"Thiên đường" do Hạnh Nhân và Park Hee Jun đồng đạo diễn là phim hợp tác nước ngoài mới nhất được công bố của làng phim Việt. Trước "Thiên đường", nhiều phim khác cũng từng được tuyên bố là hợp tác nước ngoài, như: "Những cô gái và găng-tơ", "Lala: Hãy để em yêu anh", "Yêu em từ khi nào"... nhưng đa phần đều không thành công về doanh thu.
Thiếu sòng phẳng
Phim "Thiên đường" là dự án do Công ty IVonk Pictures của Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cion Pictures của Hàn Quốc sản xuất. Phim do Hạnh Nhân và Park Hee Jun đồng đạo diễn, quy tụ 2 diễn viên chính là Lý Nhã Kỳ và Han Jae Suk.
Nhà sản xuất chia sẻ phim có bối cảnh Đà Lạt, TP HCM... và ra mắt ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc. Nhiều người trong giới kỳ vọng phim này sẽ đúng nghĩa là dự án hợp tác 2 nước với công sức hai bên và tiếng nói ngang bằng nhau. Nó sẽ khác biệt so với các dự án phim điện ảnh được tuyên bố hợp tác nước ngoài nhưng thực tế nhà sản xuất Việt chỉ hùn ít vốn, gia công..., quyền lợi gói gọn thị trường nội địa. Việc đóng góp không cân bằng này còn dẫn đến tình trạng nhà sản xuất Việt thiếu khả năng can thiệp, chia quyền chủ động toàn dự án.
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho phim Việt tuyên bố hợp tác nước ngoài nở rộ thời gian qua nhưng vẫn trong tình trạng: thắng ít, thua nhiều. Diễn viên Trương Ngọc Ánh từng cho rằng phim hợp tác là cơ hội để nhà sản xuất Việt học hỏi cách làm chuyên nghiệp từ nước ngoài.
Tuy nhiên, để có được một phim hợp tác chất lượng không dễ dàng, cần nhiều yếu tố. Nói về kết quả không khả quan của "Những cô gái và găng-tơ" - sản phẩm hợp tác Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc), Trương Ngọc Ánh thẳng thắn nhận định do nhà sản xuất Bảo Sơn không có được sự chủ động trong dự án.
Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ và cách làm việc không hiểu nhau giữa hai bên dẫn đến kết quả đáng tiếc. Đồng quan điểm này, nhà sản xuất Lý Quốc Oai khẳng định: "Việc hợp tác nước ngoài đòi hỏi nhà sản xuất hai bên phải phù hợp, hiểu về văn hóa của nhau để có cái nhìn chung về kịch bản. Hai bên đầu tư phải có vị thế ngang tầm".
Hiện nay, vì nghĩ điện ảnh Việt non trẻ, thua kém nhiều nền điện ảnh trong khu vực và thế giới nên không ít nhà sản xuất Việt có tâm lý lệ thuộc khi làm việc cùng đối tác nước ngoài. Trong khi đó, đối tác nước ngoài khó hiểu trọn vẹn về văn hóa, con người bằng người bản xứ để truyền tải thông điệp tốt nhất đối với tác phẩm hợp tác. Các phim: "Những cô gái và găng-tơ", "Lala: Hãy để em yêu anh" vướng phải điều này. "Lala: Hãy để em yêu anh" quy tụ ca sĩ San E, Jung Chae Yeon cùng gương mặt trẻ Chi Pu nhưng thất bại với một kịch bản rời rạc, thoại mơ hồ, khó hiểu, bối cảnh ít ỏi. Đạo diễn người Hàn Quốc đã nỗ lực truyền tải thông điệp về tình yêu nhưng khiến khán giả khó cảm nhận, dẫn đến phim thất bại ở thị trường Việt.
Cảnh trong phim “Lala: Hãy để em yêu anh”, hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc không thành công. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Mấu chốt vẫn là kịch bản
Nhiều người trong giới cho rằng hợp tác nước ngoài còn là cơ hội để điện ảnh Việt thêm nguồn vốn đầu tư, cần thiết cho thị trường. Hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh của điện ảnh Việt, cơ hội để tiến hành các phim hợp tác nước ngoài rất nhiều, không còn khó tìm đối tác như trước.
Thị trường phim Việt vẫn còn nhiều dự án hợp tác được công bố như Ngô Thanh Vân hợp tác Hãng Evoke Entertainment Group sản xuất phim "Đặc vụ ngầm" (The Target). Phim "Mỹ nhân thần sách" là sản phẩm hợp tác Việt Nam - Thái Lan, do đạo diễn Nguyên Phương và Minh Beta thực hiện. "Việc hợp tác không khó nhưng điều quan trọng vẫn là kịch bản có đủ sức chinh phục thị trường cả hai bên hay không" - nhà sản xuất Quỳnh Chi nói.
Vấn đề mấu chốt về kịch bản được quan tâm hàng đầu và hẳn nhiên nó phải có sự can thiệp cân đối các bên. Về vấn đề chia lợi nhuận trong các phim hợp tác nước ngoài khi đến thị trường khác, không phải Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho rằng không đáng lo ngại bởi phim ra rạp được hay không còn có bên thứ ba là nhà phát hành.
Ở nước ngoài, hệ thống phát hành minh bạch với đối tác lẫn khán giả, báo cáo đâu ra đó, khó có thể gian lận hay "phù phép" khác đi. Rõ ràng, những cơ hội hợp tác rộng mở là điều tốt để điện ảnh Việt tránh rơi vào thế "gà què ăn quẩn cối xay", thoát dần khỏi thị trường nội địa. Tuy nhiên, sự thành công chỉ đến với những tác phẩm hợp tác đúng nghĩa, hai bên có cùng tiếng nói trong dự án, độ can thiệp vào kịch bản và được hưởng lợi nhuận như nhau khi phim chiếu ở thị trường khác.
Cần nhiều phim truyền hình hợp tác
Một số phim truyền hình hợp tác nước ngoài thành công đều là sản phẩm của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, như: "Tuổi thanh xuân" do Việt Nam hợp tác Hàn Quốc, đồng đạo diễn: Nguyễn Khải Anh - Myung Hyun Woo - Bùi Tiến Huy; "Khúc hát mặt trời" do Việt Nam hợp tác Nhật Bản, đạo diễn Vũ Trường Khoa... Số lượng các phim này không nhiều, còn cần nhiều hơn nữa mới có thể nghĩ đến chuyện xuất khẩu phim, thoát sân chơi nội địa.