Thông tin Rowan Atkinson thiệt mạng do bị tai nạn giao thông lan truyền mạnh mẽ trên Facebook và Twitter từ ngày 18-7. Trong lúc người hâm mộ xôn xao không biết đây có phải sự thật hay không thì nhiều báo giải trí phương Tây lên tiếng bác bỏ, khẳng định đó chỉ là tin giải.
Các báo này khuyên công chúng đừng click vào các đường link thông tin bịa đặt này vì dễ khiến máy tính nhiễm vi-rút và thậm chí mất quyền kiểm soát.
Rowan Atkinson thường bị đồn chết
Đây không phải lần đầu Rowan Atkinson bị đồn chết. Năm 2017, một đường link dẫn nguồn từ Fox News khiến cộng đồng mạng dậy sóng khi công bố diễn viên này qua đời cũng vì tai nạn xe.
Thông tin lan tỏa và ảnh hưởng đến mức Fox News phải lên tiếng khẳng định bị giả mạo, họ không đưa tin cũng như video clip nào về chuyện này. Tờ Newcastle Chronical cũng nhanh chóng cảnh báo mọi người cẩn trọng trước những đường link thông tin giả mạo.
Những kẻ lừa đảo lợi dụng "Mr Bean" để phát tán vi-rút
Năm 2016, Rowan Atkinson cũng bị đồn chết với lý do tương tự. Đường link của thông tin này dẫn đến một trang web giả bị lỗi. Trang web lỗi đó nói rằng máy tính của người xem bị khóa và họ cần gọi đến một số điện thoại hỗ trợ. Nếu ai không thận trọng gọi cho số điện thoại đó, họ sẽ bị kẻ lừa đảo lấy thông tin thẻ tín dụng.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng cách gửi link tin sốc về ngôi sao để thu hút sự tò mò của công chúng nhằm mục đích phát tán vi-rút, đánh cắp thông tin hoặc cài đặt phần mềm độc hại.
Ngoài Rowan Atkinson, Thành Long cũng là ngôi sao thường xuyên bị đồn qua đời. Mỗi lần, ông lại phải lên tiếng đính chính, khẳng định mình còn sống khỏe.