Nơi đây có hệ sinh thái đất ngập nước mang nét đặc trưng của vùng đất trũng Đồng Tháp Mười. Phát huy ưu thế tự nhiên để khai thác loại hình du lịch sinh thái, nhưng Tràm Chim cũng biết nắm chắc "chiếc chìa khóa" phát triển du lịch bền vững bằng cách bảo tồn những giá trị xanh.
Khách du lịch trải nghiệm làm ngư dân tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Du lịch chân chất miền Tây
Vườn Quốc gia Tràm Chim được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười thu nhỏ". Đến Tràm Chim vào những ngày con nước đổ giữa tháng 9 âm lịch, chúng tôi không chỉ được hòa mình vào khu sinh thái với "trường học thực tế" với các lớp học về hệ sinh thái tràm, cỏ năng, động vật... mà còn được trải nghiệm trở thành dân miền Tây "chính hiệu", mặc dù năm nay con nước từ thượng nguồn đổ về chỉ "lé đé" (từ địa phương Nam Bộ), không tràn bờ như những năm trước đây.
Trên chiếc xe điện chạy vi vu dưới tán rừng tràm mát rượi, anh hướng dẫn viên chia sẻ, "đặc sản" của Tràm Chim từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hằng năm là du khách sẽ hòa mình vào cuộc sống người dân và tự tay thực hiện công việc sinh kế miền sông nước. Mỗi du khách được lựa chọn các loại ngư cụ truyền thống như chài, câu, lưới, lọp, lờ, trúm lươn,… để trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương.
Đến từ thủ đô Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thang cho hay, cảm giác bơi xuồng len lỏi giữa tán rừng tràm, hay dùng sức đẩy xuồng vào cánh đồng năng để tự tay đặt từng lợp cá, ống trúm bắt lươn, giăng từng đoạn lưới, cắm từng cần câu bắt cá… cảm thấy thật tuyệt vời. Cảm xúc lâng lâng nhất là khi tự tay thu hoạch được con cá, con cua… số lượng ít nhưng rất vui. Anh Thang bày tỏ, khi đích thân trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên, cuộc sống mưu sinh của người dân bản địa nơi đây mới hiểu hết nét văn hóa Nam Bộ, nhất là văn hóa sông nước.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Nghĩa – du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên được thấy tận mắt cái chà chuột. Mặc bộ đồ bà ba, chiếc khăn rằn thắt eo, tay xách lồng chì, anh Nghĩa hồ hởi "trở thành dân miền Tây thứ thiệt" đi dỡ chà bắt chuột đồng. Anh Nghĩa chia sẻ, ấn tượng nhất là không khí cả chục người quây quần dỡ chà chuột khoảng 20 – 30 m2 và bản thân trở thành "cao thủ tay không bắt chuột" gần 3 kg chuột.
Anh Phan Chí Nhựt – hướng dẫn viên Khu du lịch vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, chà chuột là các nhánh cây khô được chất thành cụm trên gò cao, chủ yếu để chuột trú ngụ khi nước lên. Sau khi chất, cứ khoảng 10 ngày thì dỡ bắt chuột một lần. Trong khoảng thời gian này, chủ đống chà thường dùng ngô, lúa để rải quanh đống chà để dụ chuột. Trước mỗi lần dỡ chà, sẽ dùng lưới giăng xung quanh, sau đó, những nhánh cây khô sẽ được đưa sang vùng đất trống bên ngoài. Cứ thế đống chà vơi dần, chỉ còn cụm nhỏ vài mét vuông và lũ chuột dần dần bị "khép vòng vây". "Mất ổ", những con chuột cùng đường sẽ đâm vào lưới, chạy lòng vòng rồi gom thành một nhóm kêu chí chóe, người tham gia sẽ "ra tay" bắt chuột vào lồng.
Bảo tồn "Trường học thực tế" đa sắc màu
Sếu đầu đỏ nhảy múa trên trảng cỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: vietnam.vnanet.vn
Tràm Chim là một Ramsar rất độc đáo với 7.313ha trải dài trên địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Tam Nông với hệ động – thực vật phong phú. Ngay giữa khu Trung tâm du lịch Tràm Chim, chúng tôi được dịp tham quan Nhà trưng bày trứng chim và cá nước ngọt trưng bày 130 loài trứng chim, 52 loài cá nước ngọt tiêu biểu của Vườn quốc gia Tràm Chim… Đặc biệt, nhiều loại cá nước ngọt đã từ lâu ít thấy ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: cá dày, cá nóc mích, cá kết, cá chèn răng, cá nhái, lòng tong bay… Một trong những loại cá ngon chỉ có trong mùa nước nổi, đó chính là cá heo - giống cá da trơn có kích cỡ chỉ bằng ngón tay cái, con đực có vây màu đỏ, con cái xám xanh.
Ngoài ra, hệ thực vật vườn Quốc gia Tràm Chim được phân định thành 6 kiểu "quần xã đặc trưng", gồm rừng tràm, lúa trời (còn gọi là lúa ma, tên khoa học là Oryza rufipogon Griff), sen, năn, mồm mốc, cỏ ống.
Trong đó, lúa trời là loại thực vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, có vai trò là chuỗi cung cấp thức ăn cho hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy ở Tràm Chim, đồng thời là cơ sở lai tạo giống lúa thích nghi cho vùng ngập sâu và phèn nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cây lúa ma hiện được lưu giữ và bảo tồn với diện tích hơn 800 ha, nằm rải rác xen lẫn cỏ ống, cỏ bắc, sen, súng, cỏ chỉ… ở các khu và nhiều nhất là khu A1, khu vực trạm Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B.
Lúa ma là loại lúa chịu phèn, vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3-5 mét. Lúa trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín vào tháng 11-12. Trong quá trình sinh trưởng, thân lúa ma phát triển nhanh chóng dị thường theo mực nước. Bông lúa ma chín với vỏ trấu màu vàng đen, có chiếc đuôi dài nhưng mỗi lần chín chỉ vài hạt và những hạt chín này sẽ rụng trước khi có ánh sáng mặt trời. Do đó, muốn thu hoạch lúa ma phải dùng thuyền có gắn tấm phên và thực hiện vào lúc sáng sớm. Khi thu hoạch dùng 2 cây sào tre để đập cho hạt chín rơi vào thuyền. Theo thông tin từ Khu du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim, hiện tại vì mực nước trong mùa nước nổi rất thấp nên hoạt động du lịch trải nghiệm lúa ma không còn được tổ chức và chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn.
Trên chiếc xuống kéo đi sâu vào lõi rừng, thỉnh thoảng vài con trích mồng đỏ cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp; vài chú cồng cộc liệng mặt sông đớp cá, những cánh có trắng đậu trên vạt rừng xanh... Tất cả hòa vào một bức tranh có cả sắc lẫn âm, được thu vào tầm mắt của du khách. Theo suốt hành trình, anh Phan Chí Nhựt, hướng dẫn viên Khu du lịch vườn Quốc gia Tràm Chim thông tin, mùa nước nổi cũng là mùa đẹp nhất, độc đáo nhất trong năm của khu Ramsar. Sắc hồng của cánh đồng hoa sen và điểm xuyến trên nền tràm xanh tươi bát ngát là hàng chục nghìn cánh cò trắng tạo thành một khung cảnh tuyệt vời. Các lung sen, đầm năng là nơi quy tụ hàng chục loài chim nước sinh sống, làm tổ quanh năm như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời…
Ngoài ra, Tràm Chim mùa này còn được biết đến là sân chim sinh sản, nơi tập trung các loài chim như cồng cộc, điên điển, cò ốc, cò trắng và nhiều loài chim quý hiếm khác. Khu vực này thuộc phân khu A2 có diện tích 2-3ha, nằm cách Trung tâm Du lịch của Vườn khoảng 6km. Tuy nhiên, năm nay, đàn cò ốc, cò trắng cũng "vắng bóng", chỉ có hai loài cồng cộc và điên điển về làm tổ.
Theo thống kê định kỳ tháng 9/2020 của Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim, số lượng loài chim và diện tích bãi chim sinh sản giảm khoảng 0,3 ha so với năm 2018. Trong điều kiện mực nước thấp hơn 1 mét so với cùng kỳ năm 2019 khoảng, đội bảo vệ rừng chuyên trách xây dựng đài quan sát và phân công tổ trực 24/24 chống người xâm nhập săn bắt trái phép, thực hiện di chuyển kiểm tra, giám sát bằng xuồng nhỏ. Trong thời gian tới, Trung tâm quy hoạch công tác quản lý rừng bền vững sẽ thực hiện quản lý theo từng phân khu chức năng riêng biệt, cải tạo bãi ăn chim nước, điều tiết nước khu A2, giữ nước khu A2 ở mức cao hơn để vừa bảo tồn nguồn lợi thủy sản, vừa đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Qua đó, duy trì, tái tạo bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ.
Chương Đài (TTXVN)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)