Tác phẩm "Thật tuyệt vời khi ở bên em" (đạo diễn: Luk Vân) từng được kỳ vọng giúp dòng phim ngôn tình lấy lại sức hút ở thị trường phim Việt nhưng thực tế ngược lại. Sau 10 ngày công chiếu, phim không tạo được độ viral (độ lan tỏa) và lặng lẽ rời khỏi các cụm rạp, chỉ còn vài suất chiếu rải rác. Đây là thực trạng mà những phim ngôn tình Việt gần đây gặp phải: "Ước hẹn mùa thu" (đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng); "Cà chớn - em yêu anh" (đạo diễn: Đỗ Cường); "Tháng 5 để dành" (đạo diễn: Lê Hà Nguyên).
Thiếu điểm nhấn và nhiều sạn
Thất bại doanh thu của nhiều bộ phim ngôn tình này cho thấy khán giả Việt không còn dễ dàng bị chinh phục chỉ bằng những câu chuyện tình cảm mô-típ quen thuộc, nhàn nhạt thiếu điểm nhấn và nhiều sạn. "Thật tuyệt vời khi ở bên em" là tác phẩm điện ảnh thứ hai của Luk Vân sau "4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu" từng thành công về doanh thu. Nội dung phim này nói về cuộc tình tay ba giữa Đình Bảo (Harry Lu đóng), Mi Minh (Oanh Kiều đóng), Khang (B Trần đóng). Đình Bảo là ngôi sao trong giới showbiz nhưng vì danh tiếng bản thân, chấp nhận dùng thủ đoạn che giấu chuyện có vợ là Mi Minh và cô con gái. Trước công chúng, Đình Bảo độc thân, thường vướng bê bối của các người đẹp khác trong giới. Một vụ tai nạn giao thông đột ngột xảy ra, Đình Bảo tỉnh lại mất trí nhớ nhưng sau đó vẫn nghe theo lời của "ông bầu" đầy thủ đoạn tên Ân sắp xếp các xì-căng-đan khác để lấy lại danh tiếng. Phim xoay chuyển với sự đan xen giữa hiện tại và ký ức thanh xuân, thời các nhân vật còn cắp sách đến trường. Tuy nhiên, thay vì theo hướng ngôn tình nhẹ nhàng, phim ôm đồm nhiều nội dung, lật tình huống dẫn đến tình tiết phi lý, thiếu thuyết phục. Những thủ đoạn trong giới showbiz cũng chỉ mang tính hình thức, cũ kỹ, chưa đi sâu tình tiết đủ thỏa mãn sự tò mò của khán giả.
Cảnh trong phim “Thật tuyệt vời khi ở bên em”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phim "Tháng 5 để dành" hình ảnh đẹp, diễn viên trẻ trung, kịch bản khá ổn nhưng vẫn không sức hút. Nguyên nhân được nhiều người trong giới nhận định thiếu chiều sâu, kể câu chuyện thanh xuân dễ thương nhưng đơn điệu.
Trong khi đó, phim "Ước hẹn mùa thu" nói về Duy - học sinh trung học - bị tai nạn hôn mê, 15 năm sau tỉnh lại đã 32 tuổi. Mọi thứ xung quanh thay đổi, Duy từng bước làm quen và muốn tìm lại Pha Lê, mối tình đầu của mình. Đáng tiếc, Pha Lê đã có chồng sắp cưới lịch lãm, giàu có. Phim có ý tưởng hay nhưng cũng nhiều sạn làm giảm cảm xúc của khán giả kết hợp với diễn xuất chưa chín muồi của cặp đôi chính.
Phim "Cà chớn - em yêu anh" có câu chuyện chắp vá không hợp lý, nữ chính diễn xuất khiên cưỡng. Dù trong dịp hè này, phim Việt ra rạp ít nhưng khán giả không thể bằng lòng chấp nhận xem những câu chuyện yêu đương nhàn nhạt, kịch bản đầy sạn, chắp vá cùng diễn xuất trung bình của diễn viên.
Chưa chạm cảm xúc khán giả
Người trong giới cho rằng không phải khán giả Việt chán phim ngôn tình mà chỉ là đang chán ngán những câu chuyện không mới lạ, nhàn nhạt, chưa tạo đủ cảm xúc. "Phim hay thì dù thể loại hài, hành động hay ngôn tình cũng sẽ được đón nhận. Tôi nghĩ khán giả xem phim sẽ đánh giá hay hoặc không, cách kể có tạo được sự thú vị, thu hút. Một phim ngôn tình phải khiến khán giả tin vào nhân vật, mong muốn 2 nhân vật chính yêu nhau. Nếu xem mà chẳng hiểu vì sao nhân vật lại yêu nhau say đắm như thế là không thành công " - nhà sản xuất Jenni Trang Lê nhận định.
Một khi bị chinh phục bởi câu chuyện trong phim, khán giả thường chia sẻ cảm xúc của mình trên trang mạng xã hội, đây cũng là kênh quan trọng tạo hiệu ứng đẩy tác phẩm đi xa. Nhưng các phim "Thật tuyệt vời khi ở bên em", "Tháng 5 để dành", "Cà chớn - em yêu anh", "Ước hẹn mùa thu" chưa làm được điều này bởi yếu kém từ khâu kịch bản đến diễn xuất.
Với dòng phim ngôn tình, bên cạnh một kịch bản hợp lý, thuyết phục còn cần nhiều ở khả năng diễn xuất của diễn viên. Ngoài ngoại hình hợp vai, diễn viên còn phải có năng lực diễn xuất tốt, lột tả được tính cách nhân vật một cách thuyết phục mới dễ chạm đến cảm xúc khán giả. "Tôi thấy với dòng phim ngôn tình, cảm xúc mang đến cho khán giả là quan trọng nhất. Nhưng nếu câu chuyện phim bình thường, nhàm chán, chẳng có hơi thở thời đại hoặc thiếu cách kể thuyết phục, rất dễ bị khán giả quay lưng. Sự nhàm chán ở đây không phải về thể loại mà ở mô-típ câu chuyện và cách kể của đạo diễn" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Đòi hỏi nâng chất
Biên kịch Kim Ngọc cho rằng phim ngôn tình là thể loại giới trẻ rất thích nhưng nếu cứ mãi một kiểu hoài niệm thanh xuân xen lẫn hiện tại hay tình cảm học đường thơ ngây sẽ nhàm chán. Việc mở đầu "đao to búa lớn" nhưng nội dung triển khai rỗng, chưa đủ độ hấp dẫn thì cũng rất khó hút người xem. Đặc biệt, tựa đề phim cũng được xem là yếu tố quan trọng, thu hút sự tò mò ngay từ đầu. Việc một loạt phim ngôn tình vừa qua ra rạp không thắng doanh thu chắc chắn sẽ khiến các nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng hơn khi đầu tư. Tuy nhiên, người trong giới nhận định dòng phim này vẫn sẽ được tiếp tục sản xuất bởi chi phí thường không cao bằng các thể loại khác. Nếu có đầy đủ yếu tố từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên... tạo nên một tác phẩm chạm được cảm xúc khán giả thì cơ hội thành công vẫn cao.
Khán giả và người trong giới đang chờ ngày ra mắt "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tác phẩm văn học ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.