Trong khuôn khổ Giải Cánh diều 2018, tọa đàm chủ đề "Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018", do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, vào sáng 9-4. Nhiều ý kiến thảo luận đã xoáy vào vấn đề điện ảnh Việt phát triển mạnh nhưng thiếu bền vững.
Khi sứ mệnh sản xuất phim giao về tư nhân
Con số 250 tỉ đồng tổng thu dịp Tết Kỷ Hợi đã mở màn cho nhiều phim sau đó cán mốc doanh thu 100 tỉ đồng rồi 200 tỉ đồng tiền vé. Phim "Hai Phượng" không chỉ chiếu ở Việt Nam mà còn vươn được đến thị trường Mỹ, Canada và Trung Quốc, tiên phong trong hoạt động xuất ngoại, tìm kiếm thêm doanh thu. Sự thành công lớn đó tạo phấn khởi cho nhiều nhà sản xuất, nâng cao số lượng lẫn chất lượng cho thị trường phim trong nước.
Phim “Song lang” góp tiếng nói bảo tồn nghệ thuật cải lương. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Năm 2016 có 35 phim, năm 2017, 2018 có 40 phim mỗi năm. Năm 2019, được biết khả năng lên đến con số 60 phim. Điện ảnh Việt chưa bao giờ có số lượng sản xuất nhiều và phát triển rộng khắp như vậy. Chúng ta không thể không thừa nhận sự nỗ lực từ phía các nhà sản xuất, cập nhật phương pháp sản xuất tiến bộ mang đến hiệu quả hình ảnh tốt. Thị hiếu khán giả nâng lên, các phim thảm họa không còn đất dụng võ..." - đạo diễn NSND Đào Bá Sơn nhận định.
Dẫu vậy, trong không khí phát triển sôi nổi ấy, theo nhiều nhà chuyên môn, một mặt trái đang lộ ra là từ lúc sứ mệnh sản xuất phim nằm trong tay các nhà sản xuất tư nhân thì điện ảnh Việt thiếu vắng phim đề tài lịch sử, phản ánh bức xúc xã hội, khắc họa rõ nét con người, văn hóa Việt. Phim theo hướng nghệ thuật nỗ lực thổi hồn dân tộc vào tác phẩm như "Song lang" ít. Các tác phẩm ngợi ca lòng dũng cảm, nuôi dưỡng tâm hồn, văn hóa Việt lại càng hiếm hoi. "Nhiều kịch bản quá yếu, đường dây cốt truyện đứt khúc, thiếu logic. Nhà sản xuất chỉ chú trọng gây hài, chiều theo thị hiểu khán giả, cười giải trí xong là hết chứ chưa tạo được tiếng cười trí tuệ, châm biếm để phê phán tiêu cực, thói hư tật xấu trong xã hội. Những gì đọng lại cho người xem về con người, văn hóa Việt Nam chưa có hoặc có mà rất mỏng. Văn hóa dân tộc, tâm hồn dân tộc ít được chú trọng" - PGS-TS Trần Luân Kim đánh giá.
Hầu hết người trong giới cho rằng tư nhân sản xuất điện ảnh chỉ nỗ lực chiều theo thị hiếu khán giả để thu hồi vốn, sinh lợi. Đấy là điều tất yếu và cũng không thể khiến họ khác đi được. Vì thế, nền điện ảnh Việt hiện nay chỉ xoay quanh thể loại, đề tài mang tính giải trí cao, phù hợp thị hiếu số đông. Nếu nhìn vào bề mặt số lượng phim, doanh thu tăng cao của thị trường phim Việt, nhiều người cho đó là sự phát triển. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy sự phát triển trên chỉ mang tính bề nổi, thiếu bền vững, cần có sự điều chỉnh.
Giải trí và nhân văn đang tách rời
Thực tế cho thấy những phim nghệ thuật, giàu tính nhân văn kiểu như "Song lang", "Cha cõng con", "Đảo của dân ngụ cư"..., lại thường thua lỗ hoặc chật vật hoàn vốn khi phát hành ra rạp. Phim nghệ thuật mà hoàn toàn không chú trọng yếu tố giải trí là rất khó được công chúng đón nhận. Trong lúc đó, những phim có chủ đề về nét đẹp văn hóa dân tộc, con người Việt Nam nhưng lồng ghép yếu tố giải trí thì vẫn có cơ hội được khán giả đón nhận như "Sài Gòn, anh yêu em", "Lô tô" hoặc "Cô Ba Sài Gòn"… Gần đây, một số nhà làm phim dồn sức để đầu tư cho tác phẩm khai thác giá trị văn hóa Việt nhưng số lượng không nhiều, chỉ là góp chút ít để thị trường phim đa dạng và nhân văn hơn.
"Sản xuất một phim rất tốn kém, chúng tôi phải nghĩ đến chuyện có thể thu hồi vốn chứ không thể bỏ tiền, công sức của cả tập thể để rồi mất trắng. Tôi có nghe anh em trong nghề tâm tư rằng họ sẽ làm 4 phim thương mại rồi mới làm 1 phim nghệ thuật để thỏa chí sáng tạo và mang dấu ấn của mình. Tôi cũng có suy nghĩ như thế" - nhà sản xuất Mai Thế Hiệp bộc bạch.
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long lo ngại những phim Việt hóa sẽ khiến nền điện ảnh Việt bị lai căng. Điều đó đang thể hiện trong cách làm, góc nhìn của nhiều nhà sản xuất, đạo diễn. Họ làm phim dưới góc nhìn văn hóa Hàn Quốc hơn là thuần Việt. Nỗi lo này sẽ khó lòng buông bỏ nếu cơ quan quản lý vẫn cứ đứng ngoài sự sôi động của điện ảnh đang diễn ra nhưng thiếu nét riêng, chất riêng của dân tộc Việt.
Lập quỹ hỗ trợ từ tiền vé, sao không làm?
"Một nền điện ảnh "khỏe mạnh" là một nền điện ảnh phát triển nhưng cân bằng giữa hai yếu tố thương mại và nghệ thuật. Hiện nay, nhà đầu tư chưa đủ niềm tin để góp vốn cho những dự án phim đề tài văn hóa lịch sử do rủi ro cao hoặc chưa thấy được tiềm năng của việc xuất khẩu văn hóa. Trong khi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan thu rất nhiều tiền từ việc bán các sản phẩm văn hóa, ẩm thực, du lịch được khéo léo cài cắm trong phim. Để làm được việc này không phải là câu chuyện của một cá nhân, một đơn vị mà là chiến lược quốc gia được hoạch định và thực hiện rất bài bản từ các nhà quản lý văn hóa đủ tài, tâm và tầm" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khẳng định.
Nhiều người trong giới rất mong quỹ hỗ trợ điện ảnh được thành lập vì đó là giải pháp tốt nhất để tăng số lượng phim tập trung xây dựng hình ảnh con người, tâm hồn Việt. Về vấn đề quỹ hỗ trợ điện ảnh, bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết cơ quan này từng ba lần làm đơn gửi Chính phủ nhưng vẫn chưa được duyệt. Về nguồn quỹ, phía cơ quan quản lý này dự trù trích 3% tiền bán vé của các cụm rạp. "Nhà nước đầu tư, tiếp sức cho văn hóa là vấn đề không mới, nhiều nước trên thế giới đều làm. Không có sự điều hành của nhà nước, văn hóa thông qua điện ảnh khó phát triển đúng định hướng. Việc tài trợ từ quỹ của nhà quản lý không có nghĩa là cần sự thu hồi lại vốn bỏ ra, nếu làm được chắc chắn sẽ chắp cánh khơi dậy dòng phim khắc họa nét đẹp tâm hồn Việt" - đạo diễn Lê Hồng Chương tin tưởng.