Nghệ sĩ đầu tư kênh YouTube: Không dễ ăn!

Thứ hai, 02 Tháng 12 2019 10:11 (GMT+7)
Khi công việc kiếm tiền qua kênh YouTube lên cơn sốt, nghệ sĩ sân khấu cũng bị cuốn vào thị phần này
 
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 30 nghệ sĩ sân khấu mở kênh YouTube. Theo mạng lưới POPS Worldwide - đơn vị chuyên khai thác lĩnh vực kinh doanh nội dung giải trí kỹ thuật số tại Việt Nam, sau kênh của MC Trấn Thành, kênh YouTube của diễn viên Huỳnh Lập đã sở hữu nút Vàng danh giá.
 
Áp lực muôn trùng
Diễn viên hài Minh Dự cho biết khi thực hiện kênh YouTube, anh loay hoay không biết làm sao để có thật nhiều video clip thu hút nhiều lượt view? Nhưng tất cả vẫn quy về kinh phí. "Làm sao để duy trì kênh mà không tốn kém đó là vấn đề cần đặt ra cho một diễn viên thực hiện YouTube. Hiện nay, YouTube rất "loạn". Người bình thường cũng có thể thành người nổi tiếng trên YouTube, có khi nhiều view hơn cả nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi bỏ vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng để làm video phát trên kênh YouTube. Áp lực cả về nội dung lẫn đầu tư về hình thức. Tóm lại là không dễ ăn đâu" - Minh Dự chia sẻ.
 
Nghệ sĩ đầu tư kênh YouTube: Không dễ ăn! - Ảnh 1.
Kênh YouTube của diễn viên hài Minh Dự 325
 
Cũng theo Minh Dự, nghệ sĩ là chủ kênh không biết khán giả thích xem gì vì nhu cầu mỗi ngày mỗi khác, lúc thích vui, lúc khoái buồn... Để có nhiều clip có nội dung, ý tưởng tốt, nghệ sĩ phải không ngừng động não; phải thay đổi tư duy liên tục để sản phẩm không bị nhàm chán. "Đừng nghĩ làm YouTube là có tiền ngay, thời gian đầu khó khăn và áp lực lắm" - Minh Dự cho biết.
 
Nghệ sĩ đầu tư kênh YouTube: Không dễ ăn! - Ảnh 2.
Kênh YouTube của diễn viên hài Long Đẹp Trai
 
YouTube của diễn viên hài Thu Trang - Tiến Luật, Lâm Vỹ Dạ - Hứa Minh Đạt, Long Đẹp Trai… hiện nay có lượng truy cập cao, họ cũng thừa nhận áp lực rất lớn từ việc chọn hướng đi riêng trong cách thể hiện và duy trì kênh cá nhân. "Thật sự làm kênh YouTube rất khó khăn bởi không thuận theo thị hiếu khán giả sẽ không được đón nhận" - diễn viên Hải Triều bày tỏ.
Đường đua quyết liệt
 
Bên cạnh sàn diễn, phim trường - nơi nghệ sĩ sân khấu đổ mồ hôi để có được sản phẩm là vai diễn - thì ngày nay họ có thêm đường đua không kém quyết liệt đó là kênh YouTube. Để có sản phẩm thì phải cạnh tranh, có hướng đi riêng. Chưa nói đến kinh phí đầu tư cao ngất ngưởng. Cụ thể, để sở hữu nút vàng như Huỳnh Lập, việc đầu tư tiền tỉ cho sản phẩm là chuyện thường. Vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang - Tiến Luật lập cả công ty riêng để điều hành kênh YouTube và sản xuất các sản phẩm quảng cáo.
 
Diễn viên hài Minh Dự nói: "Tôi chưa bao giờ dám làm parody (giễu nhại, nhại lại, bắt chước để gây cười - PV) vì đó là hướng đi từ đầu của nghệ sĩ BB Trần hoặc nghệ sĩ Huỳnh Lập. Tôi cũng không bao giờ dám chuyên về Vlog (một dạng blog trong đó phương tiện truyền tải là qua video - PV) vì đã rất nhiều bạn trẻ làm, thậm chí tốt hơn mình. Là diễn viên hài, tôi thích làm những clip tự nhiên trong hậu trường nhưng vẫn có ý tưởng và nội dung. Thời buổi mưu sinh bận rộn, đi đâu hoặc ăn gì, thấy thú vị thì quay, pha vài mảng miếng hài để giải trí. Bằng chứng là khán giả hưởng ứng và thích thú với kênh của tôi. Đã đi sau thì phải có cái khác, tôi nghĩ vậy".
 
Với nghệ sĩ Cát Phượng: "Để có lối đi riêng, hiện nay tôi bắt đầu quay những món ăn do tôi tự nấu. Không ngờ khi đưa lên chưa được một tháng tôi đã nhận được nút bạc (có tối thiểu 100.000 lượt đăng ký theo dõi - PV). Vậy để duy trì lượng truy cập, bắt buộc phải có cái của riêng mình" - nghệ sĩ Cát Phượng nói.
 
NSƯT Trịnh Kim Chi khẳng định chị làm kênh YouTube vì mục đích từ thiện nên nội dung là những hoạt động được chia sẻ từ hành trình mang niềm vui đến cho người cần giúp đỡ. "Tôi không để đường đua đó ảnh hưởng đến tiêu chí nghệ thuật của kênh, càng không để áp lực phải có số đông truy cập bằng mọi giá, đánh mất chính thương hiệu của kênh" - NSƯT Trịnh Kim Chi nói.
 
Chuyện nuôi dưỡng ý tưởng, giấu kín ý đồ thực hiện đang là mối bất hòa tiềm ẩn trong thế giới nghệ sĩ khai thác YouTube. Họ sẵn sàng hỗ trợ nhau nhưng cũng đẩy giá cát-sê cao để tạo sự cạnh tranh. Khi thị phần không còn "làm chơi ăn thiệt", nhiều nghệ sĩ sân khấu đã than trời khi mức đầu tư khiến họ phải cầm nhà, bán xe để có tiền làm sản phẩm. 
 

Nạn ăn cắp bản quyền

Nạn ăn cắp bản quyền để làm nội dung phát trên kênh YouTube đang gây nhức nhối. Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết: "Có một số nghệ sĩ lấy kịch bản của tôi thực hiện MV đưa lên kênh YouTube, không hề xin phép, ngay cả tên tác giả cũng không ghi trên sản phẩm. Có người hỏi giùm tôi thì họ nói chép kịch bản từ trên mạng cần gì xin phép và trả tiền tác quyền".

Soạn giả Bạch Mai nói: "Đáng buồn là họ làm kênh YouTube để kiếm tiền nhưng họ quên nghĩa vụ trả tác quyền cho tác giả. Tôi sẽ kiện vì tất cả kịch bản của tôi đều đăng ký tác quyền" - tác giả của "Xử án Phi Giao", "Mai trắng se duyên", "Dương gia tướng" - những kịch bản bị ăn cắp đưa lên YouTube khá nhiều.

Nghệ sĩ Việt Hương thu hút người xem nhờ xê-ri "Ăn vặt cùng Việt Hương", đậm nét văn hóa miền Nam; hiện xê-ri "Việt Hương tuổi thơ ơi", giới thiệu câu hò điệu ru, món ăn thuở ấu thơ... được thực hiện chuyên nghiệp. Chị nói: "Muốn kênh của mình là "gà đẻ trứng vàng" thì kiếm tiền phải có lòng tự trọng".

Thanh Hiệp theo link - (nld.com.vn)
Dẫn: T.Uyên (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí