trình hành động hồi phục các hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung cơ cấu lại thị trường, đề ra các chiến lược tiếp cận, quảng bá phù hợp với thị trường mục tiêu.
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ có những tuyến mới: du lịch đường sông bằng du thuyền với tuyến nội địa Cần Thơ - Châu Đốc (Du thuyền Victoria), tuyến cao tốc đường sông Cần Thơ - Côn Đảo (Tập đoàn Mai Linh), trải nghiệm làm nông tại Bảo Gia Farm (Cái Răng), chương trình Cồn Sơn ngày mới (Bình Thủy)… Bà Lê Thị Bé Bảy, Tư vấn du lịch cồn Sơn, cho biết: “Chương trình Cồn Sơn ngày mới đang được phản hồi rất tốt, tuy nhiên khách đoàn vẫn phục hồi chậm. Chúng tôi mong muốn các đơn vị du lịch bắt tay hỗ trợ, hợp tác và kết nối, quảng bá cho nhau”. Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ cơ sở Cần Thơ Farm, chia sẻ rằng: “Thời gian qua, chúng tôi chỉnh trang dịch vụ, chuẩn bị các sản phẩm mới được làm từ rau củ, quả tại nông trại, chủ lực là các sản phẩm từ dưa lưới, nho, rau sạch... Hiện tại, chúng tôi có phiên chợ bánh dân gian cuối tuần. Lượng khách đang tăng dần và ổn định vào cuối tuần, nhưng chủ yếu vẫn là nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè”. Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới ở Bảo Gia Farm, Làng du lịch Ông Đề… cũng ra mắt và đón du khách bằng diện mạo mới.
Cần Thơ đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình kích cầu du lịch với định hướng: nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ, khuyến mãi. Chương trình đang triển khai trên phạm vi cả nước, trọng tâm là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, các tỉnh ĐBSCL, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong đó tập trung các địa phương có đường bay thẳng đến Cần Thơ. Ông Đặng Minh Việt, Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại Cần Thơ, cho biết: “Đơn vị đã khai thác lại hết các tuyến nội địa, đồng thời gia tăng các đường bay mới, áp dụng chính sách kích cầu với mức giá tốt nhất cho du khách”. Theo đó, có thêm chuyến bay của Vietnam Airlines xuất phát từ Cần Thơ đến Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Buôn Mê Thuột…. Với những đường bay mới này, đơn vị đã tăng tỷ lệ khai thác lên khoảng 1,5 lần, tăng số chuyến bay thẳng từ Cần Thơ đến các địa phương khác đến 50% so với trước dịch COVID-19. Thông tin này nhận được phản hồi tích cực từ các đơn vị lữ hành, bởi có thể kết hợp, xây dựng các sản phẩm liên tuyến, các combo phù hợp để kích cầu du lịch nội địa, nhất là kết nối Cần Thơ, vùng ĐBSCL đến các tỉnh, thành khác. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và Tây Nam bộ, cho biết: “Đây là thông tin tích cực cho Cần Thơ và ĐBSCL. Vì các hãng vận chuyển đã bắt tay, giới thiệu chính sách giá tốt, những dịch vụ, sản phẩm mới nên chúng tôi cũng dễ xây dựng chương trình kích cầu”.
Trên cơ sở này, ngành Du lịch Cần Thơ đang tập trung vào các vấn đề trọng tâm: tăng cường xây dựng các sản phẩm mới, trải nghiệm mới, xây dựng đa dạng các chương trình kích cầu, tăng cường các chiến lược truyền thông, xây dựng kịch bản cho khách quốc tế khi được phép đón trở lại… Đặc biệt, hàng loạt sự kiện sẽ được Cần Thơ tổ chức trong tháng 6: Ngày hội du lịch, tổ chức đoàn farmtrip, tăng cường truyền thông quảng bá điểm đến an toàn, hội nghị liên kết và phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL…
Những chương trình chung tay hành động
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn khi đóng góp trực tiếp 9,2% vào GDP; với hơn 40.000 doanh nghiệp, tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu lao động phụ thuộc, liên quan khác. Do dịch COVID-19, du lịch chịu tác động nặng nề và cần được khôi phục nhanh chóng để tạo đòn bẩy cho các ngành kinh tế khác. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm kiên quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để giữ ổn định cho bên trong phát triển, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc (Chương trình), nhằm khôi phục nhanh hoạt động du lịch nội địa và chuẩn bị sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép. Cần Thơ và khu vực ĐBSCL là địa điểm đầu tiên được chọn để phát động chương trình kích lần này. Theo đó, chương trình được triển khai trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 15-5 đến 15-7-2020 và giai đoạn 2 từ 15-7 đến hết năm 2020. Nguyên tắc kích cầu: đảm bảo an toàn, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ. Xây dựng các sản phẩm kích cầu chú trọng sản phẩm mới, độc đáo, dịch vụ giá thấp, có thêm các khuyến mãi đa dạng. Các khu vực lần lượt triển khai chương trình kích cầu: ĐBSCL, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Bắc và Trung Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: “Ngay sau khi kiểm soát dịch COVID-19, các tỉnh, thành ĐBSCL đã bắt tay khôi phục du lịch. ĐBSCL được xác định là vùng an toàn, phù hợp với tiêu chí hiện tại của du khách. Việc xác định chủ đề “Du lịch an toàn” nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch nội địa đến ĐBSCL. Thị trường nội địa trọng điểm cũng được xác định là TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ trở vào”. Trên tinh thần này, chương trình xác định các ưu tiên hợp tác, liên kết với TP Hồ Chí Minh, chọn các địa phương, trung tâm du lịch Cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang - Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Từ đó, tập trung chính sách giảm giá phù hợp, nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn, ưu tiên du lịch nội địa; đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp để hạ giá thành, mức giảm giá khuyến khích từ 20% trở lên và nâng cao chất lượng, hình thành các tour hấp dẫn thu hút khách. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã vận động được khoảng 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch giảm giá bình quân từ 10-50%, có nơi giảm 100% vé tham quan. Chương trình bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm 2020 và chuẩn bị cho quý I năm 2021.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VH,TT&DL tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với giải pháp thiết thực, kịp thời như giảm các khoản phí, lệ phí; điều chỉnh giải pháp về truyền thông, quảng bá du lịch phù hợp với tình hình mới; chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện. Bộ VH,TT&DL cũng thông tin sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc vào khoảng đầu tháng 8-2020, để kịp nắm bắt tình hình và có những giải pháp, ứng phó kịp thời.
Bài, ảnh: Ái Lam - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)