Đáng ngờ kết quả bình chọn
Điều khiến khán giả bức xúc nhất chính là kết quả bình chọn qua mạng. Không ai biết con số chính xác thế nào, chỉ biết ngày công bố kết quả bình chọn của công chúng giống như đợi chờ một cơ hội trời ban. Ai may mắn thì số cao và ai kém may thì phải ra về.
Nhưng công chúng vẫn không dễ dàng bỏ qua vì "con số thực chỉ có ban tổ chức biết và ban tổ chức lại quá nhiều quyền để đưa ra con số ảo đủ cứu thí sinh mà họ được gởi gắm". Suy luận này không hẳn vô lý vì có những thí sinh kém tài hơn nhưng số phiếu bình chọn của khán giả cao hơn.
Chuyện này đáng lẽ cũng không có gì đáng nói nếu con số bình chọn ấy không thay đổi quá bất ngờ - tức ngày hôm trước vẫn thấp lè tè nhưng ngày hôm sau (tức ngày công bố) bất ngờ vươn lên cao nhất, thậm chí gấp nhiều lần thí sinh xứng đáng vào vòng trong.
Cô bé Khánh Huyền cùng với huấn luyện viên của mình có lẽ uất nghẹn vì tình huống như thế. Đó là chưa có những trường hợp bản thân huấn luyện viên nhận được lời nhắn gởi của nhà sản xuất ngay từ đầu vì "người nhà của quan lớn", "bà con của nhà tài trợ"….
Đức Phúc làm giám khỏa trong một chương trình truyền hình
Với nhà sản xuất, ván cờ của họ cần được diễn ra theo đúng tiến trình dự liệu. Thế nên, bất cứ ai cản đường cũng đều khó chấp nhận. Và đó cũng là lý do những người trẻ được chọn vào vai trò giám khảo dù thực lực chưa thật thuyết phục, gây tranh cãi.
Tại cuộc thi Ngôi sao Việt, khán giả nghi ngờ ban tổ chức "có sự ưu ái cho thí sinh Thanh Tùng" khi anh đột ngột vượt lên và giành chiến thắng trước một Hoàng Sơn ổn định phong độ suốt cuộc thi bằng một ca khúc "đo ni đóng giày" và rất quen thuộc với số đông khán giả là "Right here waiting for you".
Chưa kể ở các chương trình hiện nay, slogan "từ zero thành ngôi sao" đã không còn hợp thời khi tất cả những người đi thi đều đã là những gương mặt quá quen thuộc. Thậm chí, thời gian gần đây, các sân chơi tìm kiếm tài năng âm nhạc đã trở thành sân chơi của cả những giọng ca đã ít nhiều có thành tựu. Công chúng cứ mãi đặt câu hỏi "Sao nhà sản xuất lại sản xuất những chương trình ngày càng nhàm chán bởi thí sinh thì quá cũ?".
Điều đáng nói chính là ở những sân chơi này, tất cả thí sinh đã có kinh nghiệm biểu diễn và họ cũng đã oanh tạc trên thị trường âm nhạc nhiều năm nay nhưng không thể nổi tiếng được vì những hạn chế của bản thân. Thế nhưng, tất cả được lý giải "chưa gặp thời, kém may mắn" nên lại tìm đến các cuộc thi để tìm kiếm may mắn cho mình.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn bảo: "Ở thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, sự thành công đến từ nhiều yếu tố chứ không chỉ là giọng ca. Đó còn là sự sáng tạo, tìm ra con đường riêng của chính mình. Không phải tự nhiên mà trong hàng ngàn người theo nghề ca sĩ hiện nay, chỉ có vài người trở thành ngôi sao".
Giám khảo: Ngoan là chính
Những ngày qua, khi The debut ra mắt, khá giả cười ra nước mắt với bình luận ở cương vị huấn luyện viên của giám khảo Đức Phúc. Sự ngây ngô, vô vị làm nên một Đức Phúc khá hài hước trong vài chương trình hài nhạt nhẽo gần đây. Nhưng ở vị trí giám khảo một cuộc thi tìm kiếm tài năng, Đức Phúc khiến người xem thấy phiền vì thiếu chuyên môn và... vô duyên.
Nhạc sĩ Tiến Luân bảo: "Từ nhiều năm nay, khi xem các chương trình truyền hình thực tế, tôi không còn xem thí sinh hát gì mà xem ban giám khảo thế nào. Nhưng 2,3 năm gần đây, tôi cũng chán luôn cả giám khảo vì quay đi quẩn lại cũng bấy nhiều. Nhiều người thì nói linh tinh vì chuyên môn còn không bằng thí sinh. Nói chung là chán!".
Ý kiến của ông không hẳn vô lý vì với những gì đang diễn ra trên sóng truyền hình, khán giả có cảm giác làm giám khảo đang là một nghề thời thượng đến mức chỉ cần xây dựng thành danh ca sĩ để đi làm giám khảo. Chưa hết, nhiều giọng ca chưa thật thuyết phục nhưng vì sở hữu 1 hoặc 2 ca khúc hit thì cũng nghiễm nhiên ngồi vào ghế giám khảo.
Với những vị giám khảo trẻ, sự hiền lành cũng nhiều hơn và tất nhiên cũng ít đòi hỏi hơn
Thật ra, mọi thứ đều nằm trong ý đồ của nhà sản xuất. Ai chẳng muốn một ngôi sao hàng đầu ngồi ghế giám khảo để tăng phần uy tín và sức hút cho chương trình. Nhưng, ngoài việc cát-xê nằm ở mức khó tưởng tượng được thì việc "điều khiển" những vị giám khảo này chẳng phải chuyện dễ dàng. Trong khi, với những vị giám khảo trẻ hơn, sự hiền lành cũng nhiều hơn và tất nhiên cũng ít đòi hỏi hơn.
Khi chương trình là bài toán của nhà sản xuất đề ra và mọi thứ diễn ra theo lời giải của nhà sản xuất, yếu tố bất ngờ tạo nên sự cuốn hút cho chương trình hẳn nhiên giảm đi. Đã không ít khán giả tỏ ra thất vọng và cả sụp đổ vì niềm tin của họ bị đánh cắp, điều đó dễ hiểu.
Không xì-căng-đan bất thành truyền hình thực tế bởi ở nhiều chương trình, khán giả không thèm xem nhưng hễ nghe rục rịch có xì-căng-đan là chú ý. Chính điều đó đã tạo nên cái "lẩu thập cẩm" nhàm chán của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.