Phim khai thác đề tài đồng tính hoặc có thông điệp ngợi ca tình yêu đồng giới không thiếu trên màn ảnh rộng Việt. Nhưng đến nay, số lượng tác phẩm thành công rất ít. Hai phim ra rạp gần đây là "Thưa mẹ con đi" và "Ngôi nhà bươm bướm" cũng không thoát khỏi tình cảnh ế ẩm.
Cảnh trong phim “Thưa mẹ con đi”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phải kêu gọi "giải cứu ế"
Nếu các phim đề tài đồng tính trước đây tập trung vào việc khai thác tình yêu giới thứ 3 mang màu sắc buồn bã, bi kịch thì "Thưa mẹ con đi" (đạo diễn: Trịnh Đình Lê Minh) và "Ngôi nhà bươm bướm" (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh) có nhiều khác biệt. Cả hai phim này đều xây dựng một câu chuyện cảm xúc về tình cảm gia đình, mối quan hệ xung quanh các nhân vật chính hơn là tập trung mô tả mối tình đồng giới. "Thưa mẹ con đi" có dàn diễn viên diễn xuất tốt, khai thác trọn vẹn nhân vật mình thể hiện, phim còn ghi điểm ở cảnh quay, âm nhạc. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng khẳng định nhân vật trong phim của anh không phải kiểu "một mình chống lại thế giới" mà điều làm nên giá trị ở các nhân vật là được gia đình yêu thương, chấp nhận. Trong khi đó, "Ngôi nhà bươm bướm" có kịch bản chuyển thể từ vở hài kịch "La Cage aux Folles" nổi tiếng ở Pháp (1973) nên có nhiều đoạn hài hước, tạo được tiếng cười và cảm xúc nhưng nhiều sạn ở kịch bản, nhất là phần gỡ nút dễ dàng, thiếu thống nhất theo chuyển biến tâm lý nhân vật. Phần kết đầy tính sắp đặt, sân khấu hóa và cũng có một số diễn viên chưa thể hiện tốt vai diễn. Mặc dù đã có sự thay đổi gam màu so với trước đây nhưng cả 2 phim trên đều chưa thể tạo sức hút. Ngay từ khi mới ra rạp, "Thưa mẹ con đi" (ra rạp chính thức ngày 16-8) đã không được xếp nhiều suất chiếu đến mức đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh phải lên tiếng kêu gọi khán giả "giải cứu" trên mạng xã hội Facebook. Anh mong những khán giả yêu điện ảnh, nhất là những bạn trẻ, ủng hộ để phim có nhiều suất chiếu hơn, được chiếu khung giờ phù hợp, đến được với khán giả nhiều hơn. Nhờ mọi nỗ lực quảng bá của cả ê-kíp, phim dần được tăng suất chiếu nhưng chỉ trụ qua 2 tuần, đến tuần thứ ba suất chiếu giảm đáng kể, chỉ còn rải rác. Phim này hoàn được vốn đã là chuyện khó, còn sinh lời là không khả thi trước tình hình như hiện nay. Phim "Ngôi nhà bươm bướm" (ra rạp chính thức ngày 30-8) có được sức hút từ NSƯT Thành Lộc, Quang Minh, Hồng Đào nhưng vẫn chưa đủ để tác phẩm gây sốt rạp Việt. Những cáo buộc vi phạm bản quyền ca khúc "Mãi mãi bên em" sử dụng trong phim từ ca sĩ Noo Phước Thịnh đối với nhà sản xuất "Ngôi nhà bươm bướm" và kêu gọi khán giả tẩy chay phim càng tạo nên bất lợi cho doanh thu của phim này, tai tiếng thể hiện sự không chuyên nghiệp này chắc chắn sẽ còn gây hại nếu nhà sản xuất chưa sớm giải quyết dứt điểm. Thêm vào đó, hầu hết các phim chủ đề đồng tính đều được dán nhãn C18, hạn chế lượng lớn khán giả trẻ thường xuyên đến rạp.
Cảnh trong phim “Ngôi nhà bươm bướm”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Khu biệt khán giả
Nhiều người trong giới cho rằng các phim chủ đề đồng tính không phù hợp với khán giả đại chúng. Nó không phải là một lựa chọn tối ưu so với những tác phẩm chủ đề tình cảm hài hước khác. Do đó, các rạp khó có khả năng dành nhiều suất cho các phim này trừ khi chúng quá hay, gây sốt trong khán giả. "Tôi thấy không riêng Việt Nam, các nước Thái Lan và Mỹ cũng thế. Phim chủ đề đồng tính kén khán giả bởi không phải ai cũng thích vì không phải mô tả thế giới chung. Nhà sản xuất khi thực hiện, họ đã biết trước điều này. Những phim quá hay, quá cảm xúc ở đề tài này mới đủ sức gây sốt phòng vé còn ngược lại vẫn ít người xem" - đạo diễn Luk Vân cho biết. Biên kịch Đông Hoa cho rằng khán giả Việt dị tính sẽ khó chọn phim đồng tính để xem ở rạp vì họ không quen. Họ có thể âm thầm thừa nhận tình yêu đồng giới nhưng điều đó không có nghĩa chấp nhận bỏ tiền ra rạp để xem phim chủ đề này. Một cặp đôi nam - nữ yêu nhau ra rạp xem phim cũng khó để họ chọn chủ đề đồng giới. Nhà làm phim tự khu biệt tác phẩm của mình trong đối tượng khán giả nhỏ hẹp.
Chưa có đột phá
"Phim Việt nói về đồng tính nam nhiều đến mức bão hòa bởi không có đột phá. Nội dung chỉ xoay quanh chuyện cha mẹ cấm cản, kỳ thị, khó khăn công khai... Nhà làm phim không dám mạo hiểm, sợ bị kiểm duyệt, sợ bị cắt phim nên chọn cách an toàn nhất. Điều này khiến tác phẩm giống nhau, gây nhàm chán, thông điệp cũng chẳng mới lạ mà cảm xúc thì không tới. Phim chỉ đạt mức dễ thương, chỉn chu vẫn chưa thể mang đến thắng lợi doanh thu trong thực trạng ngày càng nhiều phim ngoại dám khai thác tận cùng đề tài này. Một kịch bản táo bạo, đột phá, hợp lý sẽ phá được sự bão hòa này nhưng hẳn nhiên thách thức không ít" - biên kịch Thanh Hương nhận định.