Kỳ vọng để Nhà hát Tây Đô sáng đèn

Thứ bảy, 07 Tháng 9 2019 06:42 (GMT+7)
Trong bối cảnh cải lương đang gặp khó, Nhà hát Tây Đô (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ) lâu nay cũng loay hoay tìm khán giả và nâng cao chất lượng nghệ thuật. Chương trình biểu diễn sân khấu cải lương định kỳ “Dạ cổ Cầm Thi” vừa ra mắt mới đây được xem là nỗ lực của Nhà hát Tây Đô với kỳ vọng về một sân khấu cải lương sáng đèn thường xuyên hơn.

Trái tim, vỡ nát buổi ban đầu. Tình là sầu. Đời là mộng. Mẹ đây mới thêu đôi cánh uyên ương. Giữa tiếng nhạn kêu sương, nghĩ lại phận mình càng thương…” - nghệ sĩ trẻ Hồng Thủy ca Trường tương tư trong trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt” vừa dứt, khán phòng vỡ òa bởi những tiếng vỗ tay. Vậy rồi tất cả lại yên ắng, dõi theo chuyện tình éo le của Nguyệt - Minh trong vở cải lương kinh điển của cố soạn giả Trần Hữu Trang. Bà Huỳnh Thị Đẹp, khán giả 65 tuổi, quay sang nói với con: “Mấy chục năm rồi má mới được xem lại vở cải lương này diễn trực tiếp trên sân khấu. Ba mươi mấy năm trước má được xem một lần, do cô Lệ Thủy đóng. Nghệ sĩ trẻ bây giờ diễn cũng mùi lắm!”.

Dường như đó cũng là cảm xúc của nhiều khán giả khi đến với sân khấu của “Dạ cổ Cầm Thi”. Chương trình mở đầu bằng liên ca cải lương “Cung thương hòa điệu” rồi đến ca cảnh, ca vọng cổ, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là hai trích đoạn cải lương “Tô Ánh Nguyệt” và “Kẻ sĩ Thăng Long”. Chương trình gói gọn trong khoảng 60 phút, đa dạng phong cách, màu sắc khác nhau trên nền cổ nhạc nên thu hút người xem từ đầu đến cuối. Khán giả đến với rạp Nhà hát Tây Đô đêm diễn đầu tiên này chừng 100 người, đáng nói họ đều là những người thực sự vì yêu thích cải lương mà đến. Ngoài khán giả lớn tuổi cũng có những chàng trai cô gái thanh xuân dõi theo từng lớp diễn. Anh Nguyễn Hoàng Khánh, 27 tuổi, đến từ quận Bình Thủy, chia sẻ: “Xem các nghệ sĩ diễn cải lương trực tiếp mới thấy họ công phu và tài năng thế nào”.

Nghệ nhân ưu tú Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết: Những đêm diễn “Dạ cổ Cầm Thi” sắp tới, ê-kíp thực hiện sẽ chọn những trích đoạn cải lương kinh điển để phục vụ khán giả như “Vụ án Mã Ngưu”, “Bên cầu dệt lụa”, “Trắng hoa mai”, “Cánh hạc chiều đông”… Qua đó mong muốn, khán giả sẽ được tìm lại ký ức một thời vàng son của sân khấu cải lương, nung nấu lại niềm đam mê trong lòng người mộ điệu.

Chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” được Nhà hát Tây Đô thực hiện, biểu diễn vào tối thứ bảy tuần cuối cùng của tháng, bắt đầu từ tháng 8-2019. Ngoài lực lượng diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Tây Đô, Nhà hát sẽ tăng cường lực lượng của Hội Sân khấu thành phố, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ… và hướng tới tăng cường nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, chương trình sẽ phục vụ miễn phí khán giả đến hết năm 2019; thời gian sau đó sẽ bán vé với giá thấp để duy trì hoạt động, thậm chí sẽ tiếp tục miễn phí nếu có nhà tài trợ.

Nghệ sĩ Hồng Thủy và nghệ sĩ Vương Kiệt diễn trích đoạn cải lương “Tô Ánh Nguyệt” trong chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” lần I.

Nói về ý tưởng thực hiện chương trình “Dạ cổ Cầm Thi”, ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết: "Cần Thơ hiện nay đã có sân khấu nghệ thuật tổng hợp định kỳ ở bến Ninh Kiều, có sân chơi đờn ca tài tử ở cầu đi bộ và đờn ca trên Chợ nổi Cái Răng… nhưng chưa có một sân khấu cải lương định kỳ. Trong tình hình chung cải lương đang gặp khó, Nhà hát Tây Đô nỗ lực để mang cải lương đến gần với khán giả, bước đầu là tạo thói quen cho người dân đến rạp coi cải lương". Với Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Khanh, diễn viên Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ có một sân khấu cải lương định kỳ như “Dạ cổ Cầm Thi” khiến người làm nghề rất phấn khởi. Theo anh, nghệ sĩ cải lương được làm nghề, được đứng trên sân khấu hát cho khán giả nghe là hạnh phúc lớn. “Dạ cổ Cầm Thi” còn giúp các nghệ sĩ trau dồi nghề nghiệp, có sân khấu định kỳ để thử sức chính mình kiểu “văn ôn võ luyện”, nuôi dưỡng tình yêu nghề.

Ở khía cạnh phát triển du lịch, nếu chương trình được duy trì thường xuyên, đẩy mạnh quảng bá; các tiết mục nghệ thuật được gia cố từ nội dung, tính hấp dẫn đến nghệ thuật chuyên nghiệp thì hứa hẹn sẽ là một sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ. Nói về điều này, ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, sau khi xem “Dạ cổ Cầm Thi” đã đánh giá cao nỗ lực của Nhà hát Tây Đô và dẫn giải thành công của một số chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch ở Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội… “Nếu biết khai thác, cải lương cũng là một loại hình nghệ thuật phục vụ du lịch hấp dẫn. Dĩ nhiên, chương trình phải được đầu tư chuyên nghiệp, hấp dẫn để thu hút du khách”- ông Luận nói.

bài, ảnh: Đăng Huỳnh - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí