Hoa hậu H'hen Niê thả dáng trong phần thi bikini tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017.
Thông tin cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ lấy ý kiến về việc bỏ phần thi bikini ở các cuộc thi nhan sắc Việt đang tranh cãi. Theo H’hen Niê, chúng ta có nên bỏ phần thi này?
Hen nghĩ rằng, việc bỏ hay không bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam không phản ánh điều gì cụ thể cả. Vì, tùy vào quan điểm và góc nhìn của mỗi người sẽ thấy, phần thi bikini có ý nghĩa như thế nào.
Với Hen, là phụ nữ, bạn hoàn toàn có quyền được diện những bộ bikini, đây là một trong những động lực để các cô gái cố gắng rèn luyện cho mình một cơ thể săn chắc, hoàn hảo, khiến các bạn trở nên tự tin hơn. Đó cũng là một điều tốt đấy chứ.
Có quan điểm cho rằng, phần thi bikini khiến phụ nữ trông như một “món hàng”, nó khiến phụ nữ bị rẻ rúng, H’hen nghĩ sao?
Nếu như việc trình diễn bikini trên sân khấu khiến cho phụ nữ trông như một “món hàng” thì có lẽ phần thi này đã không thể tồn tại suốt mấy chục năm qua tại các cuộc thi sắc đẹp rồi, chứ không đợi đến bây giờ mọi người mới lên tiếng phản đối. Đặc biệt, bản thân phụ nữ khi là những thí sinh, họ cũng phần nào ý thức được việc trình diễn đó tích cực hay tiêu cực. Nếu tiêu cực thì chắc hẳn chẳng thí sinh nào dám bước lên sâu khấu và trình diễn nữa.
Thay vì cho rằng trình diễn bikini là phô bày hình thể tiêu cực, tại sao không nghĩ đó là động lực để các cô gái cố gắng cho mình đẹp hơn? Là phụ nữ, ai cũng muốn mình đẹp và được mọi người công nhận vẻ đẹp. Không có người phụ nữ nào muốn mình bị người khác chê xấu cả. Phần thi trình diễn bikini tại các cuộc thi sắc đẹp ngoài việc thí sinh khoe được vóc dáng, còn là cơ hội để họ biết cơ thể mình có khỏe đẹp hay không. Ý thức bảo vệ sức khỏe là rất quan trọng, bởi nhiều cô gái quên mất việc chăm lo cho sức khỏe của mình.
Hen nghĩ, việc thí sinh cuộc thi sắc đẹp trình diễn bikini cũng tạo động lực cho nhiều cô gái trẻ khác có tinh thần rèn luyện thể dục thể thao nhiều hơn. Như Hen chẳng hạn, mục tiêu giành giải Người đẹp biển chính là động lực lớn để Hen rèn luyện và ý thức về hình thể của mình và sắp tới đây là Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, Hen càng ý thức hơn về một cơ thể khỏe mạnh cũng như có một chế độ luyện tập, dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Một cơ thể khỏe đẹp giúp các cô gái tự tin hơn và cũng là minh chứng cho một cuộc sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, trình diễn bikini cũng góp phần tăng sự sự tin và kiêu hãnh cho các cô gái. Ví dụ như tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2016, Hoa hậu Canada Siera Bearchell dù có ngoại hình to béo nhưng vẫn đầy tự tin sải bước khoe vóc dáng và vào được Top 9 cuộc thi năm đó.
Hoa hậu H'hen Niê đăng quang hoa hậu trong sự ủng hộ của nhiều người.
H’hen có nghĩ, thí sinh Việt sẽ mất đi lợi thế tại các sân chơi quốc tế khi không được trải nghiệm với phần thi bikini ở “sân nhà”?
Việc này còn tùy vào cuộc thi quốc tế mà thí sinh đó tham gia. Mỗi cuộc thi có một tiêu chí riêng như Hoa hậu Thế giới đề cao vẻ đẹp nhân ái; Hoa hậu Hoàn vũ chú trọng vẻ đẹp hình thể, sự tự tin và truyền cảm hứng cộng đồng; Hoa hậu Quốc tế thì thiên về hoạt động xã hội của phụ nữ…
Đặc biệt, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ yếu tố hình thể và trình diễn bikini được đặt lên hàng đầu. Trước khi chính thức bước vào cuộc thi, khán giả trên toàn thế giới luôn “lùng sục” phần thi trình diễn bikini của các ứng viên tại cuộc thi quê nhà, so sánh và đánh giá kỹ năng của các cô gái. Họ bàn luận sôi nổi cô gái nào tự tin nhất, có vóc dáng đẹp nhất. Điều này góp phần tăng tính cạnh tranh và sôi nổi hơn cho cuộc thi.
Nếu không có phần thi trình diễn bikini, sẽ rất khó để khán giả quốc tế có thể hiểu hơn về đại diện Việt Nam. Chẳng hạn, Hen thắng giải thưởng Người đẹp biển tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và khán giả quốc tế cũng biết đến Hen là một cô gái có vóc dáng khỏe khoắn, gợi cảm.
Trên thế giới đã có những cuộc thi nhan sắc không có phần trình diễn bikini như Hoa hậu thế giới và mới đây là Hoa hậu Mỹ (Miss America)). Vậy tại sao chúng ta không nên học theo?
Chúng ta cần hiểu rõ, tại sao Miss World và Miss America lại bỏ phần thi trình diễn bikini. Hoa hậu Thế giới 2013 tổ chức tại Indonesia – quốc gia với phần lớn dân số theo đạo Hồi. Vì vậy, ban tổ chức đã thay phần thi bikini bằng phần thi trình diễn với saron – một loại trang phục truyền thống ở đất nước này. Đến năm 2015, ban tổ chức chính thức thông báo bỏ phần thi bikini để nhấn mạnh vào tiêu chí của cuộc thi: Sắc đẹp của lòng nhân ái. Điều này thể hiện rõ qua việc chọn người chiến thắng, những hoạt động sau đăng quang của tân Hoa hậu... Do đó, việc bỏ phần thi bikini ở Hoa hậu Thế giới là phù hợp.
Còn Miss America, đây vốn là cuộc thi không chọn người đi thi quốc tế. Tân Hoa hậu sẽ tham gia các hoạt động về quyền phụ nữ, diễn thuyết tại các trường đại học, tư vấn cho nữ sinh về các kỹ năng sống... Chính vì vậy, ban tổ chức quyết định từ năm 2019 sẽ bỏ phần thi này. Dù vậy, quyết định này cũng gây ra không ít tranh cãi tại Mỹ và nhiều người cũng đã lên tiếng cho rằng, bỏ phần thi bikini là không cần thiết, gây nhàm chán...
Tóm lại H’hen nghĩ rằng, mỗi quốc gia, mỗi cuộc thi sẽ có một định hướng, tiêu chí riêng và chúng ta không cần thiết phải giống như họ