Dù sự ra đi của nghệ sĩ Lê Bình được báo trước, nhất là vào những ngày cuối cùng khi ông chìm vào cơn mê sảng như nhiều bệnh nhân ung thư khác nhưng nó không ngăn được nỗi xót xa của người thân, đồng nghiệp, khán giả yêu mến ông, người nghệ sĩ tài hoa nhưng có số phận đầy bất hạnh.
Chấp nhận số phận
"Tôi định làm việc gì đó cho quên bớt sự đau đớn này nhưng cơn đau lấn lướt đánh gục ý chí..." - nghệ sĩ Lê Bình nói điều ấy trong những đợt vô thuốc đầu tiên. Và ý chí của ông thực sự bị đánh gục bởi bệnh tật, những cơn đau tận xương tủy. Người đàn ông rất đỗi mạnh mẽ ấy đã giấu kín bệnh tật của mình cho đến khi không thể giấu được nữa.
Nghệ sĩ Lê Bình vẫn lạc quan tinh thần trong những ngày lâm bệnh nặngẢnh: THANH HIỆP
Khi bác sĩ báo kết quả khám bệnh, ông thường thắp nhang cầu nguyện trước bàn thờ tổ tiên. Như bao người, ông cũng mong cuộc đời có phép mầu để giúp ông đẩy lùi được bệnh tật. Nhưng nếu đã là số mệnh, ông sẽ chấp nhận nó mà chẳng oán than. Ông tâm sự: "Hy vọng, vẫn cứ hy vọng nhưng số phận con người do trời định". Ông chấp nhận số phận một cách mạnh mẽ và lạc quan như vậy.
Trong giới nghệ thuật, ai cũng cảm phục tài hoa của ông. Nhưng càng tài hoa trong nghệ thuật bao nhiêu, ông lại lận đận bấy nhiêu trong cuộc đời. Sinh ra và lớn lên trong phận nghèo côi cút, vất vả với đủ thứ nghề để nuôi thân trước khi trở thành nghệ sĩ. Là người "đầu bạc tiễn đầu xanh", không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua nỗi đau ấy, ông cũng vậy. Cùng lúc chứng kiến đứa con đầu ra đi lúc tuổi đời còn rất trẻ, rồi phải đoạn tuyệt với người vợ đã gắn bó với mình suốt 37 năm vì những điều khó nói ra là sự hụt hẫng về tinh thần trong chuỗi ngày dài đau đớn không lối thoát. Nỗi buồn này chưa lắng xuống thì ông phát hiện con trai thứ hai của mình nghiện ngập, sống như cái xác không hồn...
Bình thản ra đi
Có lẽ, ít ai có được sự bình thản như nghệ sĩ Lê Bình khi đối diện cái chết. Ông sắp xếp phần còn lại của cuộc đời mình một cách gọn ghẽ.
Ông bảo: "Thấy nằm không bị cơn đau hành hạ, tôi muốn ngồi dậy viết hết các kịch bản mình đã ấp ủ từ trước và trong thời gian bệnh...".
Nhưng những cơn đau luôn khiến tâm trí ông bị phân tán, ngồi viết không nổi. "Rong ruổi cùng Lê Bình", tên của cuốn tự truyện kể lại từ thời thiếu niên đến lúc ông lớn lên như thế nào, trở thành người nổi tiếng khó khăn ra sao. "Ít nhất tôi cũng muốn gửi lại cho các em nhỏ sau này có cái để đọc, từ đó có sự cố gắng làm việc, yêu nghề, đam mê nghề" - ông nói.
Không biết cuốn tự truyện ấy ông đã viết được đến đâu nhưng chắc chắn câu chuyện về cuốn tự truyện, sự nỗ lực trong đau đớn thể xác mà ông phải vượt qua những ngày cuối đời để hoàn thiện nó đã là bài học đầy giá trị, đáng trân quý cho nhiều thế hệ.
Từ tự truyện của mình, ông muốn gửi đi thông điệp: Cuộc sống đầy thách thức nhưng con người phải mạnh mẽ đương đầu và vượt qua. Chắc chắn, đây là điều ông có thể thực hiện được bởi ông chính là tấm gương để nhiều người soi vào, thấu cảm và nhận diện được cuộc đời mình.
Những ngày cuối đời, ông nhắn tin cho người vợ đã xa cách 4-5 năm trở về. "Chuyện quá khứ hãy xếp lại. Tôi không biết sống chết thế nào nhưng con trai tôi luôn cần cha và mẹ" - ông nói đó là tâm nguyện của mình.
Hóa thân vào hơn 200 nhân vật
Lê Bình được đánh giá là ngôi sao dù chưa bao giờ ông đóng vai chính. Vị trí của ông đi vào lòng người hâm mộ qua năng khiếu bẩm sinh và tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài. Khi nhận một vai diễn, cho dù là vai nhỏ chỉ có vài phân đoạn, ông vẫn nghiền ngẫm nghiên cứu, "thêm da thêm thịt" sao cho nhân vật của mình trở nên sinh động. Tinh thần này phát xuất từ công việc tác giả kịch bản, kiêm đạo diễn giỏi nghề của ông.
Những tác phẩm do ông sáng tác gồm "Thuyền tình" (Sân khấu Kịch IDECAF), "Sân ga tình người" (Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần)... được đánh giá cao về chuyên môn. Tính đến nay, ông đã hóa thân vào hơn 200 nhân vật. Trong đó, vai ông Ba Đờn trong "Thế thái nhân tình" là vai diễn xuất sắc của nghệ sĩ Lê Bình. Trải qua bao biến cố cuộc đời, Lê Bình ngộ ra rằng nghề diễn viên giống như anh xe ôm vậy. Miễn ai cần và kêu thì cứ tiếp tục chạy. Ông nói điều này với niềm hạnh phúc: "Người nghệ sĩ mà đến già vẫn còn có người nhớ đến thì còn gì vui sướng hơn!".
Vì nhiều biến cố cuộc đời, ông là một trong những nghệ sĩ nghèo, quay quắt với cơm áo gạo tiền. Nhưng ông cũng đủ hiệp nghĩa để tự bỏ tiền túi và vận động mọi người giúp đỡ cho người nghèo, nghệ sĩ nghèo có thêm niềm vui sống trong những dịp lễ, Tết. Ông bảo sống bằng cái tình mới vui. Ngay cả khi đang phải điều trị bệnh, cần sự giúp đỡ của khán giả, đồng nghiệp để lo tiền thuốc, ông vẫn dành một ít tiền nhờ người gửi cho nghệ sĩ Hoàng Lan cũng đang chống chọi với bệnh tật vì "chúng ta phải cùng nhau chiến đấu với bệnh tật".
Những ngày trong bệnh viện, không ít lần nước mắt ông rơi. Ông khóc vì những cơn đau, khóc vì tình cảm lớn từ khán giả, đồng nghiệp mà ông được nhận. Những ngày cuối đời, điều ông tiếc nuối nhất chính là hàm ơn khán giả, bạn bè đồng nghiệp mà không còn cơ hội để tri ân họ.
Vĩnh biệt ông!
Nghệ sĩ Lê Bình trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ 19 phút ngày 1-5 tại Bệnh viện Quân y 175 do bệnh ung thư phổi. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, ông đã giành được 3 HCV, 3 HCB tại các hội diễn sân khấu và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu: IDECAF, 5B, Phú Nhuận...
Ông được khán giả điện ảnh yêu thích qua nhiều bộ phim: "Dòng sông không quên", "Đất phương Nam", "Cô gái xấu xí", "Vịt kêu đồng", "Đam mê nghiệt ngã"... và 16 bộ phim cổ tích Việt Nam.
Sự ra đi của nghệ sĩ Lê Bình để lại khoảng trống lớn cho sân khấu và điện ảnh phía Nam. Những người làm nghề đều cảm thấy hụt hẫng bởi với họ, nghệ sĩ Lê Bình là một trong những người giữ "lửa" còn sót lại của nghệ thuật. Nói như lời NSND Kim Cương, những người đã sống trọn đạo nghĩa với nghệ thuật như anh ngày càng hiếm.
Tang lễ của nghệ sĩ Lê Bình được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 4-5, sau đó hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa. T.Hiệp