Muốn xem phim phải đi hàng trăm cây số
Theo số liệu của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 140 rạp và cụm rạp chiếu phim, 80% trong số đó thuộc các đơn vị chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết những cụm rạp chiếu này được xây dựng mới hiện đại, trong các khu thương mại phức hợp, tập trung tại các TP lớn: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành có tiềm năng: Hải Phòng, Huế, Vinh, Khánh Hòa, Ninh Bình... Công ty CJ CGV Việt Nam (gọi tắt là CGV) hiện có 23 rạp tại 17 tỉnh với tổng cộng 103 phòng chiếu, trong đó có các địa bàn như Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Hậu Giang, Phú Yên, Đắk Lắk... Theo kế hoạch đến năm 2020, CGV sẽ mở khoảng 10-15 rạp mỗi năm, trong đó có 4-5 rạp tại các tỉnh, thành. Lotte Cinema cũng chạy đua cạnh tranh giành thị phần với CGV bằng việc xây dựng hệ thống rạp chiếu tại nhiều tỉnh, thành khác như: Ninh Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Tây Ninh... bên cạnh hệ thống rạp chiếu của mình trong các TP lớn.
Phim “Anh thầy ngôi sao” vừa chiếu rạp đã đến được với học sinh vùng cao phía Bắc trong chương trình “Điện ảnh cho mọi người” của Công ty CJ CGV Việt Nam. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Tuy nhiên, số lượng rạp chiếu này vẫn còn là ít ỏi so với nhu cầu xem phim của người dân những nơi chưa có rạp chiếu phim. Do rạp chiếu nằm ở trung tâm các TP nên người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có cơ hội được xem phim điện ảnh. Muốn xem được những bộ phim đang gây sốt thông tin trên mạng, thanh niên ở những nơi này phải vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số. Ngay TP HCM, từ các huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ muốn xem phim chiếu rạp cũng không dễ dàng.
Quyết định 199/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" ngày 25-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Phát huy thế mạnh của điện ảnh, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đời sống tinh thần của từng vùng, địa phương, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Hướng tới bảo đảm sự công bằng hợp lý trong hưởng thụ điện ảnh giữa các vùng, miền; giữa thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc đầu tư xây dựng rạp chiếu và kinh doanh hoạt động chiếu phim vẫn do các công ty nước ngoài khai thác, chủ yếu tập trung các đô thị. Vai trò nhà nước trung ương và địa phương trong phát triển hệ thống rạp chiếu phim ngoài thị phần này gần như chưa có.
"Cải tạo, nâng cấp khoảng 24 rạp chiếu phim tại các tỉnh, TP miền Bắc; 16 rạp chiếu phim tại các tỉnh, TP miền Trung; 8 rạp chiếu phim tại các tỉnh, TP miền Nam. Phấn đấu xây dựng mới khoảng 10 rạp chiếu phim tại các tỉnh, TP miền Bắc; 15 rạp chiếu phim tại các tỉnh, TP miền Trung; 24 rạp chiếu phim tại các tỉnh, TP miền Nam với trang thiết bị kỹ thuật phù hợp, đạt tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên các địa phương chưa có rạp chiếu phim" như trong phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ xem ra là bài toán khó cho ngành và cho các địa phương nếu không huy động được nguồn lực xã hội hóa.
Chiếu phim lưu động: Bài toán nan giải
Chiếu phim lưu động là hoạt động có khả năng thu hẹp khoảng cách hưởng thụ điện ảnh giữa đô thị và vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa trong tình hình này. Chiếu phim lưu động đã được quy định trong Luật Điện ảnh 2006, đến nay vẫn không thay đổi.
Trên thực tế, các địa phương đều có các đội chiếu phim lưu động, hoạt động khá đều đặn bằng ngân sách địa phương. Với phương tiện kỹ thuật lạc hậu, nguồn phim truyện khan hiếm, hầu hết các đội chiếu phim lưu động này hoạt động với tính chất đội tuyên truyền thông tin văn hóa cơ sở là chính. Chủ yếu tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của nhà nước qua video clip. Còn phim truyện bà con được xem là những bộ phim do các hãng nhà nước sản xuất bằng phim nhựa ra đời cách đây hơn 1 thập kỷ, hình ảnh trầy xước và xuống màu, giới trẻ chê. Từ vài năm nay do chính sách tài trợ đặt hàng sản xuất phim không thực hiện được, do quy định: "Không thành lập hội đồng thẩm định kịch bản, không tổ chức đấu thầu đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước" (khoản 6 điều 49 Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung 2009). Trong khi phim đặt hàng giao cho các đơn vị sản xuất của nhà nước không hấp dẫn công chúng nên không có người xem. Vì vậy, nhà nước không còn nguồn phim mới để cung ứng cho các địa phương phục vụ chiếu phim lưu động. Mặt khác, phương tiện kỹ thuật lạc hậu của các đội chiếu phim lưu động của nhiều địa phương không thích ứng với phim sản xuất theo công nghệ kỹ thuật số hiện nay nên càng khó khăn hơn trong việc tìm nguồn phim mới.
Yêu cầu của Chính phủ đối với các địa phương là phải thực hiện tốt hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phù hợp cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn xem ra cũng là bài toán khó. Nếu đội chiếu phim lưu động chỉ chiếu phim tài liệu tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước về các mặt trong đời sống người dân ở địa phương thì chỉ cần đưa lên sóng đài truyền hình, đài phát thanh địa phương sẽ hiệu quả hơn nhiều, vì hiện nay, hầu hết người dân nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đều có máy thu hình (tivi), thu thanh. Cái họ cần là các tác phẩm điện ảnh, không được xem nóng hổi như đang chiếu tại rạp thì cũng nên giúp họ được xem chỉ sau vài tháng hoặc một năm.
Nguồn phim của tư nhân hiện rất phong phú. Mỗi năm ước có hơn 250 bộ phim phát hành tại Việt Nam. Số phim này có thể cung ứng cho hoạt động chiếu phim lưu động bằng ngân sách mua phim của nhà nước. Vấn đề là các địa phương phải đầu tư mua sắm, thay đổi trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với kỹ thuật sản xuất phim hiện nay.
Điều 34 Luật Điện ảnh 2006 - Chiếu phim lưu động
Nhà nước có chính sách đầu tư thiết bị chiếu phim, phương tiện vận chuyển, cấp kinh phí hoạt động cho đội chiếu phim lưu động do UBND cấp tỉnh; UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh; đơn vị lực lượng vũ trang thành lập để phục vụ chiếu phim ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi phí buổi chiếu phim ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm từ 50%-80% chi phí buổi chiếu phim ở các vùng nông thôn cho đội chiếu phim lưu động.
Cơ sở chiếu phim tư nhân chiếu phim lưu động phục vụ ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh; UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh được thanh toán chi phí buổi chiếu như cơ sở chiếu phim nhà nước.
"Điện ảnh cho mọi người": Trách nhiệm xã hội
"Điện ảnh cho mọi người" do CGV tổ chức là hoạt động nằm trong chuỗi các chương trình trách nhiệm xã hội được công ty này khởi xướng từ năm 2011. Chương trình có mục đích mang điện ảnh chất lượng cao đến ngày càng nhiều với khán giả Việt Nam. Những năm gần đây, chương trình diễn ra đều đặn mỗi năm và trở thành hoạt động thường niên của công ty này.
Phía CGV cho biết 2 năm gần đây, họ chiếu phim do mình sản xuất, phát hành. Những năm trước, có chiếu phim của các nhà sản xuất tư nhân khác. Các phim này do CGV phát hành nên được hỗ trợ bản quyền, không phải mua.
Một hoạt động trong chương trình “ Điện ảnh cho mọi người tại Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ. (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)
CGV đưa đội ngũ chiếu phim đến các địa phương, đem theo toàn bộ thiết bị chiếu, màn hình lớn, dựng rạp phim chiếu như rạp bình thường, có kỹ thuật và âm thanh đi theo vận hành, bảo đảm như xem phim ở rạp. Nếu nơi chiếu không có phòng lớn, đội chiếu dựng phòng chiếu ngoài trời.
"Điện ảnh cho mọi người" 2019 diễn ra tại các trường dân tộc nội trú từ ngày 14 đến 22-10 vừa qua ở các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ được xem là cột mốc đánh dấu năm thứ 5 của chương trình. Bộ phim được mang đến chiếu cho 2.500 học sinh xem dịp này là "Anh thầy ngôi sao" của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh vừa ra rạp.
Phía ban tổ chức cho biết những địa phương được chương trình chọn đến thường là vùng cao, vùng biên giới xa xôi, hướng đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Các phim được đưa đi đều là phim Việt, chủ đề phần nhiều liên quan đến học đường, ngợi ca tình thầy trò, tình người, đậm giá trị nhân văn. Tính đến nay, chương trình đã giới thiệu nhiều tác phẩm điện ảnh khác nhau đến với gần 18.000 khán giả nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh hoạt động chiếu phim, ban tổ chức kết hợp trao tặng các suất học bổng cổ vũ tinh thần hiếu học của học sinh.
"Qua chương trình này, học sinh dân tộc thiểu số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa tại nhiều vùng miền của Tổ quốc có cơ hội được cùng nhau trải nghiệm những bộ phim có chất lượng cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, qua đó rút ngắn phần nào sự chênh lệch thụ hưởng điện ảnh giữa các vùng miền" - đánh giá của đại diện Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Mai Phương