Phim lấy bối cảnh từ năm 1928-1945, thời điểm cậu học sinh Phạm Văn Thiện (Trần Ngọc Hùng đóng, ảnh) tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà đến khi học ở College Mỹ Tho. Sau đó bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình.
Phạm Văn Thiện sinh ra và lớn lên ở vùng đất cầu Ông Me, xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Vốn là người cần cù, hiếu học, có tinh thần trượng nghĩa, từ sớm Phạm Văn Thiện đã tham gia hoạt động cách mạng, với bí danh Hai Hùng. Hai Hùng và đồng đội hoạt động rất tích cực, nên là mục tiêu truy bắt, tiêu diệt của thực dân Pháp. Khi Hai Hùng bị bắt và bị kết án tử hình, phong trào đấu tranh của nhân dân trong và ngoài nước đã buộc thực dân Pháp phải giảm án còn chung thân và đày Hai Hùng ra Côn Đảo.
Tại “địa ngục trần gian” này, nhà hoạt động cách mạng hứng chịu đòn roi, tra tấn cả tinh thần và thể xác; nhưng vẫn tiếp tục kết nối với các chiến sĩ cộng sản khác, kiên cường đấu tranh đòi độc lập tự do. Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, Hai Hùng cùng đồng đội đã nổi dậy cướp chính quyền trên đảo mà không bị tổn thất, thương vong.
“Chàng trai cầu Ông Me” tái hiện những câu chuyện bi hùng của những nhà cách mạng nước ta chống lại sự đô hộ của Pháp, tìm lại độc lập cho dân tộc. Qua một câu chuyện cụ thể về người chiến sĩ cách mạng, phim đã khắc họa tình yêu nước sắt son của người Nam bộ, tinh thần hy sinh, ý chí kiên cường bất khuất, nghị lực đấu tranh chống lại cường quyền. Phim không chỉ giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ mà còn khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tinh thần dũng cảm, tình yêu quê hương đất nước trong người xem. Tình đồng đội, đồng chí và nghĩa tình đồng bào một lòng vì độc lập, tự do được phản ánh thực đẹp, giàu cảm xúc.
Nam diễn viên Trần Ngọc Hùng để lại nhiều ấn tượng khi thể hiện được khí chất của chàng trai trẻ từng bước trưởng thành, được trui rèn trở thành vị lãnh đạo tài, đức.
BẢO LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)