Thiếu chiến lược marketing

Thứ ba, 16 Tháng 11 2021 14:29 (GMT+7)
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch, tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành du lịch TP, nâng cao vị thế trung tâm du lịch vùng ĐBSCL và lượng du khách đến đây tăng rõ rệt.
 
Từ năm 2015-2019, tổng lượt khách du lịch đến Cần Thơ tăng từ 4,7 triệu lên gần 8,8 triệu - gấp gần 1,9 lần. Năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, khách du lịch đến Cần Thơ đạt hơn 5,6 triệu lượt, giảm 36,8% so với năm trước. Năm 2021, lượng khách tiếp tục giảm…
 
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nói chung, sản phẩm du lịch nói riêng của TP Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy sản phẩm du lịch của Cần Thơ chưa được đầu tư theo chiều sâu để tạo ra sự mới lạ, độc đáo và hấp dẫn nên khả năng thu hút, lưu giữ du khách chưa cao. Vì vậy, Cần Thơ chủ yếu chỉ là điểm dừng chân và trung chuyển của du khách khi đến những điểm du lịch ở các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.
 
Thiếu chiến lược marketing - Ảnh 1.
Du khách rất thích thú khi tham quan chợ nổi Cái Răng
 
Cần Thơ dù là thành phố nhưng vẫn là địa phương sản xuất nông nghiệp. Vài năm nay, nhiều sản phẩm du lịch đã đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với điểm tham quan. Đây là các sản phẩm du lịch rất được du khách yêu thích. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đề xuất ngành du lịch TP quan tâm hơn đến các sản phẩm trải nghiệm từ nông nghiệp, trang trại.
 
Thạc sĩ Nguyễn Lê Hoa Tuyết, Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, đề nghị: "Cần Thơ nên đẩy mạnh khai thác du lịch ẩm thực. Nếu khai thác phù hợp, du lịch chuyên về ẩm thực sẽ là xu hướng mới, tạo được nét riêng cho Cần Thơ vì hằng năm, TP tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện ẩm thực với thương hiệu riêng".
 
Theo thạc sĩ Nguyễn Công Toàn, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, địa phương này có siêu thị, trung tâm mua sắm lớn nhưng không nằm trong tốp đầu của vùng ĐBSCL, còn ít so với Kiên Giang và Bạc Liêu. Ngoài ra, doanh thu từ cơ sở lưu trú và lữ hành của Cần Thơ vẫn đứng sau Kiên Giang.
 
"Doanh thu từ cơ sở lưu trú và lữ hành thể hiện việc du khách đến Cần Thơ có ở lại lâu hay không và ở lại thì họ xài tiền nhiều hay ít. Có những nghiên cứu cho thấy Cần Thơ có lượt du khách đi về trong ngày rất lớn, khoảng hơn 40%. Nếu du khách không ở lại thì khả năng họ chi tiêu để tăng nguồn thu là thấp. Khi du khách ở qua đêm, muốn tăng nguồn thu thì cũng phải có những cơ sở, sản phẩm phục vụ họ" - ông Toàn phân tích.
 
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng du lịch TP phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế bởi địa phương đang thiếu một chiến lược marketing để tạo ấn tượng và níu chân du khách. Chiến lược này không thể thiếu đối tác là cư dân bản địa. Thái Lan đã làm tốt chiến lược marketing địa phương, họ xây dựng mỗi người dân là một người tiếp thị du lịch thông qua sự niềm nở, nụ cười thân thiện hân hoan đón khách, vì vậy du khách đến đây tăng cao so với nhiều nước.
 
"Người dân Tây Đô có nhiều giá trị chân - thiện - mỹ, chúng ta có thể làm tốt hơn Thái Lan nếu có những chương trình marketing phù hợp đến từng người dân về phát triển du lịch. Khi người dân cảm nhận được giá trị nếu du lịch phát triển thì họ sẽ chung tay cùng địa phương" - ông Nghi nhận xét.

Bài viết mới nhất của Du Lịch