Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm là một người con của quê hương Nam Bộ (Long An) nên thật dễ hiểu khi ông dành nhiều tâm huyết với đề tài giải phóng miền Nam. Các tác phẩm của ông thể hiện năng lực sáng tạo về bố cục hình tượng, màu sắc cùng phong cách rất riêng biệt. Bức tranh sơn mài “Trái tim và nòng súng” là một tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
“Trái tim và nòng súng” tái hiện đoàn người biểu tình, đa phần là phụ nữ Nam Bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá, đang đấu tranh với lực lượng vũ trang của địch.
Bức tranh sơn mài "Trái tim và nòng súng" của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm
“Trọng tâm của bức tranh là hai người phụ nữ với dáng điệu cương quyết, tượng trưng cho chính nghĩa. Sự tương phản giữa khí thế lấn át của đông đảo quần chúng với sự đơn độc của kẻ thù đã thể hiện không khí cách mạng rực lửa, lòng căm thù quân giặc cùng niềm tin chiến thắng của những người biểu tình.
Màu đỏ son trầm lắng bao trùm toàn cảnh bức tranh. Hình ảnh đó như minh chứng về một chặng đường cách mạng đã qua với chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc", Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ cảm nghĩ.
Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (1922 – 1987) là một trong những cánh chim đầu đàn phát triển nền Mỹ thuật Việt Nam. Ông hoàn thành bức tranh “Trái tim và nòng súng” năm 1963.
Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm
“Có thể nói, Huỳnh Văn Gấm đã đem đến cho hội họa sơn mài Việt Nam một hiệu quả phi thường của nghệ thuật diễn tả ánh sáng tập trung và khối nổi khả dĩ ứng dụng trên những bố cục quy mô hoành tráng, có sức chuyển tải những chủ đề tư tưởng lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét.
Tác phẩm “Trái tim và nòng súng” đã góp phần mang đến cho hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 1990.
Thanh Xuân - (anninhthudo.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)