Giải Mai Vàng 25 năm: Tôn vinh giá trị thật của phim Việt!

Chủ nhật, 18 Tháng 8 2019 07:20 (GMT+7)
Phần lớn những phim được tôn vinh tại Giải Mai Vàng đều nhận được sự đồng thuận cao giữa khán giả và giới chuyên môn. Người làm nghề cho rằng giải thưởng là nguồn động lực, góp phần thúc đẩy điện ảnh phát triển

Có 21 phim được tôn vinh tại Giải Mai Vàng trong 24 năm qua. Hẳn nhiên, trong những phim đoạt giải cũng có một vài tác phẩm chưa thể thỏa mãn được toàn bộ khán giả nhưng ở đó vẫn chứa đựng những yếu tố cho thấy chúng xứng đáng xếp vào danh sách những phim thắng giải.

Nhiều phim trở thành kinh điển

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là người đầu tiên được tôn vinh tại Giải Mai Vàng hạng mục Đạo diễn điện ảnh - phim truyền hình được yêu thích nhất nhờ thành công từ tác phẩm "Đất Phương Nam" (Hãng TFS - Đài Truyền hình TP HCM sản xuất). Một phần thưởng xứng đáng bởi sự đầu tư chỉn chu từ kịch bản cho đến bối cảnh, diễn xuất, âm nhạc và cách kể chuyện hấp dẫn. Đến nay, phim "Đất Phương Nam" vẫn giữ nguyên giá trị trong lòng khán giả, nhắc là nhớ. Tiếp nối "Đất Phương Nam", đạo diễn Đinh Đức Liêm được tôn vinh với phim "Đồng tiền xương máu" (TFS sản xuất), đây cũng là tác phẩm thuộc hàng kinh điển của phim truyền hình Việt Nam thời kỳ đầu. Phim đề cập đến xã hội Việt Nam trong những năm chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Những phim giúp các đạo diễn chiến thắng Giải Mai Vàng giai đoạn đầu này, còn có: "Đời cát" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (đoạt Giải Vàng Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương), "Thung lũng hoang vắng" của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, "Xe lăn" của đạo diễn Vũ Thành Vinh, "Lưới trời" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, "Ngọn nến hoàng cung" của Nguyễn Quốc Hưng, "Kính vạn hoa" của đạo diễn Nguyễn Minh Chung...

Giải Mai Vàng 25 năm: Tôn vinh giá trị thật của phim Việt! - Ảnh 1.

Giải Mai Vàng 25 năm: Tôn vinh giá trị thật của phim Việt! - Ảnh 2.

Giải Mai Vàng 25 năm: Tôn vinh giá trị thật của phim Việt! - Ảnh 3.

Giải Mai Vàng 25 năm: Tôn vinh giá trị thật của phim Việt! - Ảnh 4.

Từ trên xuống: Các cảnh trong phim “Đất Phương Nam”, “Đời cát” “ Ngọn nến hoàng cung”, “Zippo, mù tạt và em” (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)

Nhận định về giá trị của những tác phẩm thắng Giải Mai Vàng, nhà báo Cát Vũ nói:

"Trong những phim thắng giải tôi ấn tượng với "Đất Phương Nam", "Đời cát". Chúng có giá trị rất lớn với thế hệ sau, khi xem lại những tác phẩm kinh điển này. "Đất Phương Nam" là tác phẩm truyền hình hoàn hảo về mọi mặt, có giá trị lâu bền, mang tính lịch sử của đất nước. Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long ấn tượng nhất với "Ngọn nến hoàng cung" - phim lịch sử cổ trang thành công nhất của truyền hình Việt. "Phim được làm rất kỹ từ kịch bản, bối cảnh, diễn viên, cách kể chuyện. Đạo diễn có kiến thức, chịu khó nghiên cứu nên khi tác phẩm được phát sóng nhận được nhiều lời khen từ khán giả" - bà Ngô Ngọc Ngũ Long nói.

"Những phim đoạt giải thưởng Mai Vàng đều là phim được báo chí nói đến nhiều, công chúng yêu thích bầu chọn. Đa phần, công chúng bầu chọn đều dựa vào độ phổ biến của phim. Hầu hết các phim đoạt giải đều xứng đáng trong thời điểm riêng của nó. Giai đoạn đầu, nhiều phim được xem là kinh điển như "Đất Phương Nam", "Đời cát"..., giữ được giá trị cho đến tận ngày nay" - nhà báo Cát Vũ nhận định.

Góp phần thúc đẩy sáng tạo

Từ khi đổi tên hạng mục thành Phim điện ảnh - truyền hình được yêu thích nhất (tôn vinh tập thể), những phim được vinh danh có "Cổng mặt trời" của đạo diễn Nguyễn Dương, "Một thời ta đuổi bóng" của đạo diễn Trương Dũng, "Tìm chồng cho vợ tôi" của đạo diễn Võ Việt Hùng, "Độc thân tuổi 30" của đạo diễn Xuân Cường... Trong 3 năm gần đây, phim được tôn vinh có: "Zippo, mù tạt và em" của đạo diễn Trọng Trinh và Bùi Tiến Huy, "Yêu đi, đừng sợ" của đạo diễn Stephen Gauger, "Gạo nếp gạo tẻ" của đạo diễn Võ Thạch Thảo - Nguyễn Hoàng Anh.

"Tất cả những phim trước đây đều thuyết phục bởi đó thực sự là những tác phẩm nổi bật của cả một giai đoạn phát triển của phim Việt, nhắc là nhớ. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trở lại đây, những phim thắng giải chưa chinh phục hoàn toàn khán giả lẫn người trong giới" - biên kịch Thanh Hương nhận xét. Dẫu vậy, biên kịch Thanh Hương thừa nhận Mai Vàng vẫn là giải được sự kỳ vọng, yêu mến vì đồng hành với phim ảnh nước nhà. Lịch sử phim Việt có nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau lúc lên đỉnh cao rồi bão hòa, sụt giảm rồi lại vượt qua khó khăn đi lên. Đa số tác phẩm được vinh danh được xem là nổi trội vào mỗi thời điểm.

Theo nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long, các phim sau này như "Cổng mặt trời", "Zippo, mù tạt và em" cũng có những giá trị thời đại mà phim thể hiện. Chúng đều là phim tốt, ít nhiều ghi dấu ấn trong lòng khán giả. "Mỗi thời có cái hay riêng, chúng ta không thể buộc phim truyền hình ngày nay cũng mang chủ đề lớn như trước đây, nên tuân theo quy luật của sự phát triển. Đó là giá trị phản ánh từng thời kỳ trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử phim ảnh nước nhà" - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nói.

Với người trong giới, Giải Mai Vàng luôn mang giá trị động viên lớn, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo trong đội ngũ làm nghề để mang đến ngày càng nhiều tác phẩm chất lượng chinh phục khán giả. Ngay từ những ngày đầu đến nay, Giải Mai Vàng trở thành bạn đồng hành, chứng nhân cho sự phát triển thăng trầm của lịch sử phim Việt. Với biên kịch Châu Thổ, Giải Mai Vàng tôn vinh những tác phẩm giá trị, đồng hành cùng khán giả lẫn người làm phim, tạo động lực thúc đẩy người làm nghề luôn nỗ lực tiến lên phía trước. 

21 bộ phim đoạt Giải Mai Vàng

Giải Mai Vàng ra đời năm 1995 nhưng đến năm 1997, mùa thứ 3 của giải thưởng, lĩnh vực phim lần đầu được xuất hiện trong cơ cấu giải với tên gọi "Đạo diễn Phim điện ảnh - Phim truyền hình được yêu thích nhất". Đến năm 1998, hạng mục này không tìm được đạo diễn cũng như tác phẩm nổi trội để trao giải nên phải bỏ qua. Từ năm 1999 đến hết năm 2009, nhiều đạo diễn được tôn vinh và hạng mục này chính thức đổi tên thành "Phim điện ảnh, truyền hình được yêu thích nhất" kể từ năm 2010. Vì những sự thay đổi, gián đoạn, đến nay Giải Mai Vàng đã tôn vinh tất cả 21 phim:

1. "Đất Phương Nam" - đạo diễn: Vinh Sơn

2. "Đồng tiền xương máu" - đạo diễn: Đinh Đức Liêm

3. "Đời cát" - đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân

4. "Thung lũng hoang vắng" - đạo diễn: Phạm Nhuệ Giang

5. "Xe lăn" - đạo diễn: Vũ Thành Vinh

6. "Lưới trời" - đạo diễn: Phi Tiến Sơn

7. "Ngọn nến hoàng cung" - đạo diễn: Nguyễn Quốc Hưng

8. "Kính vạn hoa" - đạo diễn: Nguyễn Minh Chung

9. "Đẻ mướn" - đạo diễn: Lê Bảo Trung

10. "Áo lụa Hà Đông" - đạo diễn: Lưu Huỳnh

11. "Bỗng dưng muốn khóc" - đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng

12. "Tình án" - đạo diễn: Võ Việt Hùng

13. "Cổng mặt trời" - đạo diễn: Nguyễn Dương

14. "Một thời ta đuổi bóng" - đạo diễn: Trương Dũng

15. "Anh hùng Nguyễn Trung Trực" - đạo diễn: Phan Hoàng

16. "Tìm chồng cho vợ tôi" - đạo diễn: Võ Việt Hùng

17. "Độc thân tuổi 30" - đạo diễn: Xuân Cường

18. "Yêu" - đạo diễn: Việt Max

19. "Zippo, mù tạt và em" - đạo diễn: Trọng Trinh và Bùi Tiến Huy

20. "Yêu đi, đừng sợ" - đạo diễn: Stephane Gauger

21. "Gạo nếp gạo tẻ" - đạo diễn: Võ Thạch Thảo - Hoàng Anh.

Minh Khuê - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí