“Những nàng dâu nổi loạn”: Hài hước mà vẫn sâu sắc

Thứ bảy, 02 Tháng 5 2020 07:27 (GMT+7)
Những phim về đề tài gia đình, đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn thu hút người xem. Trong “Những nàng dâu nổi loạn”, câu chuyện được khai thác ở góc độ khác, hài hước và không kém phần kịch tính. Phim dài 40 tập, phát sóng lúc 14 giờ, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3.
Ba nàng dâu Quỳnh Ngọc (Lê Bê La, trái), Thư Dung (Bella Mai, giữa) và Nhã Thụy (Hoàng Kim).
 
Chuyện phim xoay quanh gia đình bà Quân (NSƯT Thanh Dậu) và ông Đô (NSƯT Công Ninh), vốn gốc miền Bắc, có ba con trai: con trưởng Hồ Đức (Lương Thế Thành) hiền lành, nhu nhược; con thứ Quang Trưởng (Hoàng Phi) gia trưởng lại thích ăn chơi; con út Minh Đạo (Võ Minh Bảo) giỏi giang và thành đạt. Cả ba đều được bà Quân nuôi dạy với nguyên tắc: phải tuyệt đối nghe lời mẹ. Còn 3 nàng dâu Quỳnh Ngọc (Lê Bê La), Thư Dung (Bella Mai), Nhã Thụy (Hoàng Kim) đại diện cho những mẫu phụ nữ có cách làm dâu khác nhau. Dâu trưởng Quỳnh Ngọc giỏi kinh doanh nhưng không thạo nữ công gia chánh, lấy lòng gia đình chồng bằng quà cáp. Dâu thứ Thư Dung hiền lành, là mẫu phụ nữ của gia đình, chịu khó và giỏi bếp núc. Cô dâu út Nhã Thụy thân thiện, nhiệt tình nhưng hậu đậu, đụng đâu hư đó.
 
Vợ chồng Hồ Đức và Quỳnh Ngọc vốn ở riêng, nhưng bà Quân nhiều lần bắt buộc cả hai về ở chung. Vốn tính nặng lễ giáo, bà Quân thường thử thách các con dâu. Dịp nhà có giỗ, bà Quân tổ chức cuộc thi cho các con dâu trổ tài nữ công gia chánh, để vừa nhắc nhở dâu con nề nếp nhà chồng, vừa chuẩn bị đám giỗ chu đáo và trang trọng theo lễ nghĩa truyền thống. Sự “sát hạch” của bà gây nên nhiều chuyện dở khóc dở cười, khiến các gia đình sui gia cũng vào cuộc. Cũng từ đó, những biến cố và xáo trộn liên tiếp xảy đến: gia đình ở chung nhưng không ăn chung, mẹ chồng không hài lòng chuyện ăn mặc của các con dâu, chuyện sinh con nối dõi tông đường…
 
“Những nàng dâu nổi loạn” có đề tài khá quen thuộc nhưng vẫn còn sức hút trên màn ảnh, vì phản ánh những câu chuyện thường nhật, gần gũi với cuộc sống đời thường. Làm dâu, ở rể không chỉ là nghĩa vụ của con cháu trong gia đình mà còn phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Thời hiện đại, chuyện này không khó nhưng cần khéo léo và chân thành. Những tình tiết trong phim cũng khá quen thuộc với cuộc sống đời thường của các gia đình Việt: sau những bất hòa, mâu thuẫn, hiểu lầm; là tình thân, sự hy sinh và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Phim không chỉ có những giây phút gay cấn, những nụ cười ý nhị mà còn là những giọt nước mắt, những bài học sâu sắc về tình thân, nghĩa vợ chồng.
 
Mỗi nhân vật trong phim đều được tạo hình và xây dựng tính cách riêng biệt, có tốt có xấu, nên dễ đi vào lòng người xem.  
 
BẢO LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí