Lên non tắm suối

Thứ tư, 19 Tháng 8 2020 10:07 (GMT+7)
Mùa mưa đến cũng là lúc những con suối ở vùng Bảy Núi bừng “tỉnh giấc”, mang đến những trải nghiệm rất mới về miền đất sơn thủy hữu tình. Và những lần lên non tắm suối bao giờ cũng là chuyến đi đáng nhớ!
 
Tháng 6 (âm lịch), trời mưa già. Nước từ trong kẽ đá tuôn ra chảy thành dòng suối nhỏ. Nhiều dòng suối nhỏ kết lại thành con suối to. Tiếng suối lúc rì rầm, khi réo rắt như tiếng hát của rừng. Khi ấy, những người dân trên núi cũng háo hức đón nguồn nước trời vào thời điểm dồi dào nhất trong năm, để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, những con suối trong mùa mưa còn mang đến trải nghiệm thú vị cho các bạn trẻ yêu thích thiên nhiên về một Thất Sơn trong mát, nhẹ nhàng và pha chút mộng mơ.
 
Núi Cấm ngày mây phủ. Tôi theo chân những người bạn chinh phục ngọn núi hùng vĩ này bên vách hồ Ô-tưk-xa. Phan Hữu (một người bạn thân của tôi) đã định cư khá lâu trên núi Cấm từng giới thiệu về con suối gần nhà còn khá hoang sơ. Vì thế, tôi quyết định làm một chuyến đi để cảm nhận phong vị tắm suối núi Cấm trong mùa mưa.
 
Hà Hiếu Thuận (một người bạn “thích xê dịch” của tôi) làm nhiệm vụ dẫn đường. Sau khi vượt qua những con đường láng nhựa, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi... bằng xe! Hà Hiếu Thuận nói đùa rằng nhà Phan Hữu nằm gần đỉnh núi, phía sau lưng tượng Phật Di Lặc khiến tôi rùng mình. Bởi lẽ, chiếc xe gắn máy già cỗi của tôi sẽ không thể leo dốc cao như thế!
 
Nhóm bạn trải nghiệm tắm suối trên núi Cấm mùa mưa
 
Tuy nhiên, sự thật là nhà Phan Hữu chỉ cao hơn đồng bằng chưa đầy trăm mét. Khi tiếng xe gắn máy vừa tắt thì âm thanh rì rào của suối đã tràn ngập không gian. Nhóm chúng tôi háo hức ra suối, kẻ mang theo nước uống, người xách thức ăn nhanh cùng đi về phía có tiếng nước chảy. Phan Hữu đứng đón những người bạn từ đồng bằng với nụ cười khoái chí, bởi đây là dịp bạn giới thiệu với chúng tôi nét đẹp của ngọn núi quê hương trong mùa mưa.
 
Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tiếng suối trong veo như đưa lòng người về với thuở hoang sơ nào đó. Nhóm bạn đi cùng thích thú chụp ảnh, quay video và chuẩn bị thức ăn. Quả thực, không gì thú vị hơn là được ngắm những dòng nước trong mát chảy dài trên đá. Con suối chảy ngang vườn nhà Phan Hữu nằm trên thượng nguồn hồ Ô-tưk-xa nên còn rất hoang sơ, trong mát. Hà Hiếu Thuận tếu táo gọi đây là “Suối Ô-tưk-Hưu” khiến nhóm bạn cười vui vẻ.
 
Một đoạn của con suối “Ô-tưk-Hưu”
 
Dù nhiều lần lên núi Cấm và ngắm nhìn suối Thanh Long trong mùa đầy nước, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng với con suối cạnh vườn nhà Phan Hữu. Giữa màu xanh ngút ngàn, con suối tuôn dài như “áng tóc trữ tình” khiến cho khung cảnh trở nên mơ màng.
 
Mấy người bạn từ TP. Long Xuyên lên đây đều đánh giá con suối này đẹp không kém suối Tranh ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Mấy tảng đá đầy rêu trơn trượt khiến cho các thành viên trong nhóm di chuyển chầm chậm để tránh sự cố. Trong khi nhóm bạn nữ chuẩn bị thức ăn thì các bạn nam ngâm những lon nước uống dưới suối để làm lạnh trước khi thưởng thức.
 
Phan Hữu cho biết, con suối chảy âm thầm vào buổi sớm mai nhưng càng trưa dòng nước sẽ càng mạnh. Khi vừa đặt chân xuống nước, tôi giật mình bởi cảm giác lạnh đột ngột. Tuy nhiên, ngâm chân một lúc rồi quen và cảm giác lạnh cũng bớt đi. Vài anh bạn nằm ngay ra giữa suối để ngâm mình trong dòng nước mát lành, họ chia sẻ rằng nước thiên nhiên tắm sướng hơn… nước máy. Trời trưa, nắng gắt hơn. Sau thời điểm tắm suối thỏa thích, bụng chúng tôi bắt đầu kêu và đó cũng là lúc đặc sản ẩm thực của Phan Hữu và Hà Hiếu Thuận lên ngôi, món bò nướng đá!
 
Chẳng biết lý do gì khiến anh bạn của tôi nghĩ ra món ăn này nhưng nó khá hợp với những buổi dã ngoại trên núi. Để làm món bò nướng đá, Phan Hữu nhờ mọi người chọn một hòn đá to cỡ bàn tay xòe, có hình dẹp tương tự cái dĩa. Sau đó, mọi người bắt một cái cà ràng bằng 3 hòn đá rồi đốt lửa. Khi lửa cháy thì đặt hòn đá dẹp lúc nãy lên để nung nóng. Đợi đá nóng thì đặt thịt bò lên đó để nướng. Cứ như thế, lửa nướng đá, đá nướng thịt bò làm bốc mùi thơm phức.
 
Để đảm bảo an toàn, nhóm bạn chọn chỗ bắt bếp cặp bên bờ suối và dọn sạch sẽ lá khô. Thịt bò chín được ăn kèm rau, cà chua chấm muối ớt ngon không tả được. Thích nhất là được ngồi trong lòng suối thưởng thức thịt bò, uống nước giải khát và nghe những người bạn kể chuyện vui. Tiếng cười của chúng tôi vang cả một góc rừng!
 
Đặc sản bò nướng đá
 
Để bảo vệ môi trường, mọi người đều nhắc nhau không ném những vỏ lon hay rác thải bừa bãi mà gom lại để mang xuống núi. Hà Hiếu Thuận, Nguyễn Thành Luân (người quản lý kênh youtube Thất Sơn miền Tây) hay những người bạn yêu mến thiên nhiên Bảy Núi đều cho tôi cảm hứng khá tích cực, khi nêu cao ý thức giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Các bạn đều mong mỏi bất cứ ai khi đến trải nghiệm thiên nhiên của vùng đất này hãy giữ cho nó luôn xanh, sạch, đẹp để sẵn sàng chào đón chúng ta khi trở lại.
 
Chuyến lên non tắm suối của tôi và những người bạn kết thúc vào buổi xế chiều. Không ai bảo ai, tất cả đều cảm thấy vui vẻ, ấn tượng khi được sống trong cảm giác bình yên, hoang sơ của núi rừng. Và có lẽ, mọi người sẽ hẹn nhau trở lại góc rừng này vào mùa mưa năm sau, khi con suối “Ô- tưk-Hưu” bừng tỉnh đánh động núi rừng.
 
THANH TIẾN - (baoangiang.com.vn)
T/h: nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch