Cung đường đèo uốn lượn quanh co nhìn từ dốc Thẩm Mã.
Mỗi mùa Hà Giang đều có một nét đẹp riêng nhưng mùa này có lẽ là lý tưởng nhất để du khách chọn Hà Giang bởi sắc tím hồng của trùng trùng điệp điệp những cánh đồng hoa tam giác mạch; bởi mây mù vừa đủ lãng đãng giăng trên những cung đường đèo hiểm trở; bởi cái se lạnh vừa đủ để đêm về có thể ngồi xích lại gần nhau hơn bên bếp lửa hồng, nhẩn nha nướng những củ khoai, trái bắp… Cung đường từ TP Hà Giang đi Ðồng Văn đầy khám phá với hàng loạt những điểm dừng chân “hút hồn” du khách.
Ðầu tiên là Cổng trời Quản Bạ. Trên tấm bảng được đặt tại đây ghi rõ: “Nếu ví Cao nguyên đá Ðồng Văn là một “Thiên đường đá” thì “Cổng trời Quản Bạ” chính là cánh cổng dẫn dắt bước chân của du khách vào chốn Thiên đường này”. Thật vậy, với độ cao 1.500m so với mực nước biển, Cổng trời Quản Bạ là điểm cao nhất trên cung đường từ Hà Giang lên Quản Bạ. Ðứng ở vị trí này, du khách có thể thả tầm mắt bao quát cả thung lũng Tam Sơn rộng lớn - một thung lũng được tạo thành từ những hoạt động đứt gãy trong quá khứ của Quản Bạ. Nổi bật giữa thung lũng Tam Sơn là 2 quả núi đá vôi hình chóp có tên gọi là “Núi Ðôi Cô Tiên” với truyền thuyết về đôi bầu sữa của một nàng tiên để lại nuôi con.
Từ Quản Bạ, những cung đường đèo uốn lượn cứ nối tiếp nhau kéo dài bất tận với những khung cảnh kỳ vĩ đẹp đến nao lòng. Một trong những điểm dừng chân không thể bỏ qua là dốc Thẩm Mã. Tương truyền rằng dốc này từng là nơi thử sức ngựa để tuyển chọn những con khỏe giữ lại nuôi. Từ trên dốc Thẩm Mã nhìn xuống, du khách không thể không giật mình trước hình ảnh ngoẳn ngoèo của đoạn đèo chín khoanh mà mình vừa vượt qua để đứng trên đỉnh dốc này. Nếu như dốc Thẩm Mã mang đến cảm giác mạnh thì sau đó Sủng Là hiện ra, bình yên và nhẹ nhàng như một sự cân bằng cảm xúc. Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thơ mộng thuộc xã Sủng Là, là nơi sinh sống của khoảng 60 hộ dân thuộc 3 dân tộc: Mông, Lô Lô, Hán; trong đó, phần nhiều là người Mông - chiếm khoảng 85% dân số. Những ngôi nhà trình tường cổ nơi đây được làm nên bởi những nguyên liệu tại chỗ, từ đất để trình tường nhà, ngói, gỗ, đến hàng rào đá xung quanh nhà… Trong đó, ngôi nhà là phim trường “Chuyện của Pao” (phim của đạo diễn Ngô Quang Hải, giải thưởng Cách Diều Vàng Việt Nam cho phim điện ảnh xuất sắc nhất năm 2006) thu hút khá đông du khách ghé đến check-in. Ðó là ngôi nhà hơn 100 tuổi, mang đậm chất dân tộc với hàng rào đá ấn tượng, khoảng sân được lát bằng đá tảng và 3 dãy nhà hình chữ U. Du khách không khỏi bồi hồi khi đứng bên bờ rào đá và hồi tưởng lại những trường đoạn da diết và lãng mạn trong phim. May mắn gặp chủ nhà, du khách sẽ được nghe ông thổi khèn và được mời chén rượu ngô “nhà làm” thơm nồng, ngây ngất.
Sự đan xen xúc cảm giữa cảm giác mạnh và nên thơ, nhẹ nhàng sẽ lặp lại một lần nữa trên cung đường từ đèo Mã Pí Lèng đến sông Nho Quế. Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, còn có tên là Ðường Hạnh Phúc. Trên tấm bia đá ở đèo Mã Pí Lèng khắc ghi, Ðường Hạnh Phúc được xây dựng bởi 1.300 thanh niên xung phong và hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc ở các tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Ðịnh. Ðường được khởi công ngày 10-9-1959 và hoàn thành ngày 15-6-1965. Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để đục đá mở đường. Choáng ngợp trước Mã Pí Lèng hiểm trở, du khách sẽ còn phải thót tim khi vượt qua 8km đèo Tà Làng với độ dốc thẳng đứng từ 1.500m của Mã Pí Lèng đổ xuống bờ sông Nho Quế. Chỉ 8km nhưng có đến 47 khúc cua, hơn nửa trong số đó là cua tay áo và chỉ có thể di chuyển bằng phương tiện 2 bánh. Những “tay lái lụa” nơi đây kể rằng, mùa mưa, phải buộc xích vào bánh xe để tránh tình trạng tuột dốc!
Thế nhưng, đến bờ sông Nho Quế, mọi cảm giác mạnh dường như tan biến, nhường chỗ cho sự bình yên, thư thái trước dòng nước xanh như ngọc lững lờ trôi. Ði thuyền máy hoặc tự chèo thuyền trên sông Nho Quế đoạn qua hẻm núi Tu Sản là một trải nghiệm tuyệt vời khi đi giữa dòng sông mà hai bên bờ là vách núi đá sừng sững, dựng đứng như lên đến tận trời xanh. Du khách sẽ cảm nhận rõ bầu không khí mát lành cùng sự chuyển biến của cảnh sắc thiên nhiên.
Và một điểm không thể nào bỏ qua khi đã đặt chân đến Ðồng Văn: cột cờ Lũng Cú - dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc. Ðoàn chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú khi mặt trời đã dần tắt bóng. Thế nhưng đường lên cột cờ vẫn không ngớt du khách tìm đến dù phải vượt qua 839 bậc thang. Từ chân cột cờ, leo thêm 140 bậc cầu thang xoắn ốc là lên đến đỉnh cột cờ. Một cảm giác xúc động, tự hào dâng trào khi du khách tự tay chạm vào lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên Tổ quốc Việt Nam. Cùng với đó là sự thư thái giữa bao la trời mây lộng gió…
Mở mắt thấy Hà Giang…
Nếu không mua tour của các đơn vị lữ hành, từ Cần Thơ du khách có thể đón chuyến bay chiều đến Hà Nội tầm 7-8 giờ tối để đón chuyến xe muộn nhất từ Hà Nội đi Hà Giang: 10 giờ tối. Tất cả các xe khách từ Hà Nội đi Hà Giang đều hỗ trợ đón khách tại sảnh nhà ga T1, T2 sân bay Nội Bài hoặc từ ngã tư Nội Bài (ngã ba Kim Anh), với giá vé dao động từ 200.000-350.000 đồng/vé, tùy loại xe. Tầm 4 giờ sáng là du khách đến Hà Giang và có vài tiếng nghỉ ngơi, chuẩn bị để lên đường đi Đồng Văn. Với khung giờ này, du khách có thể tận dụng ngủ đêm trên xe, tiết kiệm chi phí khách sạn.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN KHUÊ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)