Nghịch lý gameshow giải trí: Đa số đều lỗ nặng

Thứ ba, 26 Tháng 6 2018 08:25 (GMT+7)
Dù có Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng nhưng chương trình gameshow "Giọng ca bất bại" vẫn sẽ lỗ khoảng 6 tỉ đồng.

Nghịch lý gameshow giải trí: Đa số đều lỗ nặng - Ảnh 1.

Mỹ Tâm và ông Bửu Điền-nhà sản xuất chương trình "Giọng ca bất bại"

Theo ông Bửu Điền (Chủ tịch Công ty truyền thông giải trí Điền Quân) tiết lộ gameshow "Giọng ca bất bại" với hai giọng ca đình đám Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng tham gia trong vai trò giám khảo, với 13 tập phát sóng, sẽ phải chịu lỗ khoảng 6 tỉ đồng. Có nhiều lý do khiến cho gameshow này, dù được dự đoán rất hot nhưng lỗ vì không có nhà tài trợ và mức chi phí đầu tư khủng khiếp. Trung bình, chi phí đầu tư cho một tập phát sóng nằm ở mức từ 1,3 tỉ đồng. Và thực tế, đây là mức đầu tư tối thiểu hiện nay nếu nhà sản xuất muốn thu hút khán giả cho chương trình.

Điều này không phải quá lời vì ngay chính nhà sản xuất gameshow Vietnam’s Next Top Model, Công ty Multimedia, cũng thừa nhận một tập phát sóng của Vietnam’s Next Top Model "ngốn" hơn 1,3 tỉ đồng. "Chắc chắn với nhiều gameshow mang đậm tính giải trí, nằm trong top những chương trình có lượng rating (tỉ suất người xem) cao hiện nay, đều đối mặt với lỗ không nhiều thì ít"- đại diện một đơn vị sản xuất chương trình truyền hình khẳng định.

Nghịch lý gameshow giải trí: Đa số đều lỗ nặng - Ảnh 2.

Đại diện Vietnam's Next Top Model thừa nhận mỗi tập gameshow có mức chi phí đầu tư 1,3 tỉ đồng

Lý giải cho điều này, các đơn vị sản xuất phân tích: "Chương trình càng hoành tráng (âm thanh, ánh sáng cùng dàn giám khảo khủng) thì mức lỗ càng cao dù có nhà tài trợ đồng hành. Nếu những chương trình không có nhà tài trợ thì càng không cần bàn đến". Kết quả nghiên cứu hiệu suất quảng cáo trên truyền hình thời gian gần đây giảm đáng kể. Theo trang Recode, dự báo mới của Công ty Zenith (chuyên theo dõi hoạt động quảng cáo của Anh) cho rằng 40% chi phí quảng cáo trên toàn thế giới của năm 2018 sẽ dành cho các quảng cáo online và trên Facebook, Youtube... Năm ngoái, chi phí cho quảng cáo online đã lần đầu tiên vượt qua chi phí quảng cáo trên truyền hình. Kết quả này được thống kê từ quảng cáo truyền hình trên thế giới và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong khi đó, để thu hút sự chú ý của khán giả, các chương trình đang cạnh tranh nhau về chất lượng. Theo đó, thành viên ban giám khảo là một trong những yếu tố cố lõi. Giám khảo là ngôi sao đình đám thì chi phí sản xuất càng tăng. Chưa kể, để chương trình có thể đúng với format (bản quyền) chương trình gốc, nhà sản xuất Việt cũng phải đầu tư một khoản chi phí đáng kể vì có nhân viên kỹ thuật từ chương trình gốc cử sang giám sát để đảm bảo quy mô chương trình phiên bản nước ngoài không ảnh hưởng đến chương trình gốc.

Nghịch lý gameshow giải trí: Đa số đều lỗ nặng - Ảnh 3.

Trong khi đó, nguồn thu từ Youtube (nguồn thu chính của các chương trình hiện nay) lại không nhiều như mọi người tưởng. "Mức doanh thu từ Youtube chỉ bằng số lẻ của mức đầu tư", các nhà sản xuất chương trình thừa nhận.

Lý do khiến cho các nhà sản xuất vẫn phải "đu" theo những chương trình giải trí đòi hỏi độ đầu tư cao nhưng không có doanh thu? "Mỗi nhà sản xuất phải định vị vị thế của mình trong lĩnh vực mà họ đang kinh doanh. Trong 12 chương trình mà chúng tôi đang sản xuất thì khoảng 4-5 chương trình chúng tôi chấp nhận lỗ để xây dựng thương hiệu cho công ty", ông Bửu Điền thừa nhận.

Dù không thẳng thắn thừa nhận như Công ty Điền Quân nhưng nhìn hành trình hoạt động của nhiều công ty sản xuất gameshow hiện nay, không khó để nhận ra các chương trình đang bị cắt giảm kinh phí sản xuất đến mức thấp nhất để tiết kiệm. Ví dụ như nhiều năm nay, The voice- Giọng hát Việt đều không còn truyền hình trực tiếp vì chi phí để truyền hình trực tiếp không hề nhỏ. Chưa kể, nhiều khoản phí khác cũng bị cắt giảm, chủ yếu là chi phí đầu tư dành riêng cho các đội thi. Điều này thực tế không ảnh hưởng nhiều đến chương trình vì thường các giám khảo phải chịu đầu tư nếu muốn hình ảnh của đội họ không bị tệ so với những đội khác.

Nghịch lý gameshow giải trí: Đa số đều lỗ nặng - Ảnh 4.

Nhiều nhà sản xuất cũng không còn mặn mà với gameshow vì doanh thu kém

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất lâu nay gắn liền với các gameshow hoành tráng như Đông Tây dường như không còn mặn mà. Thay vào đó là những chương trình tâm sự chuyện gia đình, hài... ít chi phí đầu tư. 

Điều này cũng lý giải nhiều chương trình đã chọn giải pháp mời giám khảo là các ngôi sao trẻ, vừa tiết kiệm chi phí vừa giúp cho chương trình dễ vận hành theo ý muốn của nhà sản xuất.

Nguồn: Thùy Trang - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí