Phim Tết chia nhau "bánh" ngon

Thứ năm, 17 Tháng 1 2019 09:28 (GMT+7)
Đổi mới để tồn tại là điều cần thiết ở mùa phim Tết nói riêng và của cả nền điện ảnh nói chung

Khác với thông tin ban đầu, mùa phim Tết Kỷ Hợi phim Việt sẽ cạnh tranh khốc liệt với 5 phim ra rạp cùng thời điểm nhưng giờ chót đã có sự thay đổi, đến nay chỉ còn 3 phim cạnh tranh trực tiếp.

Không còn cạnh tranh căng thẳng

Thông tin mới nhất, số lượng phim Tết cạnh tranh trực diện, ra rạp đúng ngày 5-2 (mùng 1) chỉ còn: "Trạng Quỳnh" (đạo diễn: Đức Thịnh), "Cua lại vợ bầu" (đạo diễn: Nhất Trung), "Táo quậy" (đạo diễn: Toàn Joshua). Trong đó, theo nhà sản xuất Thanh Thúy, "Trạng Quỳnh" là phim hài mang màu sắc dân gian, phù hợp với không khí Tết. Nhà phát hành nhìn ra điều này và tư vấn để đưa phim ra rạp đúng dịp Tết.

Phim Tết chia nhau bánh ngon - Ảnh 1.

Tạo hình trong phim “Trạng Quỳnh”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Phim "Cua lại vợ bầu" có nội dung xoay quanh câu chuyện tình đẹp giữa 2 người ở tuổi thanh xuân và giai đoạn trưởng thành. Phim "Táo quậy" kể lại câu chuyện mang đậm chất huyền thoại về hành trình tháo sợi xích phép thuật đã kết dính ông Táo và chủ nhà tên Dương Minh. Phim vẫn giữ lại nét đặc trưng trong văn hóa dân gian của người Việt về hình tượng Táo quân. Ngoài dàn bao là những diễn viên gạo cội, các phim này cũng giao vị trí quan trọng cho các gương mặt trẻ như Quốc Anh, Hứa Minh Đạt... chứ không nhất thiết phải là Hoài Linh, Trường Giang như bao mùa phim Tết trước đó.

Hai phim ban đầu dự định ra rạp ngày đầu năm là "Vu quy đại náo" (đạo diễn: Lê Thiện Viễn) và "Cung tâm kế 3D" (đạo diễn: Vũ Xuân Trang) cuối cùng đã chọn lùi lại. "Cung tâm kế 3D" ra rạp mùng 8 Tết còn "Vu quy đại náo" lùi đến ngày 22-2. Chia sẻ về quyết định lùi một phim có màu sắc vui nhộn, khắc họa muôn kiểu đám cưới miền Tây, nhà sản xuất Lý Minh Thắng cho biết: "Chúng tôi có nhiều cuộc họp với phía nhà phát hành và họ đã tư vấn rất kỹ cho chúng tôi dựa trên số lượng phim nội, phim ngoại Tết này cùng các số liệu phát hành khác. Cuối cùng, chúng tôi quyết định dời lịch phát hành đến ngày 22-2. Thị trường phim Việt thay đổi rất nhanh, nếu không tỉnh táo, nghe đơn vị phát hành tư vấn mà cứ kiên quyết đưa phim ra rạp, rất dễ mất doanh thu".

Việc các phim chủ động lùi lịch, "miếng ngon" ngày Tết không bị tranh giành căng thẳng cũng là cơ hội để tất cả đều có lợi. Bởi nếu tập trung chỉ chiếu vào ngày đầu năm, lượng khán giả bị chia nhỏ, chưa kể còn cạnh tranh với phim nước ngoài vốn là đối thủ mạnh. Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, với thị trường phim Việt hiện nay, nếu tác phẩm có kịch bản tốt, dàn dựng chỉn chu cũng có thể đạt doanh thu cao bất kỳ lúc nào, không cần tập trung hết vào dịp Tết.

Khai thác giá trị truyền thống

Các phim vẫn tập trung vào thị hiếu lâu nay của khán giả Việt trong mùa Tết là vui cười nhưng tiếng cười được tiết chế, không lố, không nhảm, dần hướng đến những giá trị truyền thống...

Một câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu, tình bạn có thông điệp dễ hiểu để cả gia đình xem được là tối ưu. Tuy nhiên, mùa phim Tết Kỷ Hợi lại đậm màu sắc dân gian kết hợp các giá trị truyền thống khi đưa hình ảnh Trạng Quỳnh, Táo quân lên màn ảnh rộng. Nhiều người trong giới cho rằng đây là sự thay đổi tích cực vì nhà làm phim đã và đang hướng đến nét văn hóa nhiều hơn trong những tác phẩm điện ảnh mùa Tết. Đồng thời, họ cũng cố gắng chọn những điểm độc đáo ở từng thể loại đã chọn lựa để ít nhất mang đến cái mới, phục vụ tốt hơn cho khán giả.

Đổi mới để tồn tại là điều cần thiết ở mùa phim Tết nói riêng và của cả nền điện ảnh nói chung. "Mỗi mùa phim Tết với tôi đều là một trận chiến, cạnh tranh với phim nội và cạnh tranh với phim ngoại. Chất lượng là yếu tố quyết định, khán giả với thị hiếu ngày càng cao sẽ chỉ chọn thưởng thức tác phẩm họ hài lòng. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình, làm phim sau hay hơn phim trước chứ không áp lực doanh thu phải đạt cột mốc nào đó" - nhà sản xuất Thanh Thúy thổ lộ.

Nhà sản xuất Lý Minh Thắng nhận định nếu các năm trước phim Tết chỉ đơn thuần là làm phim chiếu dịp Tết thì gần đây đã bắt đầu có câu chuyện gắn liền với Tết hơn và chất văn hóa Việt cũng nồng đậm. Các nhà làm phim Tết không còn tư duy "ăn xổi" mà làm kỹ, tử tế hơn. Họ cũng nhận thức được thị hiếu khán giả đã tăng cao, phim làm không tử tế rất dễ bị thua lỗ, bất chấp có ngôi sao hay không. Điều này đã từng xảy ra ở mùa Tết Mậu Tuất và cũng là bài học kinh nghiệm cho phía sản xuất. Tập trung vào chủ đề hiện đại và chọn thể loại quen thuộc như rom-com (lãng mạn - hài hước), nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nhất Trung của phim "Cua lại vợ bầu" nỗ lực tạo gia vị mới cho người xem. Anh bày tỏ: "Tôi là người luôn có nhiều cảm hứng với các chủ đề về gia đình, tình thân. Tết là thời gian có ý nghĩa sâu sắc về sự sum họp của gia đình, về tình cảm của những người thân. Vậy nên, tôi nghĩ không có thời điểm nào thích hợp hơn là Tết để dự án điện ảnh ấp ủ cả năm của mình ra mắt".

Một mùa phim Tết đã có nhiều đổi mới về tư duy nhưng thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác. 

Cạnh tranh với nhiều phim ngoại

Mùa phim Tết Mậu Tuất, phim Việt không gặp phải đối thủ nào lớn. Đến mùa phim Kỷ Hợi, phim Tết Việt đối đầu trực tiếp với phim của Thành Long - "Đại chiến âm dương" và phim của Châu Tinh Trì - "Tân vua hài kịch". Cả 2 phim này đều ra mắt mùng 1, lâu nay phim Châu Tinh Trì luôn đại thắng các rạp Việt. Những ngày sau đó, các phim "Bí kíp luyện rồng: Vùng đất bí ẩn" và "The Lego Movie 2: The Second Part" lần lượt ra rạp. Phim được đầu tư lớn "Alita: Thiên thần chiến binh" của nhà sản xuất James Cameron sẽ ra rạp Việt đúng ngày 14-2 (mùng 10 Tết).

Nguồn: Minh Khuê - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí