Ca khúc "Người lạ ơi" gặt hái thành công vang dội, từ sự yêu thích của khán giả đến các giải thưởng được xét duyệt bằng yếu tố chuyên môn. Điều đó hoàn toàn xứng đáng bởi chất lượng của nó nhưng người đang được tôn vinh lại không phải tác giả của ca khúc.
Nghi vấn và nghi vấn...
Vào ngày 14-2-2018, chỉ sau 38 ngày kể từ khi ra mắt, ca khúc "Người lạ ơi" của nhà sản xuất âm nhạc Superbrothers (Châu Đăng Khoa và Nemo), Karik và Orange thể hiện, đã cán mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube. Đây là con số kỷ lục của nhạc Việt. Thực tế ngay từ khi ra mắt, MV "Người lạ ơi" đã nhanh chóng trở thành hiện tượng V-pop với lượng tương tác khủng trên mạng xã hội nhờ giai điệu bắt tai cùng lời ca bình dị quen thuộc nhưng rất ý nghĩa.
Thành công vang dội của "Người lạ ơi" khiến cho chủ nhân ca khúc tiếp tục cho ra mắt phiên bản thứ 2 mang tên "Tình nhân ơi". Giống như thành công của ca khúc trước, "Tình nhân ơi" cũng nhanh chóng trở thành bài hát ăn khách. Tuy nhiên, ít ngày sau khi ra mắt (25-12-2018), ca khúc "Tình nhân ơi" đã vướng phải nghi vấn đạo nhái ca khúc "Nước mắt" của nhóm nhạc V4Men. Vài ngày sau đó, Châu Đăng Khoa gây bất ngờ khi tự đăng tải lên trang cá nhân đoạn hội thoại được cho là của nam nhạc sĩ với ca sĩ Hàn Quốc Lee Jung Ho - cựu thành viên V4Men.
“Người lạ ơi” là một ca khúc ăn khách nên khiến công chúng hoang mang khi tác phẩm bị cho là đạo nhạc, “mượn” ý thơ
Châu Đăng Khoa giải thích rằng việc anh công khai cuộc nói chuyện này là cách tự minh oan cho bản thân. Đồng thời, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cũng đưa ra những bằng chứng để minh chứng cho việc mình không đạo nhạc. Theo Châu Đăng Khoa, ca khúc "Nước mắt" mang phong cách nhạc pop trong khi ca khúc "Tình nhân ơi" lại mang phong cách nhạc R&B, nên tempo (nhịp điệu) hoàn toàn khác nhau, vòng hòa thanh cũng không giống nhau ở điệp khúc, hay chỉ giống tối đa 5 nốt nhạc nhưng hoàn toàn không liên tục và liền mạch. Giải thích này của Châu Đăng Khoa tiếp tục tạo nên những ý kiến trái chiều từ phía khán - thính giả. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng chính Châu Đăng Khoa dùng chiêu "đạo nhái" để quảng bá cho sản phẩm mới của mình bởi trong thời buổi hiện tại, sự ồn ào từ dư luận chính là cách để sản phẩm được chú ý.
Ngay sau tin đồn Châu Đăng Khoa đạo nhạc chưa lắng, công chúng thực sự hoang mang khi chính tác giả tập thơ "Những nỗi buồn không tên" là Linh Linh và Lạc Hi đã lên tiếng việc Châu Đăng Khoa mượn ý thơ trong tập thơ của mình để sáng tác, không chỉ "Tình nhân ơi" mà cả "Người lạ ơi". Đáng nói ở đây là Châu Đăng Khoa chưa từng xin phép họ trước khi các ca khúc ra mắt.
Trước Châu Đăng Khoa, Lou Hoàng, Jaykii là những nghệ sĩ khiến công chúng V-pop xôn xao vì sở hữu sản phẩm âm nhạc vướng ồn ào đạo nhái. "Nào đâu phải anh" là MV đánh dấu sự trở lại của Jaykii trên thị trường V-pop thời điểm đầu năm. Bên cạnh những ý kiến tích cực đối với sự thay đổi ngoạn mục của Jaykii trong âm nhạc thì nhiều ý kiến khác cho rằng sự đổi mới của Jaykii bắt nguồn từ chính MV "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng M-TP cả về âm nhạc lẫn hình ảnh. Cụ thể, âm thanh bị đánh giá là mang nhiều nét tương đồng, từ bản phối đến cách mix giọng, cách phát triển điệp khúc hay cả phần rap và tạo hình nhân vật, sử dụng bối cảnh trong MV.
Trong khi đó, "Yêu em dại khờ", ca khúc đình đám không kém của Lou Hoàng, lại vướng nghi án đạo nhái ca khúc "Sweet dream" do ca sĩ Hàn Quốc Jang Na Ra trình bày. Ngay khi ra mắt sản phẩm âm nhạc đánh dấu sự khác lạ của Vũ Cát Tường trong sáng tác, cô cũng dính nghi án đạo ý tưởng của Taylor Swift khi thực hiện MV "Leader" của mình. Vũ Cát Tường lên tiếng biện minh nhưng cũng phải đối mặt với hai luồng dư luận trái chiều vì những gì cô lý giải chưa mấy thuyết phục.
Công chúng bức xúc
Trong khi việc đạo nhái, mượn ý tưởng vẫn chưa rõ trắng đen thì công chúng lại thêm một phen bức xúc vì vài ca khúc trong vòng nghi án vi phạm bản quyền liên tiếp được tôn vinh tại vài giải thưởng âm nhạc. Trong đó, ca khúc "Người lạ ơi" được tôn vinh tại giải thưởng âm nhạc Zing Music Awards với giải Bài hát của năm và Làn Sóng Xanh - Next Step với giải thưởng Bài hát hiện tượng. Bài hát ăn khách này cũng giúp Orange (giọng ca chính của "Người lạ ơi") mang về giải thưởng ở hạng mục Gương mặt mới xuất sắc nhất của Làn Sóng Xanh.
Giải thưởng âm nhạc Cống hiến cũng vừa gửi thư tham khảo ý kiến các nhà báo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật về các đề cử. Trong đó, hạng mục Music Video của năm và Bài hát của năm đều có tên "Người lạ ơi". Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến tham khảo nhưng cũng ít nhiều khiến cho báo chí băn khoăn. Vi phạm bản quyền là vấn nạn gần như không có hướng giải quyết ở thị trường nhạc Việt. Dù vậy, ở thời điểm còn khá nhạy cảm về vấn đề bản quyền, việc "né" tôn vinh những sản phẩm này là giải pháp an toàn. Bởi, như trường hợp ca khúc "Người lạ ơi", đại diện Người trẻ Việt (đơn vị giữ bản quyền tập thơ "Những nỗi buồn không tên", xuất bản năm 2016) có 2 bài thơ bị Châu Đăng Khoa dùng trong ca khúc "Người lạ ơi", "Tình nhân ơi" bày tỏ: "Rất bất ngờ và bức xúc vì ca khúc "Người lạ ơi" được vinh danh trong các giải thưởng âm nhạc khi ca khúc còn chưa giải quyết xong vấn đề vi phạm bản quyền".
Nhổ cỏ để đất cho hoa
Thực tế cho thấy thời gian vừa qua, thị trường nhạc Việt trở nên tươi sáng hơn khi hàng loạt ca khúc ra mắt đều trở thành hiện tượng. Không chỉ chinh phục khán giả, những sáng tác trẻ trung, đậm chất xu hướng này đều chinh phục được giới chuyên môn. Niềm vui chẳng tày gang, sau hiện tượng đáng mừng này là những ồn ào vay mượn ý tưởng, đạo nhái nổi lên. Điều đó khiến thị trường nhạc Việt có phần u ám.
Tất nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ, không đủ sức làm hoen ố sắc màu nhạc Việt. Bởi thực tế gần đây giới underground đang bùng nổ mạnh mẽ với những sáng tác đậm cá tính và những sáng tạo thực sự đang gây chú ý. Vậy nên, khán giả vẫn có niềm tin cỏ dại sẽ không còn đất sống để nhường chỗ cho hoa.