Đọc mấy dòng tâm sự của nghệ sĩ Lê Bình viết trên trang cá nhân: "Sáng nay, dậy sớm trong bệnh viện, mượn hình bác ba Đờn trong phim "Thế thái nhân tình" để cám ơn… cái tật nhạy cảm đến già cũng không bỏ được… Đọc những lời nhắn nhủ thăm hỏi động viên của anh chị em đồng nghiệp, khán giả thân quen và những người xa lạ chưa từng gặp mặt mà bỗng dưng muốn khóc. Nước mắt rơi không ngăn được….", bạn bè, đồng nghiệp, khán giả càng thương quý ông hơn. Nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ ông mẫn cảm đến thế, dễ xúc động, dễ khóc...
Bất hạnh từ tuổi thơ
Khi căn bệnh ung thư phổi buộc nghệ sĩ Lê Bình phải nhập viện điều trị, ông không muốn chia sẻ với ai, trừ người con trai út đang sống với ông tại một căn chung cư cũ giữa lòng thành phố. Ông không muốn mọi người thương hại, khiến mình bị tổn thương. "Vì đời tôi quá nhiều khổ ải, có chịu thêm chút nữa cũng chẳng sao" - ông tự an ủi mình.
Nghệ sĩ Lê Bình
Là người Đồng Tháp đúng chất. Xuất phát điểm của nghệ sĩ Lê Bình là một cậu bé thiếu tình thương cha mẹ từ năm 10 tuổi, sống với ông bà nội, do cha mẹ ly hôn nên ông không còn được hồn nhiên vui đùa như bao đứa trẻ khác. Năm 16 tuổi, ông đã trải qua nhiều công việc từ phụ bàn, thợ mộc, thợ hồ, bán báo đến đánh giày, sửa xe… để kiếm tiền phụ giúp ông bà. Lối sống kham khổ hình thành trong nghệ sĩ Lê Bình từ đó. Nghề cuối cùng nghệ sĩ Lê Bình chạm phải như một định mệnh để đưa ông đến với nghệ thuật, đó là thợ vẽ tranh cổ động, quảng cáo. Có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật phim ảnh và sân khấu, gặp nhiều nghệ sĩ mình kính nể, ông mon men đến với sân khấu.
Gửi gắm nhiều tâm sự
Tự nhận mình có năng khiếu bẩm sinh, ban đầu nghệ sĩ Lê Bình tham gia kịch quần chúng, sau đó dấn thân vào những vai khó trên sân khấu chuyên nghiệp. Ông tham gia các liên hoan sân khấu kịch nói quần chúng, trở thành gương mặt nổi bật của phong trào này. Những trang viết của ông cho sân khấu quần chúng là sự đúc kết từ quá trình khó nhọc vươn lên của người thanh niên từ đói nghèo. Các sáng tác của nghệ sĩ Lê Bình cho sân khấu đều đề cao những con người có nghị lực phi thường, vượt qua gian nan để nắm bắt hạnh phúc đời mình. "Tác phẩm của Lê Bình khuyên người ta sống tốt, thủy chung, nhân nghĩa, xua đi những bất công nên kết kịch bao giờ cũng ngập tràn nước mắt hạnh phúc" - tác giả Lê Duy Hạnh từng nhận xét về ông.
Từ sáng tác kịch bản cho sân khấu quần chúng, ông bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Vai diễn đầu tiên được giao là nhân vật ông lão bán vé số. Sau đó, như định mệnh sắp bày, cứ vai già, khổ hạnh thì đạo diễn đều mời nghệ sĩ Lê Bình. Hiếm hoi lắm mới có vai thầy giáo, kỹ sư nhưng đều là nhân vật khổ. Nhận vai diễn là ông nghiền ngẫm nghiên cứu, vì đi lên từ tay ngang nên cách diễn cũng là cách học. "Các vai diễn của Lê Bình trở nên sinh động, gần gũi hơn với công chúng là nhờ anh biết chiêm nghiệm cuộc sống. Nhìn các nghệ sĩ chuyên nghiệp thể hiện, sau đó tìm cho mình cách diễn dung dị, dễ chạm vào trái tim khán giả" - đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
Sau này, khi đến với những bộ phim ông được mời tham gia: "Mùa len trâu", "Đất phương Nam", "Cô gái xấu xí", "Thế thái nhân tình", "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa", "Vịt kêu đồng", "Vùng đất không yên tĩnh", "Dòng sông không quên", "Mỹ nhân sài thành", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"…., nghệ sĩ Lê Bình đã gửi gắm vào đó nhiều tâm sự của chính cuộc đời mình. Vì thế, thân phận vai diễn dễ dàng đi vào lòng người xem, để lại những cảm xúc khó quên.
Sống chân thành và tự trọng
Bạn bè, đồng nghiệp quý mến nghệ sĩ Lê Bình còn ở nhân cách sống rất chân thành và tự trọng. Ở đâu có những bất công trong việc chèn ép nghệ sĩ, tác giả, nhất là anh em hậu đài từ sân khấu đến điện ảnh, ông là người luôn lên tiếng bênh vực. Ngay cả khi có lời kêu gọi ông hoàn tất thủ tục để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, Lê Bình cũng không quan tâm. "Với tôi, huy chương hay danh hiệu không quan trọng bằng tình cảm khán giả. Tôi chỉ thấy hạnh phúc khi ra đường, bà con từ thành thị đến nông thôn đều gọi Lê Bình. Có người quên tên thì "á, cái chú này đóng toàn vai nghèo khổ nè". Vậy là đủ" - ông bộc bạch.
Nếu vai diễn nghèo khổ của nghệ sĩ Lê Bình lấy nước mắt biết bao khán giả thì cuộc đời riêng của ông ngang trái gấp nhiều lần những tập phim, vở kịch mà ông hóa thân. Ông chẳng muốn kể ra vì quá xót xa, buồn tủi.
Phận đời buồn khiến ông khó nở trọn nụ cười. Ẩn sâu trong đó là sự nghẹn ngào. Sau những ngày lao động nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Bình tìm bạn bè nhâm nhi vài ly rượu để "ngủ cho thật ngon, ngày mai cày tiếp".
Lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, ông đã từng cầu nguyện mỗi đêm khi biết mái ấm của mình sắp sa xuống vực. "Nhưng rồi cuộc đời tôi bị thử thách liên tục" - ông tâm sự trong nước mắt.
Khi khán giả phát hiện ông đang điều trị bệnh trong bệnh viện, họ chụp ảnh, đưa lên trang cá nhân, từ đó đồng nghiệp nhiều thế hệ biết được chia sẻ thông tin cho nhau, cùng nhau tìm cách giúp đỡ. Biết tin này ông giận lắm nhưng trước những lời động viên, chia sẻ bằng nhiều cách của mọi người, nỗi mặc cảm trong nghệ sĩ Lê Bình đã xua đi phần nào.
Khi biết bạn bè, đồng nghiệp vận động mọi người giúp đỡ mình điều trị bệnh, ông đã thẳng thừng từ chối. "Tuổi già trôi qua và bệnh tật ập đến là chuyện thường. Tôi còn chịu đựng được, còn có thể lo cho bản thân nên số tiền quyên góp hãy giúp diễn viên Mai Phương. Cô bé đáng thương, con gái mới 5 tuổi. Nhìn nụ cười tươi tắn của hai mẹ con, tôi như có ai cứa vào tim mình. Mai Phương đang chống chọi với bệnh nên cần sự giúp sức hơn" - ông nói.
Người nghệ sĩ luôn hết mình vì nghệ thuật, dành tình yêu cho vô số những vai diễn này nói phút giây hạnh phúc nhất của đời ông chính là khi sân khấu đóng màn, khép lại suất diễn trọn vẹn. "Tôi đau nhất là không còn được diễn, đi quay phim. Hồi đó, gặp NSND Lương Đống, bậc thầy về mỹ thuật sân khấu, chú nói: Nếu con chọn vai già làm sở trường thì sẽ làm việc không có tuổi hưu. Nhưng bây giờ chưa muốn nghỉ hưu lại vướng bệnh tật. Còn gì đau hơn!" - ông chia sẻ và cho biết tâm nguyện quay lại sàn diễn hoặc phim trường để được sống với niềm đam mê cho đến phút cuối cuộc đời.