Vì sao diễn viên "hét giá" thù lao?

Thứ năm, 02 Tháng 8 2018 08:29 (GMT+7)
Nhà sản xuất phim kêu ca diễn viên điện ảnh "hét giá" thù lao trên trời, còn diễn viên cho rằng họ phải được hưởng xứng đáng với công sức bỏ ra

Một số nhà sản xuất phim than rằng diễn viên thi nhau "hét giá" thù lao, khiến họ gặp khó khăn trong cân đối kinh phí sản xuất. Nam diễn viên hạng A hiện có mức thù lao tỉ đồng/vai chính, còn nữ diễn viên hạng A dao động từ 500 - 700 triệu đồng. Diễn viên trẻ có 1-2 phim thành công cũng lập tức thành sao với mức thù lao tăng gấp 7-8 lần so với vai diễn đầu tay.

Nhiễu loạn giá cả?

Hiện nay, những diễn viên nam và nữ được các nhà sản xuất đánh giá thuộc hàng sao có Trường Giang, Kiều Minh Tuấn, Thái Hòa, Hoài Linh, Dustin Nguyễn, Nhã Phương, Lan Ngọc, Việt Hương, Miu Lê, Diễm My 9X, Kaity Nguyễn. "Hầu như không có tiêu chí nào về mức thù lao của diễn viên hàng sao trong điện ảnh Việt cũng như diễn viên hạng B, C. Quản lý của họ tự định vị trí cho diễn viên của mình và ra giá như thế khi được mời. Diễn viên ngôi sao "hét giá" đã đành, các diễn viên trẻ tuổi nghề, chưa tạo dựng được vị trí cũng "hét giá" - nhiều nhà sản xuất ta thán. Không ít nhà sản xuất cho biết họ phải thay đổi kế hoạch sản xuất trước bão giá cát-sê này. "Phim chúng tôi dự trù kinh phí cho vai nữ chính khoảng 200 - 300 triệu đồng nhưng hễ cứ người có tên tuổi là đòi thù lao 500 - 700 triệu đồng. Trước đó, một số nam diễn viên trẻ, chưa phải hạng A cũng đưa ra mức giá vượt tầm chi trả, buộc chúng tôi phải đổi kế hoạch" - nhà sản xuất kiêm đạo diễn Vĩnh Thuyên tâm sự.

Vì sao diễn viên hét giá thù lao? - Ảnh 1.

Trường Giang có mức thù lao tăng vọt sau phim "Siêu sao siêu ngố" (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Một nhà sản xuất cho biết trước phim "Siêu sao siêu ngố", muốn mời Trường Giang phải chấp nhận mức thù lao thấp nhất là 500 triệu đồng còn sau phim này, mức thù lao tăng lên 1 tỉ đồng. Sau "Em chưa 18" lập kỷ lục doanh thu phòng chiếu, mức thù lao của Kiều Minh Tuấn đuổi kịp Trường Giang, còn thù lao của Kaity Nguyễn (vai nữ chính trong phim này) tăng lên gần 800 triệu đồng. "Mức giá diễn viên điện ảnh của Việt Nam hiện được áp theo cách tính phim trước thắng thì nghiễm nhiên phim tiếp theo giá phải lên" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho hay. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, đôi lúc mức thù lao leo thang này còn do tâm lý đua nhau khẳng định vị thế trong giới. Hậu quả là họ dễ mất đi vai diễn thật sự hay và cần thiết trong giai đoạn phát triển sự nghiệp của một diễn viên.

Thuận mua vừa bán

Trước những lời than phiền diễn viên điện ảnh thi nhau "hét giá" thù lao của giới sản xuất, nhiều diễn viên cho rằng hiện số tiền đầu tư cho phim tăng vọt. Số lượng phim Việt đạt doanh thu từ 80 tỉ đồng trở lên không còn hiếm, thậm chí phim doanh thu trên 100 tỉ đồng chiếm tới 10%, nhà sản xuất thu lợi gấp nhiều lần so với chi phí bỏ ra cho vai diễn của ngôi sao trong phim. Khi mặt bằng sản xuất phim tăng, diễn viên tự tăng thù lao cho mình theo đà chung cũng là điều dễ hiểu. Ở Hollywood hay những nước điện ảnh phát triển, sao hạng A ngoài thù lao còn nhận được phần lợi nhuận khi phim thắng doanh thu tùy thỏa thuận tỉ lệ ăn chia trước đó với nhà sản xuất. Nhưng ở Việt Nam, diễn viên chỉ nhận thù lao thỏa thuận một lần. Nếu muốn hưởng thêm phần lợi nhuận, họ phải trở thành nhà đầu tư, góp toàn bộ phần thù lao của mình vào nguồn vốn sản xuất. Nhà sản xuất sẽ quy tiền thù lao sang phần trăm đầu tư và chia sẻ lợi nhuận khi dự án gặt hái thành công. Thái Hòa là một trong những ngôi sao nhiều lần góp vốn theo cách này. Nhìn chung, mọi việc đều theo thỏa thuận giữa đôi bên trên tinh thần thuận mua vừa bán. "Nhà sản xuất luôn có quyền chủ động, họ có thể từ chối nếu thấy mức giá thù lao của diễn viên đưa ra không phù hợp và chọn người khác. Họ có nhiều lựa chọn bởi lượng diễn viên không thiếu, trong khi diễn viên chúng tôi không dễ dàng để đạt được vị trí ngôi sao, nên luôn mong muốn có mức thù lao tương xứng" - nữ diễn viên Cao Thái Hà bày tỏ. Theo biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn, diễn viên đưa ra mức giá mà nhà sản xuất thấy cao cũng có thể vì trước đó mức giá của họ quá thấp so với công sức mình bỏ ra, giờ mới trở lại đúng giá trị của họ. Cũng có thể đưa ra mức giá "chót vót" là cách họ từ chối khéo léo một vai diễn không hợp mà vẫn giữ hòa khí, không mất lòng nhà sản xuất.

Người trong giới cho rằng việc nhiễu loạn về giá thù lao của diễn viên điện ảnh phần nhiều do thị trường đang phát triển nên chưa có được sự ổn định. Mọi thứ thay đổi liên tục, phim thua và thắng cũng không theo tiêu chuẩn cụ thể nào. Có ngôi sao ăn khách cũng chưa chắc thắng lớn, ngược lại dù diễn viên mới nhưng câu chuyện hay, diễn xuất giỏi vẫn thu về doanh thu trăm tỉ đồng. Thị trường có cách riêng, điều tiết mọi thứ theo quy luật cung cầu, kể cả đào thải cũng theo quy luật đó. 

Trung Quốc khống chế thù lao siêu sao

Điện ảnh Trung Quốc cũng đang đối mặt với thù lao khủng của các siêu sao điện ảnh. Chính quyền nước này vừa ban hành thông cáo góp phần khống chế thù lao siêu sao, bảo đảm cân bằng chi phí sản xuất. Theo đó, nhà sản xuất có thể trả cho ngôi sao hạng A số tiền thù lao hơn 80 triệu nhân dân tệ/phim. Tuy nhiên, số tiền thù lao cho diễn viên không được vượt 40% tổng chi phí sản xuất của cả bộ phim. Nếu không đáp ứng quy định, họ sẽ phải bị đóng phạt. Đây là cách để nhà chức trách giảm thù lao của dàn sao cũng như tạo sự cân đối chi phí sản xuất.

Theo quy định này, những diễn viên ngôi sao nào "hét giá" quá cao, nhà sản xuất không thuê được, chẳng có dự án thì đến mức nào đó họ buộc phải tự hạ giá xuống, theo quy luật cung cầu.

 
Nguồn: Minh Khuê - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí