Cảnh trong phim “Xin chào Papa”.
Web drama được các nhà sản xuất yêu thích vì không phải chờ hay lệ thuộc vào sự sắp xếp lịch chiếu của các rạp hoặc khung giờ phát sóng của các nhà đài. Với khán giả, ưu điểm lớn nhất là muốn xem khi nào cũng được, cũng như không phải tốn tiền mua vé ra rạp. Ðặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc lựa chọn web drama để giải trí tại nhà được nhiều khán giả ưa chuộng. Bằng chứng là không ít web drama nhanh chóng cán cột mốc triệu lượt xem chỉ trong tuần đầu ra mắt: “Kẻ săn tin”, “Xin chào Papa”, “Yêu lại từ đầu”, “Nhà trọ có quá trời phòng 2”, “Chạy đi đại kê”, “Bánh bèo hữu dụng”…
Ở giai đoạn đầu, web drama Việt chủ yếu tập trung đề tài học đường, hay những câu chuyện tâm lý về gia đình, giới trẻ mang màu sắc tươi sáng, nhẹ nhàng, như: “Lala School”, “Ghiền mì gõ”… Sau đó, có giai đoạn đề tài về giang hồ, thế giới ngầm, cổ trang, bí ẩn tâm linh… lên ngôi. “Thập Tam Muội” (2018) đã mở màn cho thời kỳ bùng nổ của web drama, đưa thể loại này trở thành xu hướng và tạo ra nhiều tác phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả. Nhiều nhà sản xuất, nhất là nghệ sĩ chuyển sang lấn sân mảng này. Có thể nói, giai đoạn này các tác phẩm vẫn còn nhiều xáo trộn: có tác phẩm hay những cũng có tác phẩm bị đặt vấn đề về nội dung.
Web drama hiện nay được xem là kênh để thăm dò thị hiếu khán giả. Ban đầu vì sự mới lạ, khán giả có thể chấp nhận những tác phẩm chỉ để giải trí, nhưng càng về sau sự đòi hỏi của khán giả là chất lượng. Tác phẩm vì thế cũng nâng dần về chất, được đầu tư kỹ về kịch bản, diễn viên, phục trang, âm nhạc, bối cảnh… Mỗi tác phẩm giờ đây đi vào chiều sâu với những câu chuyện ý nghĩa, đậm chất nhân văn; trau chuốt trong từng cảnh quay và diễn xuất của diễn viên cũng gần gũi đời sống. Có thể thấy điều đó ở “Kẻ săn tin” - kể câu chuyện nghề của cô phóng viên Khánh Hạ phụ trách mục hôn nhân gia đình. Công việc của Khánh Hạ nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng được khắc họa với nhiều lát cắt về cuộc sống đầy rẫy cạm bẫy. Chỉ gói gọn trong 6 tập, “Kẻ săn tin” lại mang đến rất nhiều tiếng cười và cả những giọt nước mắt, cảm xúc cho người xem. Vì vậy mỗi tập phim thu về hàng triệu lượt xem.
Một câu chuyện nhẹ nhàng khác là “Xin chào Papa”, kể về hành trình làm cha bất đắc dĩ của một thanh niên cục mịch tên Hoàng và bé gái bị bỏ rơi. Chỉ 5 tập, nhưng “Xin chào Papa” đã mang đến rất nhiều tiếng cười, lắng đọng nhiều cảm xúc về tình yêu thương giữa người và người. Có thể thấy, web drama trong giai đoạn đang tiếp cận khán giả bằng những câu chuyện rất đời thường, gần gũi. Chất hài cũng được thể hiện vừa phải, phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Web drama không còn được làm cho vui mà thực sự là nơi để công chúng đánh giá một cách khách quan tâm huyết, sự sáng tạo của nghệ sĩ.
BẢO LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)