Vương miện Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) 2018 thuộc về nhan sắc Việt (Nguyễn Phương Khánh) được đánh giá là "chiến thắng lịch sử" của người đẹp Việt trên đấu trường thế giới khi cuộc thi Hoa hậu Trái đất nằm trong top 5 đấu trường sắc đẹp uy tín của thế giới. Dù vậy, điều này vẫn chưa đủ bảo chứng để thay đổi vị trí của nhan sắc Việt trên bản đồ sắc đẹp thế giới khi mà "lời ong tiếng ve" quanh kết quả vẫn còn.
Nghịch lý người khen, ta lại nghi ngờ
Dù người trong cuộc đã chính thức lên tiếng nhưng nghi án tân Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh "mua giải" vẫn còn dư âm ít nhiều trong cộng đồng mạng. Điều này khiến không ít người bức xức. Anh Đoàn Thành Dũng, một người làm việc lâu năm trong showbiz Việt, thốt lên: "Lạ thiệt, đạt danh hiệu cao nhất không tự hào thì thôi lại còn bới móc".
Tân Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương KhánhẢnh: Missosology
"Một chiến thắng bất ngờ và xứng đáng" là ý kiến chung của nhiều người nhưng cũng có ý kiến tin rằng "lời đồn tân Hoa hậu Trái đất mua giải với số tiền khá lớn" không hẳn hoang đường. Những năm gần đây, Miss Earth bị trang bình luận sắc đẹp toàn cầu GlobalBeauties đánh trượt khỏi top những cuộc thi uy tín nhất hành tinh. Ra đời từ năm 2001, với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhưng sau 17 năm, uy tín cuộc thi không tăng, trái lại còn giảm sút. Chất lượng thí sinh đi xuống và công tác tổ chức ngày càng bê bối là nguyên nhân. "Hoa hậu Trái đất trông như một cuộc thi cấp địa phương. Các thí sinh đi lại, diễu hành trên những phương tiện kém sang trọng, phòng khách sạn không đẳng cấp, các bữa tiệc của thí sinh thường được người hâm mộ bắt gặp trong tình trạng thiếu thốn. Những buổi tiệc chào đón thí sinh cũng sơ sài. Với một dịch vụ không bảo đảm yếu tố 5 sao thì không thể xếp cuộc thi đó vào vị trí đẳng cấp quốc tế" - nhiều ý kiến nhận định. Nhưng điều quan trọng nhất, ban tổ chức cuộc thi tận thu khi sắp xếp cho thí sinh làm quảng bá thương hiệu vô tội vạ. Những buổi trình diễn áo tắm diễn ra liên tục, từ các buổi tiệc, các phần thi trình diễn áo tắm của nhà tài trợ cho đến áo tắm của thí sinh tự chuẩn bị, thi áo tắm từng nhóm cho đến thi toàn bộ thí sinh,… không khác gì "dùng hình thể phụ nữ để gây chú ý". Điều này khiến cuộc thi đánh mất khán giả khi lượng tương tác trên mạng xã hội khá ít ỏi.
Ngoài ra, tính minh bạch của cuộc thi cũng là vấn đề đáng bàn. Mỗi nhà tài trợ sẽ tổ chức một cuộc thi riêng để PR và chọn ra cô gái họ thích nhất, trao hàng chục huy chương nhưng có thể những cô gái đó sẽ trắng tay trong đêm chung kết. Nhiều khán giả la ó vì tình trạng thiên vị cho Philippines (nước chủ nhà) khi trong vòng 4 năm trở lại đây đã có 3 người đẹp Philippines đăng quang ngôi vị cao nhất. Thậm chí, "ban tổ chức (BTC) còn bán cả vị trí giám khảo công khai. Tức ai muốn làm giám khảo chỉ cần đóng một khoản tiền nhất định. Điều này lý giải vì sao có đến 2 giám khảo Việt (không mấy nổi tiếng) nằm trong thành phần ban giám khảo cuộc thi" - cư dân mạng bình luận.
Sử dụng công nghệ tạo vote
Dù đến Ba Lan tham dự cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2017 trễ tới 10 ngày (không tham gia các hoạt động phụ) nhưng Á hậu Biển Khánh Phương đã thoát bàn thua trông thấy nhờ sự bình chọn của khán giả quê nhà. Với lượng vote (bầu chọn) áp đảo trên mạng xã hội, đại diện Việt Nam được đặc cách lọt vào thẳng top 25 chung cuộc. Tại cuộc thi Miss Grand International 2018 (Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2018), thí sinh Việt Nam Bùi Phương Nga (Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2018) đã có bứt phá ngoạn mục khi lọt vào top 10 nhờ lượng bình chọn cao nhất từ khán giả. Đây là lần thứ 2 đại diện Việt Nam lọt vào top 10 Hoa hậu Hòa bình Thế giới. Trước đó, năm 2017, á hậu Huyền My tham gia sân chơi sắc đẹp này cũng vào top 10. Nhưng chính cuộc chiến ngoạn mục này khiến cư dân mạng quốc tế tố người đẹp Việt vướng nghi vấn "hack vote" (bình chọn ảo) tại Miss Grand International với hơn 3,3 triệu lượt chia sẻ trên mạng xã hội.
Thành tích nổi bật khác của nhan sắc Việt ở đấu trường thế giới là Lan Khuê tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2015. Trong cuộc thi, BTC đã đưa ra thể lệ phần bình chọn cho thí sinh được yêu thích nhất sẽ giành một suất vào thẳng top 6 trả lời ứng xử. Dù không được gọi tên trong top 20 nhưng nhờ lượng bình chọn lớn nhất từ khán giả quê nhà qua hệ thống bình chọn của BTC nên Lan Khuê vào thẳng top 11 Hoa hậu Thế giới 2015. Phút cuối, BTC đột ngột thay đổi thể lệ nên Lan Khuê dừng lại ở top 11 thay vì top 6 như dự định ban đầu.
Không thể phủ nhận, người đẹp Việt ngày càng chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến của mình từ kỹ năng đến ngôn ngữ. Nhưng đến nay, các vị trí cao của người đẹp Việt tại những cuộc thi nhan sắc thế giới vẫn chưa phải là kết quả tự thân.
Kém duyên?
Không phải thuộc cường quốc sắc đẹp trên thế giới nhưng những năm gần đây, Việt Nam đều mang đến các cuộc thi quốc tế nhiều gương mặt ấn tượng. Chính những đánh giá, bình chọn trước đó của nhiều trang sắc đẹp uy tín đều có tên cô gái đến từ Việt Nam cho những ngôi vị cao nhất đã khiến khán giả mơ tưởng về một chiến thắng cao nhất. Những Lan Khuê, Huyền My, Phạm Hương,... đều được đánh giá cao nhưng đều lọt khỏi top. Nhiều ý kiến cho rằng nhan sắc Việt "kém duyên" với những thứ hạng cao chung cuộc hay bị đối xử bất công mà không nhìn nhận rằng thật ra, Việt Nam chưa có một chiến lược bài bản nào. Sau một cuộc thi lớn trong nước, các người đẹp lại được "bốc" đi thi ngay sau đó với tâm lý hên xui là chính. Thiếu chiến lược đường dài, có chiến thắng nào là thuyết phục và bền vững?