Hình ảnh trong show hẹn hò Date & Kiss
Không chỉ gameshow "Date & Kiss" ("Hẹn hò và hôn") vừa ra mắt trên kênh YouTube khiến khán giả "khiếp sợ" vì phản giáo dục cùng với độ "lầy lội" của người chơi, mà còn có gameshow The Bachelor (tên phiên bản Việt: Anh chàng độc thân), phát sóng trên kênh truyền hình HTV7, cũng đang khiến khán giả truyền hình "té ngửa".
Là một trong những show hẹn hò ăn khách bậc nhất thế giới, The Bachelor đến từ Mỹ có doanh thu khủng khi đánh trúng tâm lý "sợ ế" của một nhóm đối tượng công chúng. The Bachelor được thực hiện với hình thức một chương trình truyền hình thực tế. Nhân vật trung tâm là một anh chàng độc thân hội tụ đủ những yếu tố cuốn hút sẽ hẹn hò và trải qua những thử thách cùng 25 cô gái để tìm ra người mà mình muốn gắn bó nhất. Mỗi tập đều có cô gái bị loại nếu không được nam chính trao hoa trong một nghi thức gọi là "buổi lễ hoa hồng". Dĩ nhiên các cô gái cũng có quyền rời khỏi chương trình bất kỳ lúc nào nếu muốn.
24 cô gái tranh giành chàng trai Việt kiều này thiếu người xem phát ngượng
The Bachelor đã có thâm niên hơn 22 mùa phát sóng ở Mỹ, từng là hiện tượng chưa từng có trên kênh truyền hình ABC. Chương trình này đến nay đã được mua bản quyền sản xuất tại hơn 30 quốc gia với hơn 125 mùa và 1.000 tập đã được phát sóng tại châu Âu, châu Úc và lan tỏa đến các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản với tỉ lệ người xem rất cao.
Nhưng, chính The Bachelor Mỹ từng bị chỉ trích nặng nề, hoãn sóng hoặc cấm sóng vì dính các bê bối tình dục động trời. Cụ thể, ở mùa thứ 16 của chương trình, hai thí sinh đã bị phát hiện quan hệ tình dục trên biển khi máy quay vô tình lia tới. Thí sinh nữ Courtney Robertson thừa nhận đã "yêu" Ben Flajnik ngoài bãi biển vì quên rằng mình tham gia một chương trình ghi hình.
Trong mùa thứ 14, một scandal khác gây chú ý không kém khi "nam chính" tố cáo thí sinh nữ được anh tỏ tình có quan hệ tình cảm lén lút với một thành viên nam trong ekip sản xuất. Anh tức giận vì cho rằng mình bị chương trình lừa dối. Sau sự vụ, cô gái đã bị buộc phải rời khỏi chương trình, còn nhà sản xuất nam bị sa thải.
Còn rất nhiều chương trình, tại sao nhà sản xuất phải đem chương trình đầy xì căng đan này về Việt Nam?
Ngay cả ở những chương trình The Bachelor phiên bản ăn theo cũng đầy xì-căng-đan. Mùa thứ 4 của Bachelor in Paradise (một phiên bản ăn theo của The Bachelor) đã bị ngừng phát sóng sau khi một thí sinh nữ tố nhân vật nam chính ép cô quan hệ tình dục ở bể bơi. Thí sinh của show ăn theo khác là The Bachelorette năm 2017, đâm đơn kiện nhà sản xuất quấy rối tình dục mình. Trước đó, mùa giải thứ 10, The Bachelorette cũng bị tẩy chay vì cảnh thí sinh nam liếm kem trên khe ngực của thí sinh nữ quá gợi dục.
Chiêu trò chính là đặc sản của mọi thể loại show truyền hình trong bài toán rating, lợi nhuận của chương trình. Song không phải vì thế mà nhà sản xuất hay đơn vị phát sóng lại có bất chấp ngó lơ chỉ vì lợi nhuận. Ngay khi về Việt Nam với tên gọi "Anh chàng độc thân", chương trình đã làm khán giả truyền hình xốn mắt khi 24 cô gái tranh giành một gã đàn ông bảnh bao bằng những cái liếc xéo, sự miệt thị người khác. Chướng mắt thật sự khi giá trị phụ nữ nói riêng và giá trị con người nói chung bị chà đạp không thương tiếc.
Dù xu hướng chương trình hẹn hò đang lên ngôi ở sóng truyền hình nhưng điều đó không có nghĩa mọi chương trình về yêu đường, tìm kiếm người yêu có thể đem về Việt Nam, bất luận nó có phù hợp hay không.
"Anh chàng độc thân" hay "Date & Kiss" khi xuất hiện ở Việt Nam được lý giải là nêu ra một quan điểm khác về tình yêu, quan điểm yêu đương hiện đại với tính chất thoáng hơn, cởi mở hơn. Nhưng với những gì đang diễn ra, công chúng chỉ thấy sự "dung tục", "rẻ rúng" và "phản cảm". Những cảnh hôn hít, sờ soạng hay những cảnh nói xấu hạ bệ nhau để lấy lòng một người đàn ông, đúng là khó có thể chấp nhận được, nhất là khi nó xuất hiện trên sóng truyền hình.
Nhà sản xuất cố đấm ăn xôi chỉ vì lợi nhuận?
Trên các diễn đàn, nhiều cư dân mạng tỏ ra bức xúc và cực lực phản đối các chương trình này. Như chia sẻ của bạn Diễm Phương: "Hay ho gì các chương trình toàn hình ảnh, âm thanh gợi dục. Chưa kể, phụ nữ cấu xé nhau để giành đàn ông. Văn hóa ở đâu cổ súy cho ứng xử kém cỏi như thế!".
Đó là chưa kể, không ít ý kiến bàn luận về giới tính của nhân vật được chọn trong chương trình. Công chúng cho rằng, người tham gia thì đang diễn sâu trên truyền hình nhằm tìm kiếm cơ hội nổi tiếng thay vì tìm bạn gái. Còn nhà sản xuất thì bất chấp để kiếm lợi nhuận.