Định hướng bài bản cho du lịch

Thứ tư, 12 Tháng 5 2021 09:12 (GMT+7)
Tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, nên thời gian ngắn khó nói đến chuyện hồi phục ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, về lâu dài, Hậu Giang đã có một kế hoạch được coi là bài bản...
Chợ nông thôn Vị Thanh có thể là điểm đến hay nếu được đầu tư khai thác... Ảnh: TRUNG QUÂN
 
Đưa du lịch tiếp tục phát triển
 
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.
 
Nội dung chính trong kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch là tạo dựng hình ảnh du lịch Hậu Giang, nhất quán sử dụng biểu tượng đặc trưng “Bé Khóm”, logo, bộ nhận diện hình ảnh Hậu Giang ở từng nhóm ngành; từng bước xây dựng khẩu hiệu riêng cho từng ngành nói chung, du lịch nói riêng; xây dựng tài nguyên truyền thông cho du lịch, đồng nhất với hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch. Một trong những điểm quan trọng trong kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh trong giai đoạn mới là xây dựng và phát triển nội dung truyền thông số, ứng dụng các phần mềm du lịch thông minh, chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng bản đồ du lịch điện tử, để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin đa dạng của du khách.
 
Cùng với đó, việc tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá thường xuyên trên hệ thống báo, đài; tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá và thu hút khách du lịch cũng như tìm kiếm cơ hội liên kết phát triển du lịch cũng được đặc biệt quan tâm. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Chúng tôi tìm kiếm những đối tác đầu tư, xây dựng sản phẩm, tua, tuyến du lịch, tạo điều kiện cho họ đến Hậu Giang; chủ động đi học tập từ những mô hình hiệu quả, để có thể vận dụng một cách sáng tạo, chia sẻ với các địa phương để cùng xây dựng các sản phẩm du lịch từ những sản vật của quê mình. Sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là động lực để chúng tôi càng quyết tâm, quyết liệt hơn trong công tác chuyên môn, trong việc tìm kiếm, liên kết, kêu gọi đầu tư, xây dựng sản phẩm và khai thác du lịch trong thời gian tới”.
 
Sắp tới đây, Hậu Giang sẽ tổ chúc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Giải Marathon quốc tế Mekong delta marathon Hậu Giang 2021, sẽ tiếp tục là cơ hội tốt giới thiệu sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
 
Định hướng bài bản, lâu dài, sâu rộng
 
Trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, du lịch trở thành một trong 9 lĩnh vực chủ yếu được định hướng để phát triển. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang với mục tiêu nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách. Từ đó, các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU, chú trọng triển khai cơ chế hỗ trợ, phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng các tài nguyên chiến lược về du lịch; khai thác tốt mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái, tâm linh; phát huy giá trị các làng nghề, khuyến khích phát triển ẩm thực, văn hóa, tạo nhiều sản phẩm đặc trưng…
 
Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tổng kết, đánh giá hiệu quả sau một thời gian triển khai thực hiện. Có thể xem đây là một giải pháp lớn, đề ra được những nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch, điểm nhấn là đầu tư hạ tầng du lịch, từng bước khai thác tiềm năng, quy hoạch, xây dựng các khu, điểm du lịch, kêu gọi, xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch. Qua hơn 5 năm thực hiện, tỉnh đã nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ vào Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, địa điểm Cây Lộc Vừng, dự án bảo tồn chợ nổi Ngã Bảy, với tổng mức đầu tư trên 85 tỉ đồng.
 
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chuyên môn trực tiếp, đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo dựng hình ảnh, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù...; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, những chuyến học tập kinh nghiệm cho cán bộ chuyên môn, người dân về cách làm du lịch cộng đồng ở ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc…
 
Tất cả những động thái trong thời gian qua của tỉnh đã góp phần định hướng, dần mở ra bức tranh sáng về du lịch của tỉnh. Trong thời gian gần đây, các huyện, thị, thành phố đã bắt tay xây dựng và thông qua đề án phát triển du lịch của địa phương mình. Điều này chứng tỏ được sự quan tâm đồng bộ, mỗi địa phương tự tìm và đánh giá sát những sản phẩm của mình, đưa ra những giải pháp sát để có thể vừa khai thác tốt để phát triển du lịch, vừa giúp người dân có thêm nguồn thu từ việc làm du lịch.
 
Ông Tống Huy Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ thông qua đề án phát triển du lịch của huyện trong thời gian gần. Dù biết rằng để Vị Thủy khai thác du lịch không phải dễ, nhưng qua nghiên cứu, chúng tôi đã tập trung vào sản phẩm ở những nơi khác không có, như làng trầu Vị Thủy, trải nghiệm trên kênh xáng Xà No, Nàng Mau. Điểm nhấn của du lịch Vị Thủy còn là Khu du lịch sinh thái Việt - Úc”.
 
Có sự vào cuộc từ tỉnh đến địa phương bằng một định hướng căn cơ, du lịch Hậu Giang có thêm nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần đưa du lịch Hậu Giang nói riêng, phát triển, hòa vào dòng chảy của khu vực và cả nước.
 
 
“Bé Khóm” - Biểu trưng mới của du lịch Hậu Giang
 
Tỉnh đã chọn hình ảnh biểu trưng du lịch Hậu Giang là “Bé Khóm”, với đầu đội vương miện, mình gai góc, nhưng bên trong là hương thơm dịu ngọt, thanh mát, tay cầm mái chèo, chân là hình ảnh biểu tượng của chiếc xuồng, trước ngực là hình ảnh nhận diện du lịch Hậu Giang. Khóm Cầu Đúc là đặc sản của Hậu Giang, được trồng nhiều ở Vị Thanh, Long Mỹ… Theo cảm nhận của du khách, khóm trồng ở vùng này có hương vị rất thanh ngọt, đậm đà, khó nơi đâu bằng, đó cũng là lý do Hậu Giang chọn hình ảnh khóm làm biểu trưng du lịch.
 
VĨNH TRÀ- (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch