Bạc Liêu nỗ lực để cải lương sáng đèn

Chủ nhật, 24 Tháng 11 2019 07:35 (GMT+7)
Cuối tuần rủ nhau đến rạp coi cải lương - thói quen ấy giờ đã định hình trong rất nhiều người dân Bạc Liêu. Biểu diễn cải lương miễn phí phục vụ khán giả được xem là nỗ lực của Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) nhằm vực dậy sức sống của cải lương ngay trên quê hương bài Dạ cổ...
 
Nghệ sĩ Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu trong một vở diễn.
 
Chương trình sân khấu cải lương định kỳ diễn ra vào tối thứ bảy hằng tuần, hoàn toàn miễn phí. Đến Nhà hát Cao Văn Lầu, khán giả sẽ được tìm về với ký ức một thuở, lối xóm rủ rê nhau đi coi cải lương, coi “cô Lan”, “anh Điệp”, “cô Diệu”, “cô The”… trong mấy tuồng cải lương kinh điển. Cảm xúc bây giờ vẫn y nguyên như vậy khi cánh màn nhung mở ra, các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu lại hỉ, ố cùng vai diễn, mang đến cho người xem nét đẹp truyền đời của cải lương.
 
Theo đạo diễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Cao Văn Lầu, ban đầu đơn vị thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, với hai chương trình xoay vòng gồm “Bạc Liêu ngày ấy” và “Hào khí non sông”. Vậy nhưng, trước sự phản hồi tích cực từ khán giả, họ muốn coi cải lương, coi lại các tuồng tích từng làm nên ký ức của người Bạc Liêu. Vậy là chương trình sân khấu cải lương định kỳ ra đời để chiều lòng người mộ điệu. Bởi với những người làm nghề, chỉ sợ khán giả không coi, chớ khi khán giả đã yêu thích, họ nguyện diễn bằng cả tấm lòng.
 
Định kỳ tối thứ bảy hằng tuần, Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu sẽ luân phiên diễn những vở đã được dàn dựng của đoàn như “Đào Duy Từ”, “Tây Thi”, “Cuộc chiến thời bình”, “Liều độc dược và cây đàn thần”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Bên cầu dệt lụa”, “Hai giọt nước”… Các nghệ sĩ xứ Bạc Liêu như Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh, Giang Tuấn, Anh Chàng, Diễm My, Vĩnh Sơn, Hoàng Dững… lại được tiếp thêm động lực trước sự hưởng ứng từ khán giả. Dù “cát-sê” chỉ là định mức theo quy định của Nhà nước nhưng bù lại, nghệ sĩ thấy mình “có lời” bằng những tràng pháo tay, cổ vũ.
 
Mỗi đêm diễn, trung bình có khoảng 200 khán giả đến xem, có đêm lên đến hơn 300 người. Đáng nói ở đây, khán giả đều là những người vì mê cải lương mà đến coi chứ không phải đi vì “vận động”. Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho thành công của chương trình. Cô Nguyễn Thị Hoàng, 68 tuổi, người dân phường 2, TP Bạc Liêu, nói: “Lâu lâu coi lại mấy tuồng cổ thấy hay quá.
 
Hồi xưa đi tới rạp coi nghệ sĩ diễn nhiều nhưng mấy chục năm nay đâu còn nữa. Rạp Cao Văn Lầu diễn cho bà con coi như vầy là hay lắm”. Trong suy nghĩ của nhiều người, cải lương không dành cho giới trẻ. Vậy nhưng, đêm diễn nào của Nhà hát Cao Văn Lầu cũng có rất đông khán giả 8X, 9X. Anh Phan Tấn Duy, cán bộ Nhà hát Cao Văn Lầu, ấn tượng: “Các bạn trẻ đến xem rất đông, nghiêm túc và thưởng thức trọn vở diễn. Hầu như đêm diễn nào cũng vậy”.
 
Dự kiến, sau khi dự án phục vụ cải lương miễn phí kết thúc vào năm 2020, Nhà hát Cao Văn Lầu sẽ thực hiện chương trình nghệ thuật có thu, biểu diễn cải lương cảnh trí mỹ thuật. Đây là nỗ lực của quê hương bản Dạ cổ hoài lang nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch địa phương.
Bài, ảnh: Duy Khôi - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí