Phim điện ảnh mới nhất khai thác tình yêu đồng tính là "Song lang", kể lại câu chuyện tình day dứt, tiếc nuối trên nền nghệ thuật cải lương. Gần đây, phim về tình yêu đồng tính hoặc có nhân vật đồng tính không ít và cũng tạo được cái nhìn thiện cảm như: "Lô tô", "Xóm trọ 3D", "Sài Gòn, anh yêu em", "Tao không xa mày", "Yêu", "Hot boy nổi loạn" 1 và 2, "Lạc giới", "Cầu vồng không sắc"...
"Thanh", không "tục"
Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng phim chủ đề đồng tính làm không khó nhưng cái khó là tạo ra sản phẩm "thanh" chứ không "tục". "Thanh" ở đây là một câu chuyện tình yêu đúng nghĩa, mô tả dưới cái nhìn bình thường như bao chuyện tình nam - nữ khác. "Thanh" là sự khách quan, không lạm dụng yếu tố gây sốc, thô tục, câu khách. Đây là điều mà những phim chủ đề đồng tính hoặc có nhân vật đồng tính gần đây làm được.
Những nỗi đau, dằn vặt về chuyện tình đồng tính trong phim "Lô tô", "Xóm trọ 3D"... được miêu tả vừa phải, không lạm dụng. Những yếu tố lãng mạn, tiếc nuối của 2 chuyện tình trong "Song lang", "Sài Gòn, anh yêu em" cũng được thể hiện dưới góc nhìn nghệ thuật. Thậm chí, ngay cả khi nói về cuộc sống của giới mại dâm nam, sự trần trụi về tình yêu và tình dục thì yếu tố nhân văn vẫn đủ sức giúp "Hot boy nổi loạn" tạo sự cảm thông ở người xem.
Thông qua tình yêu thương, sự đoàn kết của những người thuộc giới tính thứ ba trong đoàn lô tô (phim "Lô tô") hay một xóm trọ ồn ào nhưng nghĩa tình (phim "Xóm trọ 3D"), người đồng tính đẹp dần lên trong mắt khán giả Việt. Nó khác biệt hoàn toàn so với trước đây, thời các phim đồng tính chủ yếu khai thác góc độ tiêu cực nhằm chọc cười khán giả.
Những phim bóp méo hình ảnh người đồng giới, tạo cái nhìn phản cảm như "Cảm hứng hoàn hảo" hay "Nàng men chàng bóng". Ngay phim "Để Mai tính 2" cũng bị hơn 80.000 thành viên của mạng xã hội cộng đồng LGBT phản ứng gay gắt. Họ cho rằng việc đạo diễn Charlie Nguyễn lạm dụng mô tả người đồng tính như luôn bị ám ảnh tình dục có thể gây cười nhưng lại hằn sâu thêm kỳ thị của xã hội về người thuộc giới tính thứ ba.
Hiệu ứng tích cực
"Tôi nghĩ phim Việt không nên lấy LGBT để câu khách, chỉ đưa yếu tố đồng tính vào phim nếu câu chuyện thực sự cần, không phải để mua vui" - nhà sản xuất Marcus Mạnh Cường Vũ nhận định trong hội thảo "LGBT trong showbiz Việt: Trăn trở phía sau màn ảnh".
Đây là tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ tại TP HCM trực thuộc Tổng Lãnh sự quán Mỹ và Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT) thực hiện. Đồng tình với nhận định này, đạo diễn kiêm diễn viên Kim Khánh cho rằng bản chất tình yêu là đẹp, bất kể đó là đồng tính, dị tính hay lưỡng tính. Phim ca ngợi tình yêu là ca ngợi cái đẹp chứ không phải lấy cớ tạo chiêu trò.
Nam diễn viên Liên Bỉnh Phát vai Dũng Thiên Lôi và nam diễn viên Isaac vai kép chánh Linh Phụng trong phim “Song lang”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Sự thay đổi từ quan điểm nhà làm phim tạo nên sản phẩm nghiêm túc về đề tài người đồng tính góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội. Đây là hiệu quả từ những tác phẩm điện ảnh, phim tài liệu về giới tính thứ ba dưới góc nhìn tích cực mà khách mời trong hội thảo "LGBT trong showbiz Việt: Trăn trở phía sau màn ảnh" đề cập.
"Lô tô" là tác phẩm tác động mạnh mẽ nhất, giúp công chúng giảm bớt kỳ thị với những người mưu sinh bằng nghề này. "Sau phim "Lô tô", tôi thấy hiệu quả từ nỗ lực của mình. Khán giả giảm bớt cái nhìn khắc nghiệt hơn về nghề này. Tôi vui vì điều đó!" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thổ lộ. Trước đó, phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm tạo hiện tượng "cháy vé" rạp chiếu bởi cái nhìn nhân văn về số phận những người mưu sinh bằng con số qua lời ca tiếng hát.
Cảnh trong phim “Lô tô” có tác động tích cực đến cộng đồng LGBT sau khi ra mắt (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp).
Diễn viên Lâm Quốc Khải (nghệ danh Lộ Lộ) - trưởng đoàn lô tô Sài Gòn tân thời - khẳng định những phim tử tế về nghề trên cộng thêm cơ hội trải lòng trong chương trình truyền hình "Người bí ẩn" của họ giúp thay đổi cách nhìn của khán giả, cảm thông và ủng hộ nhiều cho đoàn. Đạo diễn kiêm diễn viên Kim Khánh, người luôn nhiệt huyết trong các hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT, tác giả phim tài liệu có tên "Hồn bướm", cho biết đây là phim đầu tiên về người chuyển giới ở TP HCM nói sâu vào đau khổ, trăn trở của các nhân vật, nỗi niềm của bậc cha mẹ khi có con chuyển giới. Nhiều khán giả không phải người trong giới sau khi xem phim chia sẻ xúc động và cảm thông hơn với cộng đồng LGBT. Chị thấy việc mình làm góp phần thay đổi cái nhìn của mọi người về LGBT và thấy hạnh phúc.
Nhà sản xuất âm nhạc - nhạc sĩ Lê Đức Hùng cho rằng dư luận và khán giả Việt dần cởi mở hơn với người thuộc giới tính thứ ba. Nhiều nghệ sĩ Việt công khai giới tính và được đón nhận, khác so với một số làng giải trí còn đối xử khắc nghiệt về vấn đề này như Hàn Quốc. Những tín hiệu trên là điều đáng mừng nhưng làm thế nào để giữ hiệu ứng tích cực trên màn ảnh, nhân rộng tác phẩm "thanh" hơn "tục", đòi hỏi phải có những nhà sản xuất, đạo diễn có tâm.