Tác giả trẻ Phong Dương và sách tuyển tập truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”. Ảnh: NVCC
Diễn ra chỉ 8 tháng nhưng cuộc thi đã nhận đến 1.419 tác phẩm dự thi. Các giám khảo, ban tổ chức đã tuyển chọn 452 truyện ngắn vào vòng chung khảo để rồi có 19 tác phẩm vào chung kết. Ngoài Ban Giám khảo: GS-TS Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và đại diện NXB Văn hóa-Văn nghệ, cuộc thi còn có hàng ngàn “giám khảo” khác chính là bạn đọc trên mạng do các tác phẩm vào vòng chung khảo đều được đăng tải fanpage để mọi người đọc, bình chọn.
Cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức với sự tài trợ giải thưởng của một dự án thuộc Giải LiBeratupreis-Frankfurt 2018. Đây là giải thưởng do Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh tổ chức hằng năm. Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - đại diện Việt Nam - là tác giả vinh dự nhận giải thưởng văn học danh giá này.
Theo dõi fanpage cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” mới cảm nhận được sức hút của một cuộc thi văn học. Các độc giả chia sẻ, bình luận với những cảm xúc thú vị. Đa phần tác giả dự thi đều là cây bút trẻ, với bút lực và bút pháp mới lạ, nhiều thể nghiệm. Cách nhìn của tác giả về cuộc sống, về tình đời, tình người trong tác phẩm cũng đáng suy ngẫm. Truyện “Tràng phan” của Tống Phước Bảo đoạt giải Nhất cuộc thi khiến mọi người chú ý khi chọn viết về một nghề lạ và đang mai một là nghề may cờ phướn. Thông qua câu chuyện về nghề truyền thống, Tống Phước Bảo khéo léo lồng ghép câu chuyện về tình thân, mái ấm gia đình. Và còn có hình ảnh người phụ nữ trong “Tràng phan” cố gắng gìn giữ nếp xưa, gia phong lễ giáo trong nỗi đau đáu.
19 truyện ngắn hay từ cuộc thi này đã được chọn in sách với nhan đề “Một nửa làm đầy thế giới”. Trong số này, hai gương mặt trẻ của văn học Cần Thơ góp mặt là Phát Dương và Phong Dương. Chàng trai Phát Dương, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, vẫn chọn cho mình lối viết “chậm mà chắc”, sâu sắc trong từng con chữ. “Đắng hơn nước mắt” của anh có hình ảnh người phụ nữ một đời vì chồng, vì con đến nỗi dù có trắng tay, dù có thất bại, phải làm lại từ đầu thì vẫn xem là xứng đáng, không hối tiếc.
Nữ tính và nhẹ nhàng, tác giả Phong Dương (đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ) lại mang đến cho độc giả cảm giác như vỡ òa cùng nhân vật là một cô gái trẻ khi tìm được hạnh phúc sau tháng ngày vụn vỡ trong “Cuối mùa cỏ cháy”. Phong Dương chia sẻ, cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” mang đến cho chị nhiều trải nghiệm, với sự tương tác cao. Qua đó, Phong Dương học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong sáng tác, cấu trúc tác phẩm và cả cách đưa tác phẩm đến với bạn đọc.
Có thể nói, lâu rồi làng văn Việt mới có một cuộc thi tạo được sức hút, được chú ý nhiều đến như vậy. Cách quảng bá, giới thiệu về cuộc thi là rất tốt, nhất là trên môi trường mạng xã hội. Các gương mặt giám khảo uy tín cũng là bảo chứng cho cuộc thi nên các cây viết hào hứng tham gia. Rõ ràng, 19 tác phẩm được chọn in sách và 10 tác phẩm trong số đó được trao giải là xứng đáng, được dư luận đồng tình. Câu chuyện từ cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” cũng cho thấy, sức sống văn học trẻ vẫn rất thanh xuân như vốn dĩ đã có, nhưng rất cần những sân chơi đủ tầm để khơi dậy sức sáng tạo trong họ.
DUY LỮ - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)