Bất cập giọng nói trong phim Việt

Chủ nhật, 23 Tháng 5 2021 07:32 (GMT+7)
Trong cùng một bối cảnh, gia đình mà các nhân vật mỗi người nói giọng một vùng miền khác nhau: người Bắc, người Trung, người Nam, khiến khán giả hoang mang, thắc mắc. Thực trạng này đang khá phổ biến trong phim điện ảnh Việt hiện nay.
3 chị em trong “Gái già lắm chiêu V” nói giọng 3 miền khác nhau.
 
Trước đây, do hạn chế về kỹ thuật, điều kiện quay phim và đài từ của diễn viên, nên phim Việt thường được lồng tiếng để có sự thống nhất và dễ nghe. Hiện nay, kỹ thuật phát triển nên nhiều phim Việt chọn thu tiếng trực tiếp để cảm xúc của nhân vật được thể hiện chân thực hơn so với lồng tiếng. Tuy nhiên, điều này lại gây ra một bất cập khác khi các nhà sản xuất không chú tâm đến tính hợp lý trong phim.
 
Chẳng hạn, khi xem “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả”, người xem không hiểu sao 3 chị em gái trong một gia đình, sinh ra và lớn lên tại Huế, mà cô chị lớn thì nói giọng Bắc, cô giữa nói giọng Huế và cô út thì lại nói giọng Nam. Rồi gia đình ông Nghị có 3 người, thì vợ, chồng và con trai nói giọng 3 miền khác nhau. Hay phim “Trạng tí phiêu lưu ký” lấy bối cảnh, phục trang đặc trưng cho vùng quê Bắc Bộ thời xưa, nhưng các nhân vật hầu hết đều nói giọng Nam, chỉ có cả nhà Sửu là giọng Bắc. Phim “Kiều” cũng không khác khi Kiều và Ðạm Thanh nói giọng Bắc, còn các nhân vật khác đều giọng Nam…
 
Có thể hiểu rằng do diễn viên là người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nên khi đóng phim, việc khác biệt giọng nói là điều không tránh khỏi. Trách nhiệm của các nhà làm phim là làm sao để hợp lý hóa vấn đề và cho người xem một câu giải thích thỏa đáng. Ví dụ phim “Cậu Vàng” có bối cảnh làng quê Bắc Bộ những năm 1940, các nhân vật đều nói giọng Bắc, chỉ có mợ Ba của Bá Kiến nói giọng Nam. Vấn đề này được lý giải vì mợ Ba là người miền Nam, gia đình nghèo khó, phải gả con cho Bá Kiến để trừ nợ. Hoặc diễn viên Hữu Châu là người miền Nam nhưng khi đóng vai Bá Kiến thì được lồng tiếng giọng Bắc cho thống nhất với bối cảnh và tổng thể của phim. Trong khi đó, khá nhiều phim khác lại không chú ý đến vấn đề này, cứ vô tư để nhân vật muốn nói giọng nào cũng được. Thậm chí, trong một gia đình, cha mẹ, anh chị đều nói giọng Nam, tự nhiên có cô em lại nói giọng Bắc. Hoặc buồn cười hơn, bối cảnh phim là miền Trung, các nhân vật sinh ra và lớn lên tại đó nhưng lại nói rặt giọng Nam.
 
Một bất cập khác khi thu tiếng trực tiếp hoặc lồng tiếng bằng chính giọng thật của diễn viên chính là một số diễn viên thoại như trả bài, không biết nhấn nhá hay có ngữ âm, ngữ điệu, đài từ chưa tốt… Từ đó, làm nhân vật mất điểm và người xem phần nào tuột cảm xúc.
 
Thiết nghĩ, để phim được trọn vẹn, nhà sản xuất, đạo diễn phim cần lưu ý và quan tâm vấn đề này. Giọng nói của nhân vật trong phim cần được thống nhất vùng miền cho phù hợp với bối cảnh, nội dung câu chuyện, nếu có sự khác biệt thì phải có sự lý giải để người xem không khó chịu. Khi diễn viên đài từ không tốt hoặc giọng không phù hợp bối cảnh thì mạnh dạn cho lồng tiếng. Ðó không chỉ là sự tôn trọng khán giả mà còn là sự chỉn chu cần có của một tác phẩm điện ảnh.
 
CÁT ÐẰNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí